Sau gần 2 năm đứng ngôi "vua" trong xuất khẩu và giá khá cao thì hiện nay, giá sầu riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang giảm sâu, thậm chí thương lái không thu mua. Giá sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu tại vườn giá sầu riêng Ri6 loại A dao động từ 54.000-58.000 đồng/kg; loại VIP giữ mức 65.000-70.000 đồng/kg. Sầu riêng Thái loại A phổ biến trong khoảng 80.000-85.000 đồng/kg, còn dòng Thái VIP ở mức 100.000-105.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm 2024, giá sầu riêng đã sụt giảm từ 20.000-30.000 đồng/kg.
Riêng những loại sầu riêng không đạt chuẩn xuất khẩu, bán nội địa có giá thấp hơn, từ 25.000-30.000 đồng/kg. Hiện sầu riêng loại này được đổ bán dọc đường ở TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang… Tại quốc lộ 61C (tuyến đường nối Cần Thơ và TP Vị Thanh, Hậu Giang), nhiều nhà vườn đem sầu riêng ra đây để bán trực tiếp cho người tiêu dùng với giá niêm yết từ 35.000-45.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Minh (ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) bùi ngùi: "Vụ này, vườn nhà tôi có khoảng 25 tấn nhưng đến giờ này không thấy thương lái đến hỏi mua. Vì sầu riêng đã chín nên tôi đành hái đem ra dọc đường bán, mong gỡ gạc lại phần nào hay phần đó".
Cam sành được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 2.000-3.500 đồng/kg.
Ông Trần Thiện Thanh, Phó Giám đốc HTX Sầu riêng Trường Phát (TP Cần Thơ) nói: "Thông thường, chính vụ sầu riêng bắt đầu vào tháng 5. Nhưng 2 năm qua, giá sầu riêng tăng mạnh, nhà vườn xử lý cho sầu riêng vào giữa tháng 4 là thu hoạch. Nên từ giữa tháng 4 đến nay, lượng cung sầu riêng rất nhiều, trong khi xuất khẩu hạn chế, đẩy giá sầu riêng xuống thấp".
Trong hơn 2 năm gần đây, từ khi Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc thì diện tích trồng sầu riêng ở một số tỉnh ĐBSCL tăng mạnh. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện tổng diện tích sầu riêng trên cả nước đạt gần 151.000ha tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên, ĐBSCL, Đông Nam Bộ. Diện tích này tăng gấp đôi so với định hướng quy hoạch đến năm 2030. Ngành nông nghiệp đã nhiều lần khuyến cáo nhà vườn không nên phát triển "nóng" diện tích trồng sầu riêng bởi chạy theo số lượng mà chất lượng chưa được chú trọng tương xứng sẽ xuất hiện nhiều rủi ro. Trong đó, rủi ro mất cân đối cung cầu khi đầu ra của loại trái cây "vua" này phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Cần Thơ cho biết: "Từ lâu ngành nông nghiệp đã khuyến cáo bà con nông dân thận trọng khi tăng diện tích trồng cây sầu riêng, chỉ nên trồng ở những vùng chuyên canh, tập trung để đảm bảo vấn đề liên kết, có kết nối được doanh nghiệp tiêu thụ và phải sản xuất đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn, truy xuất tốt nguồn gốc để xuất khẩu".
Trong 3 năm gần đây, giá cam sành cũng giảm mạnh. Đi dọc các tuyến đường ở TP Cần Thơ, Vĩnh Long,… dễ dàng bắt gặp cảnh cam sành đổ đống hoặc vào bịch với giá từ 4.000-5.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tại vườn chỉ còn từ 2.000-3.000 đồng/kg. Vĩnh Long là một trong những địa phương có diện tích trồng cam sanh nhiều ở ĐBSCL. Năm 2020, tỉnh này có diện tích trồng cam sành là 14.000ha thì đến năm 2022 tăng lên 17.000ha và năm 2024 là 18.000ha.
Gia đình anh Nguyễn Văn Nhân (ngụ xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) có 10 công cam sành (1.000m2/công). Đây cũng là năm thứ hai gia đình rơi vào cảnh "được mùa mất giá", khi giá cam thu mua tại vườn chỉ 3.000 đồng/kg. "Với giá bán hiện nay, nhà vườn lỗ nặng nhưng vẫn phải tiếp tục đầu tư để giữ vườn", anh Nhân nói.
Khi nhiều người cùng trồng một loại cây, sản lượng tăng đột biến trong khi đầu ra không mở rộng tương ứng, dẫn đến dư thừa. Giá thấp khiến người nông dân không thể thu hồi vốn, đặc biệt với những hộ đã đầu tư lớn vào giống cây, phân bón, hệ thống tưới tiêu… Nhiều người rơi vào cảnh nợ nần.
Khi thị trường bão hòa, thương lái không còn mặn mà thu mua. Nhiều nông dân phải tự mang trái cây ra đường bán lẻ với giá thấp, mất nhiều công sức nhưng hiệu quả không cao. Việc tăng diện tích trồng không đi kèm với nâng cao chất lượng dẫn đến sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi đó, các thị trường khó tính như Trung Quốc siết chặt kiểm tra, gây ùn ứ, hư hỏng hàng hóa.
Văn Vĩnh