Mặt trời trong bóng tối

Mặt trời trong bóng tối
6 giờ trướcBài gốc
Phim ra rạp, tôi xem hai lần. Đây là phim về chiến tranh Việt Nam hay nhất mà tôi từng xem. Tuy đề tài phim không mới nhưng tác giả đã tìm được cái mới không bao giờ cũ để kể, đó là tình yêu Tổ quốc và thân phận con người. Để tránh thi vị hóa quá mức, tác giả đã chọn cách diễn giải theo lối làm phim tài liệu gắn nhân vật trong bối cảnh của sự kiện. Điều này được thể hiện qua cuộc hành quân hỗn hợp bằng hải - lục - không quân của quân đội Mỹ khi tấn công vào địa đạo Củ Chi nhằm xóa cho được tổ điện đài của tình báo Việt cộng.
Xem cảnh bom napal, súng phun lửa thiêu cháy, xe tăng nã đạn mới thấy sức mạnh khủng khiếp của hỏa lực cũng như quyết tâm của đối phương khi thâm nhập địa đạo. Cuộc chiến không cân sức diễn ra và thông qua từng nhân vật đã hiện lên sức mạnh của ý chí bất khuất và tinh thần chiến đấu ngoan cường của du kích Củ Chi. Họ chấp nhận hy sinh, chiến đấu đến cùng nhằm bảo vệ tín hiệu của sóng vô tuyến của Tổ tình báo chiến lược được truyền đi từ lòng đất.
Đất nước hội nhập giúp những người làm phim tiếp nhận được công nghệ hiện đại của điện ảnh. Chất lượng hình ảnh, âm thanh và tiết tấu phim hiện đại phù hợp với từng trường đoạn. Cái mới trong phim Địa đạo là đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không lạm dụng kỹ xảo mà tác giả chú tâm tận dụng tối đa bối cảnh hiện có: Dòng sông và những đám lục bình là thật. Không phải ngẫu nhiên nó xuất hiện trong phim vì dòng sông là nơi mở đầu đầy ấn tượng khi cô du kích Ba Hương (do Hồ Thu Anh đóng) tình cờ gặp Tư Đạp (do Quang Tuấn đóng) cho đến trường đoạn cuối khi hai người tìm về lại nơi bắt đầu tiếp tục cuộc chiến đấu mới.
Xem phim Địa đạo, có hai chi tiết làm tôi suy ngẫm.
Khi Tư Đạp đột ngột xuất hiện, vì chưa rõ nhân thân nên chỉ huy đơn vị không muốn anh ta ở lại. Nữ du kích Ba Hương vì muốn biết thật hư câu chuyện “hứa hôn” nên tự mình xin chỉ huy trực tiếp thẩm tra. Và, Tư Đạp lãnh trọn một cú bạt tai của Ba Hương khi biết anh nói dối. Nguyên nhân Tư Đạp rời đơn vị là do khi anh thử nghiệm mìn tự chế của mình vô tình đã cướp đi ba sinh mạng đồng đội.
Chính nhờ sống có trách nhiệm, không giữ nguyên tắc cứng nhắc của Ba Hương và chỉ huy Bảy Theo (do Thái Hòa đóng) đã tạo điều kiện cho Tư Đạp phát huy sở trường. Chính tại Củ Chi, Tư Đạp đã tự mình chế những quả mìn chống tăng và không ít xe tăng Mỹ bị phá hủy khi giẫm phải vũ khí tự chế này.
Chi tiết thứ hai là khi quân đội Mỹ bơm nước vào địa đạo. Hai nữ du kích Ba Hương và Út Khờ bị mắc kẹt trong hang đầy nước. Giữa lằn ranh sinh - tử, Út Khờ báo cho Ba Hương biết mình đã có thai và không biết cha của đứa bé là ai “vì tối quá”. Biết chuyện, sau khi được giải thoát, Ba Hương năn nỉ chỉ huy Bảy Theo cưới Út Khờ “vì đứa bé không thể không có cha”! Bảy Theo đồng thuận.
Hai chi tiết trên chỉ những người trải qua chiến tranh mới thấu cảm và mến phục, bởi do hoàn cảnh (không đủ điều kiện xác minh) nhiều người tham gia kháng chiến đã bị nghi oan vì “lý lịch không rõ ràng” và vì một phút xao lòng có người nhận kỷ luật. Đau hơn, sau chiến tranh đã có không ít chị sống đơn độc vì đã lỡ thì!
Qua hai chi tiết nêu trên, tôi tự hỏi phải chăng, đó là tính cách Nam bộ?
Nếu được chọn biểu tượng cho phim tôi sẽ chọn ngay con kỳ nhông. Nó xuất hiện bên Bảy Theo kể từ khi anh phân vân, đắn đo là nên giữ hay đuổi Tư Đạp. Nó bên anh khi Bảy Theo suy nghĩ trước hung tin quân Mỹ sẽ mở cuộc tảo thanh: đánh hay không đánh. Anh chỉ buông con kỳ nhông khi quyết định “chơi tới bến”. Bị thương, Bảy Theo đã tự mình giật sập bịt các lối, ngăn không cho đối phương xâm nhập Địa đạo.
Con kỳ nhông của Bảy Theo được Ba Hương và Tư Đạp ôm ấp, nâng niu lần cuối trước khi họ rời Địa đạo. Ngôn ngữ ẩn dụ của điện ảnh làm tôi xúc động.
Phim lẻ, có thời lượng 128 phút là quá dài. Thú thật tôi không hào hứng lắm ở trường đoạn kết. Tôi biết ý định của tác giả. Nhưng thông điệp nhân văn xử lý chưa ngọt. Trong phim ai cũng biết viên sĩ quan Mỹ bị trúng lao và bị thương. Anh ta xin nước. Chỉ cần Ba Hương - người đâm lao cho ông ta uống nước là đủ. Không khiên cưỡng như cách đặt anh ta trên bè chuối thả trôi sông...
Phạm Hữu Thu
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/mat-troi-trong-bong-toi-152802.html