Dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm trên 20%, chất lượng tài sản cải thiện về cuối năm
Năm 2025, MBB đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 24%, cao gấp 1,5 lần mục tiêu toàn hệ thống và thuộc nhóm cao nhất ngành ngân hàng. Trong quý I/2025, tăng trưởng tín dụng đạt 2,27%, thấp hơn mức trung bình toàn ngành do ngân hàng đã bán dư nợ cho ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc MBV. Nếu tính cả phần dư nợ bán cho MBV (ước khoảng 30.000 tỷ đồng), tăng trưởng tín dụng quý I của MBB ước đạt 6%.
Phân tích sâu hơn về cơ cấu tín dụng của MBB, Chứng khoán SHS chỉ ra rằng tỷ trọng dư nợ của MBB hiện tập trung vào các ngành sản xuất và thương mại. Tín dụng kinh doanh bất động sản (BĐS) tại cuối quý I/2025 chiếm 9% tổng dư nợ, xu hướng tăng dần từ năm 2022, phù hợp với định hướng chung của hệ thống ngân hàng.
SHS đánh giá rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp tại MBB hiện cao hơn trung bình ngành, tuy nhiên đang có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, tính đến cuối quý I/2025, MBB có khoảng 31.100 tỷ đồng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp, giảm 34% so với đỉnh năm 2022 và chiếm 3,8% tổng tín dụng. Danh mục trái phiếu này tập trung vào một số doanh nghiệp lớn như Novaland, Trung Nam – các khoản nợ hiện vẫn được xếp nhóm 1, với tài sản đảm bảo gấp 2,5–3 lần dư nợ.
Liên quan đến các doanh nghiệp này, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho nhiều dự án lớn như Aqua City, NovaWorld Phan Thiết (Novaland) và các dự án năng lượng tái tạo (Trung Nam). Lãnh đạo MBB kỳ vọng đến hết quý II/2025, các khoản nợ liên quan sẽ được xử lý, qua đó đảm bảo an toàn tín dụng.
Ảnh: SHS
Về triển vọng tín dụng năm nay, hầu hết các công ty chứng khoán dự báo tăng trưởng tín dụng của MBB sẽ đạt trên 20%. Ở góc nhìn lạc quan, SSI Research thậm chí đưa ra mức dự phóng tăng trưởng tín dụng 26-28% cho MBB trong năm nay. Thực tế trong giai đoạn từ năm 2020 - 2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng trong khoảng 24% – 28%, là mức tăng trưởng hàng đầu trong hệ thống nhờ vào hệ sinh thái các doanh nghiệp khách hàng và cổ đông mạnh mẽ.
Các chuyên gia từ Chứng khoán An Bình (ABS) chỉ ra một số yếu tố có thể giúp MBB tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực như việc ký thỏa thuận đại lý với F88 và Viettel nhằm mở rộng mạng lưới, giúp tiếp cận khu vực nông thôn và tỉnh thành hiệu quả hơn. Cùng đó là sự phục hồi của thị trường bất động sản đi cùng với nền kinh tế tạo cơ hội mở rộng tín dụng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng đang lên kế hoạch chuyển dịch trọng tâm sang cho vay bán lẻ gia tăng thị phần cho vay KHCN và SME siêu nhỏ. Đồng thời, tiếp tục tập trung vào những ngành nghề được ưu tiên như Bất động sản khu công nghiệp thứ cấp, các ngành theo xu hướng ESG (điện mặt trời), ngành Kho vận, và đầu tư tài sản cố định; bên cạnh đẩy mạnh tái tài trợ dự án tốt từ các TCTD khác.
Về chất lượng tài sản, tại thời điểm kết thúc quý I/2025, MBB ghi nhận nợ xấu tăng thêm 2.097 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu lên mức 1,84% (+0,22 điểm % so với quý liền trước). Tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng lên 1,9% (+0,34 điểm % so với quý trước). LLCR (tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu) giảm còn 75% do nợ xấu tăng và ngân hàng chưa trích lập đầy đủ dự phòng tương ứng.
Mặc dù chất lượng tài sản có chiều hướng suy yếu trong quý I, ABS kỳ vọng yếu tố này dần được cải thiện nhờ tác động của Luật hóa Nghị quyết 42, sự cải thiện của kinh tế vĩ mô đi cùng với sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng và thị trường bất động sản. Cùng đó là việc dư nợ của các dự án bất động sản (Aqua City, NovaWorld Phan) và các công ty (Novaland, Trung Nam) được kỳ vọng sẽ dần tháo gỡ trong nửa đầu năm 2025. Bên cạnh đó, công tác thu hồi nợ xấu được đẩy mạnh, quyết liệt các giải pháp xử lý đảm bảo cơ cấu danh mục hợp lý, hiệu quả.
Tuy nhiên, vẫn còn có những rủi ro khi lượng lớn trái phiếu sau được gia hạn thêm 2 năm sẽ đáo hạn vào quý III năm nay. Bên cạnh đó là rủi ro những bất ổn, căng thẳng thương mại toàn cầu tác động đến khả năng trả nợ của công ty sản xuất và xuất khẩu.
Tương tự, SHS cũng lưu ý một số rủi ro liên quan đến dư nợ trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng bất động sản, đòi hỏi MBB phải nâng cao quản trị rủi ro trong bối cảnh xu hướng mở rộng tín dụng và duy trì lãi suất thấp của Ngân hàng Nhà nước có thể ảnh hưởng đến biên lãi ròng.
Kỳ vọng diễn biến NIM tích cực so với xu hướng giảm của toàn ngành
Trong quý I/2025, MBB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 15.323 tỷ đồng, tăng 27,5% svck. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.386 tỷ đồng, tăng 44,7%. Động lực chính tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của ngân hàng là việc thu nhập lãi thuần hồi phục từ nền thấp năm ngoái (+29% svck), thu nhập ngoài lãi tăng trưởng ấn tượng (+22,9% svck) nhờ thu nhập từ hoạt động bảo hiểm tích cực và hoạt động khác tăng mạnh.
Cũng trong quý I, NIM theo quý của MBB giảm nhẹ 5 điểm cơ bản so với quý trước và giảm 30 điểm cơ bản so với mức nền cao của cùng kỳ. Dù vậy diễn biến của MBB trong quý I vẫn tương đối khả quan so với các ngân hàng khác.
Dự báo cho các quý tiếp theo, ABS đánh giá áp lực suy giảm NIM có thể tiếp tục duy trì trong nửa đầu năm 2025 do mặt bằng lãi suất cho vay ngành ngân hàng tiếp tục đi ngang để hỗ trợ nền kinh tế và lãi suất huy động dần tăng trở lại sau khi tạo đáy vào năm 2024 để đáp ứng nhu cầu tín dụng. Tuy nhiên, việc MBB chuyển dịch trọng tâm sang bán lẻ và tỷ lệ CASA cao phần nào sẽ hạn chế sự sụt giảm của NIM.
Do đó, ABS dự báo NIM của MBB sẽ dần hồi phục vào cuối năm 2025 và đà phục hồi tiếp tục được duy trì sang năm 2026 khi bán lẻ và thị trường bất động sản được cải thiện giúp đẩy mạnh nhu cầu tín dụng, đồng thời, gói và chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ thu hẹp khi nền kinh tế hồi phục, mang lại lợi suất cho vay cao hơn.
Tương tự, KBSV cũng cho rằng trong năm nay, MBB cũng sẽ chịu áp lực giữ lãi suất cho vay thấp cùng với xu hướng chung của toàn ngành. Tuy nhiên ngân hàng được kỳ vọng sẽ quản trị chi phí đầu vào (CoF) tốt hơn. Do vậy, NIM của MBB nhìn chung sẽ có diễn biến tích cực hơn so với toàn ngành, kỳ vọng NIM năm 2025 đạt 4,08%.
SSI Research dự báo tăng trưởng LNTT của MBB có thể tiếp tục duy trì trong năm 2026 đạt 18% svck, tương ứng đạt khoảng hơn 33.000 tỷ đồng với giả định tín dụng tăng khoảng 28% svck, biên lãi ròng (NIM) giảm nhẹ xuống 3,82%, và chi phí tín dụng giảm xuống 0,95%. Do đó, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) dự kiến duy trì ở mức 22% - cao thứ 2 trong số các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI.
Còn theo dự báo của SHS, năm 2025 MBB sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 32.687 tỷ đồng, tăng 13,38% svck và vượt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 8–10% đã được ĐHĐCĐ thông qua. MBB tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao và được cấp room lớn nhờ thương vụ nhận chuyển giao MBV. Đồng thời, ngân hàng kiểm soát tốt chi phí vốn thông qua nguồn vay tái cấp vốn lãi suất 0% từ khoản tín dụng bán lại cho MBV.
Ảnh: SHS
Các công ty chứng khoán kỳ vọng vùng giá mục tiêu của MBB quanh vùng 30.000-31.000 đồng/cp, với những luận điểm đầu tư vững chắc như ngân hàng duy trì hiệu quả sử dụng vốn thuộc top đầu hệ thống, sở hữu nền tảng công nghệ mạnh, quy mô khách hàng lớn, cùng tỷ lệ CASA thuộc nhóm cao nhất thị trường, qua đó hỗ trợ tích cực cho thu nhập phí.
Ngoài ra, tỷ lệ chi phí hoạt động của MBB đang tiếp tục giảm nhờ tiến trình chuyển đổi số, với dự kiến thu nhập từ nền tảng số sẽ chiếm 50–70% tổng thu nhập hoạt động trong vài năm tới. Lợi nhuận trước thuế năm 2025 được dự báo tăng vượt kế hoạch đặt ra tại ĐHĐCĐ.
Thành lập năm 1994, MBB khởi đầu với mục tiêu phục vụ các doanh nghiệp quân đội. Sau hơn ba thập kỷ, ngân hàng đã phát triển thành tập đoàn tài chính đa ngành, sở hữu hệ sinh thái toàn diện nhất trong hệ thống. Các cổ đông lớn như Viettel, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, SCIC... giúp MBB có danh mục khách hàng doanh nghiệp lớn, nguồn vốn huy động dồi dào và CASA thuộc top đầu thị trường.
Nga Chen