Nhà nước tỏ rõ quyết tâm đưa khu vực tư nhân thành động lực của kinh tế đất nước
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân đang trong quá trình thẩm tra, dự kiến trình Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 kéo dài đến 30/6/2025.
Theo Điều 7 của dự thảo, các doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong vòng 5 năm đầu, kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất với chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ. Khoản tiền thuê đất này sẽ được Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư theo quy định của Chính phủ.
HỖ TRỢ LÃI SUẤT 2%/NĂM CHO CÁC KHOẢN VAY THỰC HIỆN DỰ ÁN KINH DOANH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Tại Điều 8, Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng tại địa phương. Chính phủ sẽ quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí, mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ, trình tự và thủ tục thực hiện.
Điều 9 Dự thảo quy định, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng được hỗ trợ lãi suất 2% mỗi năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, dự án tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Ngoài ra, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được giao thực hiện các chức năng sau: (1) cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay đối với doanh nghiệp khởi nghiệp; (2) tài trợ vốn ban đầu cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo và các dự án xây dựng vườn ươm; (3) đầu tư vào các quỹ đầu tư địa phương, quỹ đầu tư tư nhân để tăng nguồn cung vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; (4) tiếp nhận và quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân yêu cầu Chính phủ có kế hoạch phát triển 1.000 doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Điều 11 Dự thảo quy định các gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước có giá không quá 20 tỷ đồng sẽ được dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, ưu tiên cho các doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người yếu thế, người khuyết tật làm chủ hoặc doanh nghiệp nhỏ và vừa ở miền núi, biên giới, hải đảo.
Trường hợp đã tổ chức đấu thầu mà không có doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng yêu cầu, việc tổ chức đấu thầu lại sẽ không bắt buộc áp dụng quy định ưu đãi tại khoản 1 của điều này.
Theo dự thảo, Chính phủ sẽ bố trí ngân sách nhà nước để triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030. Đồng thời, Nhà nước sẽ cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
MIỄN, GIẢM THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP TRONG 5 NĂM CHO LĨNH VỰC KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO
Theo quy định mới, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, phí cũng như hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Cụ thể, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 3 năm và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức có thu nhập từ việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đối với chuyên gia, nhà khoa học làm việc trong doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo hoặc các tổ chức trung gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo, thu nhập từ tiền lương, tiền công sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân trong 3 năm và giảm 50% trong 2 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Về chi phí đào tạo, chi phí doanh nghiệp lớn chi trả cho hoạt động đào tạo, đào tạo lại nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng sẽ được tính vào chi phí được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Từ ngày 1 tháng 7 năm 2026, hình thức nộp thuế theo phương pháp khoán sẽ được bãi bỏ đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; thay vào đó là phương pháp khai thuế, tính thuế theo quy định pháp luật. Lệ phí môn bài cũng sẽ được bãi bỏ từ ngày 1 tháng 1 năm 2026.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp được phép trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Doanh nghiệp có thể sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng bên ngoài nghiên cứu phát triển theo cơ chế khoán sản phẩm. Ngoài ra, các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được tính vào chi phí được khấu trừ bằng 200% chi phí thực tế.
Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ kinh phí xây dựng hoặc thuê, mua nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung và cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ và cá nhân kinh doanh theo quy định của Chính phủ.
Hoàng Lan