Ngày 2/4 (giờ Mỹ, tức ngày 3/4 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lên tới 46%.
Cụ thể, trong phần phụ lục II sắc lệnh điều chỉnh nhập khẩu bằng thuế quan đối ứng của Mỹ quy định một số hàng hóa không phải chịu thuế đối ứng. Những mặt hàng này bao gồm: Các mặt hàng chịu thuế tại sắc lệnh khác (50 USC 1702); thép, nhôm, ô tô, phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo quy định khác; các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ xẻ; tất cả các mặt hàng có thể phải chịu thuế trong tương lai; vàng thỏi; năng lượng và một số khoáng sản khác không có sẵn tại Mỹ.
Reuters giải thích rằng, một số mặt hàng nhập khẩu như ô tô, phụ tùng ô tô, thép và nhôm đã phải chịu mức thuế riêng biệt là 25% theo quy định tại mục 232 của Đạo luật Thương mại 1962. Do đó, các mặt hàng này sẽ không bị áp thêm thuế đối ứng mới của Mỹ.
"Các mặt hàng khác đang hoặc có khả năng bị điều tra an ninh quốc gia theo mục 232 của Đạo luật Thương mại 1962 như đồng, gỗ xẻ, chất bán dẫn và dược phẩm cũng được miễn trừ thuế đối ứng mới. Sắp tới, một phụ lục khác cũng sẽ liệt kê các sản phẩm được miễn trừ thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ban hành bao gồm một số khoáng sản quan trọng, năng lượng và sản phẩm năng lượng", Reuters viết.
Các mặt hàng nhập khẩu phải chịu thuế riêng biệt là 25% theo Mục 232 của Đạo luật Thương mại 1962 như ô tô, thép và nhôm không bị áp thêm thuế đối ứng mới của Mỹ. Ảnh: Getty.
Như vậy, các mặt hàng như ô tô, phụ tùng ô tô, vàng thỏi, nhôm, thép, đồng, gỗ xẻ, chất bán dẫn, dược phẩm... của tất các quốc gia bao gồm cả Việt Nam sẽ không phải chịu mức thuế nhập khẩu đối ứng mới của Mỹ.
Theo tìm hiểu, biểu thuế nhập khẩu trung bình mà Mỹ đang áp với hàng hóa Việt Nam hiện tại như sau: Nhóm hàng máy móc, thiết bị, thiết bị truyền hình 2%; nhựa và các sản phẩm từ nhựa 5%; cao su và các sản phẩm từ cao su 7%; đồ chơi 13%; đồ gỗ nội thất, giường đệm, nệm 18%; quần áo và phụ liệu, dệt kim hoặc móc 20%; giày dép 22%; đồ bằng da, dây nịt, túi xách 24%; phương tiện giao thông từ đầu máy, toa xe đường sắt, xe điện, phụ kiện 31%...
CNBC phân tích, mức thuế mới do chính quyền Tổng thống Trump áp dụng dường như được tính toán theo công thức: Thuế quan = Thâm hụt thương mại song phương/tổng giá trị nhập khẩu từ nước đó.
Theo công thức này, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 136,6 tỷ USD, nhập khẩu 13,1 tỷ USD, tạo ra thâm hụt 123,5 tỷ USD, chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu. Mỹ cho rằng đây chính là mức "thuế" mà Việt Nam đang "áp" lên hàng hóa Mỹ nên Chính quyền ông Donald Trump áp mức thuế 46% - bằng một nửa mức thuế theo tính toán.
Hôm qua (3/4), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết trong sáng 3/4 Chính phủ đã họp để đánh giá về vấn đề này, Việt Nam đã chủ động rà soát điều chỉnh mặt hàng nhập khẩu để tăng kim ngạch nhập khẩu, hướng tới cân bằng thương mại.
Theo ông Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính, việc Mỹ đánh thuế lên tới 46% cao nhất so với mức thuế hiện hành. Trong đó, những ngành sản xuất như linh kiện, điện tử, nông nghiệp, dệt may, da giày... sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tối 3/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.
Lộc Liên
Theo Reuters, CNBC