Ở Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) là một ví dụ.
Người mua sắm chen chúc tại các trung tâm thương mại và nhà hàng ở trung tâm thành phố Đài Bắc. Kinh tế đang sôi động và năng lực sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của Đài Loan đã đưa nơi này trở thành trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Viện nghiên cứu Đài Loan dự báo, tăng trưởng kinh tế đạt hơn 3% vào năm 2025. Dù vậy, nền kinh tế này cũng giống như mọi nơi khác trong châu Á khi sẽ phải đối mặt với một năm đầy biến động.
Đường phố Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Linh Chi)
Trung Quốc "lung lay"
Nền kinh tế Trung Quốc đã phải vật lộn để lấy lại đà tăng trưởng vào năm 2024, chủ yếu do cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản kéo dài, nợ chính quyền địa phương cao và tiêu dùng chậm chạp.
Dữ liệu tháng 11/2024 do đất nước công bố cho thấy, chưa nhìn thấy sự phục hồi bền vững từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều đó thể hiện ở sản xuất công nghiệp chỉ tăng nhẹ, trong khi tăng trưởng doanh số bán lẻ không mấy ấn tượng.
Vào tháng 12/2024, Trung Quốc tổ chức Hội nghị công tác kinh tế trung ương - một cuộc họp cấp cao của Đảng Cộng sản. Tại đây, các quan chức cấp cao đã tìm kiếm nhiều giải pháp để phục hồi kinh tế.
Các quan chức tuyên bố rằng, đất nước đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức khoảng 5%. Có sự đồng thuận rộng rãi về việc chính phủ sẽ đặt ra mục tiêu tăng trưởng tương tự cho năm 2025.
Ông George Magnus, cộng sự nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford nhận định: "Chính phủ Trung Quốc cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã ở mức hợp lý. Nhưng 5% có lẽ nhanh hơn tốc độ mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể duy trì mà không gặp khó khăn".
Về lĩnh vực xuất khẩu, giới chuyên gia nhận thấy, xuất khẩu vẫn yếu nhưng đây lại là lĩnh vực rất quan trọng đối với nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Vấn đề lớn nhất tác động đến châu Á vào năm 2025 có thể là nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, bắt đầu vào cuối tháng 1.
Ông Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp phân tích, trong dữ liệu tháng 11/2024, sản lượng công nghiệp, sản lượng giá trị gia tăng của đất nước tăng trưởng thậm chí còn cao hơn tháng 10.
Thế nhưng câu hỏi đặt ra rằng, Bắc Kinh sẽ làm gì với tất cả sản lượng này? Đất nước sẽ xuất khẩu đi đâu?
Nhà kinh tế này cho biết, các vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng hơn vì chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng và Trung Quốc không thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, một lực cản lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc là thị trường bất động sản. Khoảng 70% tài sản các hộ gia đình ở nước này nằm trong bất động sản và nhà ở - chiếm khoảng 20% nền kinh tế.
Có những dấu hiệu thận trọng cho thấy, thị trường bất động sản có thể đang chạm đáy, nhưng giá vẫn đang giảm và lĩnh vực bất động sản Trung Quốc có thể không phục hồi cho đến nửa cuối năm 2025.
Theo Fitch Ratings, giá nhà mới sẽ giảm thêm 5% vào năm 2025.
Những container hàng hóa tại một hải cảng ở Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg)
Ông Trump mang đến sự bất định
Vấn đề lớn nhất tác động đến châu Á vào năm 2025 có thể là nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, bắt đầu vào cuối tháng 1. Và khu vực này sẽ nhanh chóng cảm nhận được toàn bộ những khó khăn của sự thay đổi ở Washington.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đe dọa áp thuế 10% trên toàn diện đối với tất cả hàng nhập khẩu và 60% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này sẽ có tác động rất lớn đến xuất khẩu của châu Á và có hiệu ứng lan tỏa toàn cầu.
Chính sách "nước Mỹ trên hết" của vị Tổng thống này cũng có thể chuyển thành nỗ lực cắt giảm thâm hụt thương mại song phương của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là tin không vui đối với những quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ.
Theo Morgan Stanley, 7/10 nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ nằm ở châu Á.
Hơn nữa, các nền kinh tế châu Á phụ thuộc nhiều vào thương mại, với tỷ lệ xuất khẩu chiếm từ 37 đến 85% tổng sản phẩm kinh tế ở Đài Loan, Hàn Quốc và Malaysia. Những nền kinh tế này dễ bị tổn thương với những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Washington.
Ông Nicholas Spiro, chuyên gia về các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi nhận định, hoạt động kinh tế ở nhiều quốc gia châu Á vẫn ở mức thấp hơn trước đại dịch.
Trong khi, tỷ trọng xuất khẩu của châu Á sang Mỹ đã tăng mạnh kể từ năm 2018, một phần là do sự gia tăng xuất khẩu công nghệ.
Dữ liệu từ Morgan Stanley cho thấy, thặng dư thương mại của châu Á không bao gồm Trung Quốc với nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng gấp đôi, lên 400 tỷ USD từ năm 2019 đến 2024.
Năm nay, theo ông Magnus: "Thuế quan sẽ là một phần trong chính sách kinh tế của ông Trump. Nhưng thật khó để biết ông ấy sẽ áp dụng thuế quan ở mức độ nào và liên quan đến điều gì".
Các nền kinh tế châu Á có nhu cầu nội địa mạnh mẽ - như Malaysia và Philippines - có khả năng sẽ đỡ bị ảnh hưởng hơn. Trong khi đó, sản lượng vi mạch cao cấp của Đài Loan - lĩnh vực mà Mỹ cần cho việc mở rộng trí tuệ nhân tạo - cũng sẽ bảo vệ Đài Loan khỏi áp lực thương mại.
Tháng trước, Bank of America cũng đưa ra dự báo rằng, kịch bản lạc quan nhất cho năm 2025 sẽ là nền kinh tế Trung Quốc mạnh hơn. Nếu ông Trump "nhẹ nhàng" hơn với Trung Quốc và Bắc Kinh đưa ra một gói kích thích táo bạo và hiệu quả hơn, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể là quốc gia vượt trội bất ngờ của châu Á.
Nhưng sự lo lắng vẫn còn đó, ít nhất là cho đến khi ông Trump xác định rõ, thuế quan với Trung Quốc được áp đặt ở mức nào.
(theo DW)
Linh Chi