Giữa mênh mông biển khơi, vấn đề thiếu nước ngọt trên các đảo ở Trường Sa từng là “bài toán” nhiều trăn trở. Nhưng những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương cùng nhân dân cả nước, trên các điểm đảo ở Trường Sa đều đã có máy lọc nước biển thành nước ngọt, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ổn định cuộc sống cho quân và dân trên đảo.
Đảo Len Đao được hình thành trên bãi san hô nổi có hình dạng tròn, đường kính khoảng 1,7 hải lý. Đặc thù ngoài biển, đảo là hai mùa mưa và khô; mùa mưa đảm bảo được lượng nước, song mùa khô luôn thiếu nước ngọt. Nhưng vấn đề đó đã được giải quyết khi hiện nay, trên đảo Len Đao đã có các hệ thống điện năng lượng mặt trời, điện gió và máy lọc nước biển thành nước ngọt.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời, điện gió trên đảo Len Đao.
Trung úy chuyên nghiệp Đỗ Trung Nghĩa - thợ sửa chữa thông tin trên đảo Len Đao chia sẻ, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt trên đảo hiện nay mỗi phút có thể lọc được 20 lít nước biển thành nước ngọt, trung bình 4 lít nước biển lọc được 1 lít nước ngọt; mỗi ngày lọc khoảng 600 lít nước ngọt. Nước biển được bơm lên, sau đó đi qua hệ thống lọc màng đa cấp, công nghệ thẩm thấu ngược RO, toàn bộ quá trình lọc được xúc rửa tự động liên tục, từ đó tách nước mặn ra nước ngọt. Hệ thống điện, ắc quy vận hành máy toàn bộ được nạp bằng năng lượng mặt trời. Nước biển sau khi lọc xong được bơm lên bồn riêng để cán bộ, chiến sĩ sử dụng. Trước đây, lượng nước ở đảo chỉ chờ vào mùa mưa và đất liền chở ra; mỗi người chỉ được sử dụng khoảng 5 lít nước ngọt/ngày. Các cán bộ, chiến sĩ phải chắt chiu từng giọt nước để tưới rau. Nhờ có hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt, cùng với lượng nước tích trữ từ mùa mưa và chuyển từ đất liền ra, hiện nay, nguồn nước ngọt trên đảo luôn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và tưới cây, rau xanh.
Khu vực vận hành máy lọc nước biển thành nước ngọt trên đảo Len Đao.
Đảo Song Tử Tây cũng được đầu tư xây dựng trạm lọc nước biển thành nước ngọt. Hiện nay, trung bình trạm hoạt động và cung cấp hơn 600 lít nước ngọt/ngày. Cùng với đó, trên đảo còn có các giếng nước để dự trữ nước mưa, đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, tăng gia sản xuất của quân và dân trên đảo. Thiếu tá Cao Văn Giang - Phân đội trưởng Phân đội 1, Cụm chiến đấu 3, đảo Song Tử Tây cho biết, giếng nước ngọt dự trữ của đơn vị luôn đảm bảo có nước quanh năm. Các giếng dự trữ nước vào mùa mưa; khi mùa khô đến, độ mặn trong giếng có khi tăng lên nhưng vẫn đảm bảo được nước tưới, tăng gia sản xuất. Tại các giếng nước đã được lắp đặt nhiều hệ thống máy bơm, vận hành bằng nguồn năng lượng mặt trời, bơm nước đến từng bể chứa, nhà dân, đảm bảo cho quân và dân trên đảo thuận lợi trong việc sử dụng.
Khu vực bể chứa sau khi lọc nước biển thành nước ngọt trên đảo Len Đao.
Đại tá Phạm Văn Thọ - Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết, 10 năm qua, thông qua các chương trình lớn như: Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo với các địa phương, phong trào “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp đã ủng hộ hàng ngàn tỷ đồng xây dựng công trình dân sinh, trong đó có hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt; trồng và chăm sóc hàng triệu cây xanh, góp phần xây dựng huyện đảo ngày càng “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”. Hiện nay, các đảo ở Trường Sa đã có 33 hệ thống máy lọc nước biển thành nước ngọt và đang tiếp tục được nâng cấp, mở rộng để vận hành tốt hơn, góp phần ổn định đời sống sinh hoạt, tăng gia sản xuất tại các điểm đảo, để quân và dân ở Trường Sa yên tâm, vững vàng bảo vệ biển trời quê hương.
THÁI THỊNH