Mặt hàng sợi của Việt Nam bị khởi xướng điều tra tại Ấn Độ

Mặt hàng sợi của Việt Nam bị khởi xướng điều tra tại Ấn Độ
một ngày trướcBài gốc
Sản phẩm sợi là mặt hàng thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại bởi các nước.
Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) vừa ra thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sợi Elastomeric filament yarn có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam.
Sản phẩm bị điều tra là sợi Elastomeric filament yarn thuộc các mã HS: 54024400 và 54041100.
Trên thị trường sợi được biết đến với một số cái tên như sợi Spandex hoặc sợi Elastane, được dùng chủ yếu trong ngành sản xuất quần áo có độ co giãn.
Loại trừ khỏi phạm vi điều tra là sợi đàn hồi có màu (trừ màu đen), sợi đàn hồi kéo dãn (elastomeric yarns on beam), sợi có tên thương hiệu “Lycra”, sợi đàn hồi sử dụng cho tã lót. (Chi tiết về sản phẩm xin xem thông báo khởi xướng đính kèm, mã HS chỉ mang tính chất tham khảo).
Sản phẩm trên đã từng bị Ấn Độ điều tra và áp thuế chống bán phá giá từ năm 2016. Tuy nhiên năm 2022, Bộ Tài chính Ấn Độ đã dừng áp thuế đối với sản phẩm này sau khi rà soát cuối kỳ.
Trong trường hợp khởi xướng, đây là lần thứ 2 sản phẩm này bị điều tra chống bản phá giá bởi Ấn Độ. Sản phẩm sợi cũng là mặt hàng thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại bởi các nước.
Nguyên đơn trong vụ việc này là Công ty TNHH Indorama India Private. Nguyên đơn cáo buộc rằng việc nhập khẩu sản phẩm bị điều tra bán phá giá từ các nước nêu trên đã gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa.
Được biết, nguyên đơn đã đề xuất 9 mã phân loại sản phẩm (PCN). DGTR yêu cầu các bên liên quan gửi bình luận (kèm theo giải thích chi tiết) về phạm vi sản phẩm bị điều tra và về mã PCN (nếu có) trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng (tức ngày 12/4/2025).
Mã PCN trực tiếp liên quan đến việc so sánh giữa giá bán thông thường và giá xuất khẩu, giúp xác định sự khác biệt về chi phí và giá cả của các loại sản phẩm khác nhau nằm trong phạm vi sản phẩm bị điều tra.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam cần nộp các bình luận và Bản trả lời câu hỏi điều tra tới DGTR trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận thông báo khởi xướng (tức ngày 27/4/2025).
Nếu không đáp ứng thời hạn nêu trên, DGTR có thể kết luận các doanh nghiệp Việt Nam không hợp tác và sử dụng dữ liệu sẵn có bất lợi để tính toán biên độ phá giá cho doanh nghiệp). Các doanh nghiệp cũng có thể có thư đề nghị DGTR gia hạn thời gian trả lời Bản câu hỏi điều tra và gửi DGTR sớm trước khi thời hạn kết thúc.
Để kịp thời ứng phó với vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương khuyến nghị Hiệp hội và các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra rà soát tình hình xuất khẩu sản phẩm bị điều tra sang Ấn Độ; Nghiên cứu kỹ quy định điều tra chống bán phá giá của Ấn Độ.
Đồng thời, các doanh nghiệp phải xem xét gửi ý kiến bình luận về sản phẩm bị điều tra và mã PCN do nguyên đơn đề xuất cũng như các ý kiến bình luận khác liên quan vụ việc theo đúng thời hạn và thể thức quy định.
Thế Hải
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/mat-hang-soi-cua-viet-nam-bi-khoi-xuong-dieu-tra-tai-an-do-d261224.html