Máy bay vận tải hạng trung sử dụng động cơ phản lực C-390 do Tập đoàn Embraer của Brazil sản xuất được gọi là "ngôi sao mới nổi" trên thị trường vũ khí quốc tế hiện nay.
Đại diện Tập đoàn Embraer mới đây thông báo đã ký kết hợp đồng cung cấp 2 chiếc C-390 Millenium cho một khách hàng giấu tên, thương vụ nói trên được công khai vào ngày 27/12/2024.
Mặc dù chưa có xác nhận chính thức, giới phân tích cho rằng khách hàng chính là Uzbekistan, khi đây là quốc gia trước đó đã tiến hành các cuộc đàm phán trước để hướng tới việc mua những chiếc vận tải cơ này.
Embraer cho biết thêm, khách hàng mới là quốc gia thứ 10 lựa chọn C-390 để trang bị cho không quân của mình. Cho dù giá trị hợp đồng chưa được tiết lộ, nhưng con số ước tính vào khoảng 240 triệu USD, đây rất có thể là thông tin chính xác.
C-390 Millenium là máy bay vận tải quân sự đa năng được đánh giá cao bởi độ tin cậy, hiệu quả và linh hoạt cao, có thể thực hiện đa dạng nhiệm vụ, từ vận tải hàng hóa và binh sĩ, sơ tán y tế, tiếp nhiên liệu trên không và một vài chức năng đặc biệt khác.
Tải trọng tối đa của C-390 là 23 tấn, khi mang trọng lượng như vậy nó có thể bay quãng đường 2.590 km, hoặc 4.800 km với tải trọng 13,3 tấn. Tầm hoạt động lớn nhất của máy bay đạt tới con số 6.000 km.
Nhờ được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại và giá thành ở mức hợp lý, vận tải cơ C-390 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ khách hàng quốc tế ở khắp nơi trên thế giới.
Hiện nay C-390 đã được 8 quốc gia sử dụng, đó là Bồ Đào Nha, Hungary, Hàn Quốc, Hà Lan, Áo và Séc. Vào năm 2024, những đợt giao hàng với số lượng đáng kể đã được Embraer thực hiện cho đối tác Hungary và Bồ Đào Nha.
Một chi tiết đáng chú ý là Hà Lan và Áo đã ký kết hợp đồng chung mua 9 chiếc C-390 để tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó là Thụy Điển và Slovakia đang đàm phán để tiến tới ký hợp đồng, số lượng vận tải cơ đặt hàng lần lượt là 6 và 3 chiếc.
Đối với chính Không quân Brazil, ban đầu họ đặt mua 28 máy bay nhưng sau đó giảm đơn hàng xuống còn 19 chiếc do gặp khó khăn về tài chính. Đến nay 7 chiếc đã được bàn giao, tổng thời gian hoạt động của tất cả phi đội hiện đã vượt quá 15.500 giờ.
Nếu thông tin Uzbekistan là khách hàng mua máy bay vận tải do Brazil chế tạo chính thức được xác nhận thì đây sẽ là lần đầu tiên một quốc gia Trung Á đi mua C-390.
Bước đi trên có thể cho thấy mong muốn của Tashkent trong việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình và tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự với Brazil, khi có nhiều lợi ích chia sẽ giữa đôi bên.
Mặc dù vậy, điều này cũng cho thấy ảnh hưởng của Nga tại vùng Trung Á - khu vực vốn được xem là "sân sau của Moskva" đang suy giảm mạnh mẽ, nhất là khi trước đó Kazakhstan đã chọn A400M thay vì Il-76MD-90A.
Với tình hình các lệnh trừng phạt đang được siết chặt và cả những lệnh cấm vận do Mỹ áp đặt nhằm vào khách hàng mua vũ khí Nga, dự báo sẽ còn nhiều nước Trung Á đi theo con đường mà Kazakhstan hay Uzbekistan lựa chọn.
Việt Dũng
Theo Defense Express