Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới diễn ra thế nào?

Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới diễn ra thế nào?
5 giờ trướcBài gốc
Chỉ trong ít ngày tới, toàn thể Giáo hội Công giáo sẽ bước vào một thời khắc trọng đại: mật nghị hồng y – sự kiện quan trọng để lựa chọn vị giáo hoàng mới cho hơn 1,4 tỷ tín đồ trên toàn thế giới. Đây là quy trình bầu cử kéo dài và mang tính biểu tượng sâu sắc, sẽ quyết định người kế vị Đức Giáo hoàng Phanxicô I, người vừa từ trần hôm 21 tháng 4, hưởng thọ 88 tuổi sau 12 năm lãnh đạo Tòa Thánh.
Mật nghị bắt đầu khi nào?
Theo thông báo từ Vatican, ngày 7 tháng 5 đã được chọn làm thời điểm chính thức khởi động mật nghị. Vào buổi sáng hôm đó, khoảng 10 giờ theo giờ Rome (tức 6 giờ chiều theo giờ AEST), các hồng y cử tri sẽ cùng dự Thánh lễ "Pro Eligendo Papa" – một nghi thức truyền thống nhằm cầu nguyện cho việc chọn lựa vị giáo hoàng tiếp theo. Ngay sau đó, họ sẽ tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối, đánh dấu sự khởi đầu cho tiến trình bầu chọn mới.
Câu nói "Extra omnes" – tạm dịch là “Mọi người không phận sự, xin mời ra ngoài” – sẽ vang lên từ Trưởng ban nghi lễ phụng vụ của Tòa Thánh. Lúc đó, tất cả những ai không tham gia vào mật nghị sẽ phải rời khỏi Nhà nguyện Sistine. Các hồng y sẽ tiến vào nơi linh thiêng này vào khoảng 4:45 chiều cùng ngày (tức 12:45 sáng ngày 8 tháng 5 theo giờ AEST) và bắt đầu bỏ phiếu vòng đầu tiên.
Mật nghị diễn ra ở đâu?
Nhà nguyện Sistine – một kiệt tác nghệ thuật thời Phục hưng và là trái tim của Vatican – sẽ là nơi các hồng y thực hiện quyền bầu cử. Dù hầu hết các mật nghị đều tổ chức tại Rome, đã có 15 lần các cuộc họp bầu giáo hoàng được tiến hành tại những địa điểm khác như Viterbo, Perugia, Arezzo, Venice (Ý), Konstanz (Đức) hay Lyon (Pháp).
Ai được quyền bỏ phiếu?
Chỉ những hồng y dưới 80 tuổi mới đủ điều kiện tham gia bầu cử, và hiện tại có 135 người đủ tư cách. Tuy nhiên, hai vị hồng y – Antonio Canĩzares Llovera và Vinko Puljic – đã xin rút vì lý do sức khỏe. Một trường hợp đáng chú ý khác là Hồng y Giovanni Angelo Becciu, người từng là nhân vật quyền lực trong giáo triều Vatican, cũng đã rút lui. Ông từng bị Giáo hoàng Francis yêu cầu từ bỏ đặc quyền hồng y năm 2020 vì liên quan đến bê bối tài chính và hiện đang kháng cáo bản án của Tòa án Vatican.
Một chi tiết đáng chú ý là khoảng 80% số hồng y tham gia bầu cử lần này đều do Đức Giáo hoàng Francis bổ nhiệm, điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến đường hướng lãnh đạo tương lai của Giáo hội.
Quy trình bầu chọn diễn ra ra sao?
Để trở thành giáo hoàng, một ứng viên phải giành được ít nhất hai phần ba tổng số phiếu bầu. Nếu có 133 cử tri tham gia, thì cần tối thiểu 89 phiếu để đắc cử. Trong ngày đầu tiên, chỉ diễn ra một lượt bỏ phiếu; các ngày tiếp theo sẽ có hai lần bỏ phiếu vào buổi sáng và hai vào buổi chiều.
Sau mỗi vòng bỏ phiếu, một tín hiệu khói sẽ được thả ra từ ống khói Nhà nguyện Sistine: khói đen nghĩa là chưa chọn được giáo hoàng, còn khói trắng báo hiệu tin vui – một vị giáo hoàng mới đã được chọn.
Thời gian kéo dài bao lâu?
Không có giới hạn thời gian cụ thể cho mật nghị – quá trình này kéo dài cho đến khi có kết quả. Từ "conclave" (mật nghị) xuất phát từ tiếng Latin có nghĩa là “nơi bị khóa kín”, nói lên việc các hồng y bị cô lập hoàn toàn trong suốt thời gian bầu chọn để đảm bảo tính bảo mật và thiêng liêng của sự kiện.
Trước thế kỷ 13, có những trường hợp giáo hoàng được bầu chỉ trong cùng ngày người tiền nhiệm qua đời. Tuy nhiên, kể từ năm 1274, Vatican quy định cần ít nhất 10 ngày chờ đợi để tất cả hồng y kịp đến Rome, sau này được kéo dài thành 15 ngày.
Lịch sử cũng từng chứng kiến sự nhanh chóng – như việc Giáo hoàng Julius II được bầu chỉ sau vài giờ vào năm 1503. Ngược lại, cuộc mật nghị dài nhất kéo dài tới 1006 ngày (gần ba năm) từ 1268 đến 1271, để chọn người kế vị Giáo hoàng Clement IV.
Ai có thể trở thành giáo hoàng?
Trên lý thuyết, bất kỳ nam giới Công giáo nào đã được rửa tội đều có thể được bầu làm giáo hoàng. Tuy nhiên, từ năm 1378 đến nay, tất cả các giáo hoàng đều là hồng y. Người cuối cùng phá lệ là Urban VI – một tu sĩ kiêm Tổng giám mục của Bari.
Mặc dù người Ý từng giữ vị trí giáo hoàng suốt nhiều thế kỷ, nhưng trong thời hiện đại, có những ngoại lệ nổi bật: Đức Gioan Phaolô II (Ba Lan, 1978), Benedict XVI (Đức, 2005) và Đức Giáo hoàng Phanxicô (Argentina, 2013). Trong lịch sử xa hơn, Giáo hoàng Alexander VI (Tây Ban Nha, 1492), Gregory III (Syria, 731), và Adrian VI (Hà Lan, 1522) cũng từng trở thành giáo hoàng.
Giờ đây, thế giới lại hồi hộp dõi theo khói trắng sẽ bay lên từ nóc Nhà nguyện Sistine – biểu tượng cho sự khởi đầu mới của Giáo hội Công giáo toàn cầu. Ai sẽ là người lãnh đạo tinh thần tiếp theo? Câu trả lời đang dần được viết nên trong những ngày tới.
Minh Quân
Nguồn SaoStar : https://www.saostar.vn/vong-quanh-the-gioi/mat-nghi-hong-y-bau-giao-hoang-moi-dien-ra-the-nao-202505061152494326.html