Trên sống lưng khủng long Tà Xùa. Ảnh: B.Thuận
Điểm xuất phát tại chân núi Tà Xùa, xã Bản Công. Điểm đích là đỉnh Tà Xùa cao 2.865m. Đây là lần thứ 2 huyện Trạm Tấu tổ chức giải leo núi. Lâu nay, đỉnh núi cao bồng bềnh mây phủ này được dân phượt, khách tham quan, du lịch biết đây thuộc phía Đông Bắc huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La), dù Tà Xùa nằm tiếp giáp với huyện Trạm Tấu của tỉnh Yên Bái.
Rẻo cao thành phố ta ba lô
Như phần đông du khách, chúng tôi đến Tà Xùa - nơi được mệnh danh là “Thiên đường nơi hạ giới của Sơn La” - từ Mộc Châu. Đây được xem là cung đường ngắn nhất, khoảng cách chỉ 100km; còn từ thành phố Sơn La đến Tà Xùa là 115km và Hà Nội thì xa đến 240km.
Từ Bắc Yên vượt qua cung đường quanh co, hiểm trở, chỉ thấy lác đác vài bản nhỏ của bà con dân tộc Mông nằm nép mình bên sườn núi, chúng tôi đến Tà Xùa trong khí trời mát lạnh. Trước mắt chúng tôi là một khu phố thị ồn ả, đông vui với đủ loại hình quán xá, nhà nghỉ, cơ sở phục vụ du lịch, săn mây…. nhìn giống như một phần của Sa Pa, hay các khu phố Tây thu nhỏ. Ai trong chúng tôi cũng đều ngạc nhiên trước sự thay hình đổi dạng quá nhanh của một rẻo cao hơn 5 năm trước chỉ là một bản Mông hoang vắng, mà nay đã là một thị trấn du lịch sặc sỡ sắc màu.
Tà Xùa đang vào cuối mùa săn mây (mùa săn mây từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau), nhưng khách du lịch, dân phượt vẫn tấp nập và các cơ sở lưu trú, quán ăn, cà phê… đang hối hả thi công. Khác với Sa Pa có đông du khách gia đình, Tà Xùa hầu như chỉ toàn khách trẻ. Bảng hiệu các hàng quán đều gắn với mây, cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Buồn cười là có quán ăn lấy tên Chi Bâu liên quan đến giai thoại của dân phượt. Chuyện có lần nhóm phượt lên vùng cao nhìn thấy loài hoa đẹp mọc tràn lan trên sườn núi, bèn hỏi một người Mông đang chăn ngựa gần đó. Anh chàng dân tộc thiểu số trả lời: “chi bâu”! (tiếng Mông là… “hổng biết”). Tưởng đây là tên của loài hoa đẹp và lạ, nhóm phượt hí hửng tung lên mạng hình ảnh hoa chi bâu mới phát hiện được. Nhiều người kéo tới ùn ùn săn ảnh hoa lạ và vở lẽ ra “chi bâu” không phải là tên của loài hoa này.
Điểm du lịch “3 trong 1”
Tiềm năng phát triển và sức hút về du lịch của Tà Xùa còn rất lớn. Vùng cao này có những lợi thế mà không nơi nào khác có được.
Nằm trong rừng nguyên sinh rộng đến 17.650 hécta bên sườn Đông Nam của dãy Hoàng Liên Sơn có địa hình chia cắt mạnh hình thành nhiều đỉnh cao dọc theo dãy Phu Sa Phìn; trong đó đỉnh Tà Xùa là một trong 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam và lại là nơi mà dân thể thao mê thích môn leo núi rất ưa chuộng. Nhiều giải thưởng leo núi đã được tổ chức ở đây. Khá độc đáo, đỉnh Tà Xùa không đơn lẻ mà sừng sững hợp thành bởi 3 đỉnh núi. Trong đó, đỉnh cao nhất 2.850m chính là nơi dựng cột cờ Việt Nam, có chóp bằng inox; đỉnh thứ 2 hiện vẫn còn cột cờ do người Pháp dựng; đỉnh thứ 3 thấp hơn, nằm ở giữa.
Tác giả trong chuyến tham quan.
Đặc biệt, Tà Xùa còn được chọn là một trong 3 “thiên đường mây” vùng Tây Bắc, gồm: đỉnh Lảo Thẩn và đỉnh Bạch Mộc Lương Tử ở Lào Cai, nhưng Tà Xùa được dân săn mây ưa thích hơn. Bên cạnh đó, việc cắm trại, trekking rừng ở Tà Xùa cũng rất thú vị. Trong khu rừng nguyên sinh nằm trên vùng cao này, có một thảm thực vật rất kỳ bí với “rừng rêu cổ thụ” có hình dáng, cảnh quan thật ma mị.
Ngoài Pu Ta Leng, Pusilung (Lai Châu) và Fanxipan (Lào Cai) được mệnh danh là “vương quốc hoa đỗ quyên”, gần đây, rừng nguyên sinh Tà Xùa cũng được khám phá là nơi có loài hoa đỗ quyên cổ thụ đủ mọi sắc màu nở rộ trong 2 tháng 2 và 3, hút hồn giới cầm máy nghệ thuật và người yêu hoa.
Như vậy, check-in Tà Xùa cùng với săn mây, còn có thể leo núi, trekking ngắm rêu và hoa đỗ quyên cổ thụ, camping giữa cảnh quan hùng vĩ, không khí trong lành. Và còn…
Khi ra thị trấn Tà Xùa được hỏi có muốn trải nghiệm leo lên lưng khủng long lần nửa không, cả 6 “ông già đi chiến đấu” đều lắc đầu…
Trải nghiệm cảm giác mạo hiểm
Dân phượt lẫn các vận động viên leo núi đều cho rằng chinh phục đỉnh Tà Xùa chưa bao giờ là điều dễ dàng, bởi địa hình ngọn núi này phức tạp với những dốc cao, lại nhấp nhô, hun hút trải dài, cung leo cực kỳ khúc khuỷu… Nhưng thách thức lớn nhất trong cung leo Tà Xùa lại là… sống lưng khủng long. Đây là đỉnh thứ 3 nằm giữa ba đỉnh núi của dãy Pu Sa Phìn, thường được gọi chung là Tà Xùa. Đoạn leo này hẹp trên địa hình dốc đá dựng đứng, hai bên là vực sâu thăm thẳm. Một trong những đoạn đường leo nguy hiểm nhưng cũng hấp dẫn nhất với người mê mạo hiểm. Những tourist guide thành thạo nơi đây đều khuyến cáo người sợ độ cao hoặc yếu tim… đừng nên mạo hiểm.
Lời khuyên này không ngờ lại có hiệu nghiệm. Đoàn du hành của Đồng Nai có tất cả 18 người thì có 12 vị tình nguyện… ở lại thị trấn “ngắm mây” tại chỗ cho lành. U70 tôi từng đu dây lên nhà giàn DK1 ngoài thềm lục địa trong cơn biển động, đu zipline qua sông Chải (Quảng Bình) vào hang tối tắm bùn…; nên hăng hái đăng ký thử trèo lên sống lưng khủng long Tà Xùa một lần cho biết.
Chiếc ô tô chở 6 người vào xã Háng Đồng vừa ngừng lại thì có hàng chục thanh niên Mông đi xe máy xông đến mời chào. Từ trung tâm xã ra đến bản Chống Tra nơi dãy núi cao 2.500m có hình dáng giống như sóng lưng của khủng long khổng lồ đang nằm say ngủ xa khoảng 5km, trong đó phần “sóng lưng” dài 3km, được cho là con đường mòn, mỏng như sống dao mà bước chân qua có cảm giác như đang đi trên một bức tường chênh vênh, hai bên là vực thẳm sâu hun hút.
Mặc dù năm 2019, để đảm bảo an toàn cho du khách, chính quyền và người dân địa phương đã dựng cọc sắt và giăng dây thép ở những đoạn khó leo, nhưng ngồi trên xe máy ôm chặt lấy chàng trai Mông giữ số 1 leo dốc qua những đoạn này, tôi thót tim và lạnh cả người mỗi lần hai xe cùng giữ nguyên tốc độ chạy ngược chiều tránh nhau; chỉ cần chệch bánh 10cm là chiếc xe bay xuống vực sâu, mà cả người và xe đều mất xác. Có một đoạn, sống lưng dài chừng 500m phải đi bộ, tôi phải lò dò từng bước một; người toát mồ hôi, chỉ một bước sơ sẩy là rơi xuống vực thẳm đang chực chờ cả hai bên.
Bình an trở lại Háng Đồng ai cũng thở phào nhẹ nhỏm và đều khen dân xe ôm ở đây quá giỏi không thua diễn viên xiếc. “Tài xế” chở tôi vào sống lưng khủng long là Mùa A Trung, sinh viên năm thứ 2 Khoa Tài nguyên môi trường của Trường đại học Sơn La. Anh cho biết, lực lượng xe ôm ở đây có hơn 50 người, toàn là thanh niên Mông hoạt động đông nhất vào nhũng ngày lễ cuối tuần và mùa du lịch. Trung tranh thủ ngày nghỉ học, anh chạy xe ôm kiếm tiền, ngày được 2-3 cuốc. Mỗi cuốc xe cả đi và về là 60 ngàn đồng.
Bùi Thuận