Mẹ đơn thân mong được tăng mức giảm trừ gia cảnh

Mẹ đơn thân mong được tăng mức giảm trừ gia cảnh
một ngày trướcBài gốc
Ảnh minh họa: Ngọc Thạch
Áp lực chi tiêu với cha mẹ đơn thân
Mặc dù có công việc ổn định song chị Phạm Kiều Anh (40 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội), một mẹ đơn thân đang nuôi 2 con nhỏ, luôn trong tình trạng phải "giật gấu vá vai" các khoản chi tiêu.
Chị chia sẻ: "Thu nhập của tôi khoảng 20 triệu đồng/tháng, tính cả 2 con phụ thuộc thì tôi vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân hằng tháng. Mặc dù số tiền thuế thu nhập cá nhân hằng tháng mà tôi phải đóng không nhiều nhưng áp lực chi tiêu của gia đình có một nguồn thu nhập khác với hai nguồn thu nhập. Hơn nữa, mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc theo quy định hiện hành chưa phản ánh đúng thực tế chi phí".
Chị Kiều Anh cho biết, con lớn của chị đang học lớp 7, con bé học lớp 1, mỗi tháng chị dành 9 triệu đồng cho tiền học, tiền bán trú của 2 con. Chỉ riêng chi phí học hành đã cao hơn so với mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc được quy định hiện nay.
Bên cạnh đó, chị phải chi khoảng 7-8 triệu đồng cho tiền mua thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt của 3 mẹ con, ngoài ra còn nhiều chi phí khác.
"Những dịp như đầu năm học, giữa năm học, tôi phải đóng các khoản quỹ lớp, quỹ trường, hay những lúc con cái ốm đau phải vào bệnh viện là tôi phải đi vay mượn bạn bè, người thân để trang trải cuộc sống", chị Kiều Anh chia sẻ.
Được biết, sau li hôn, chồng cũ và chị Kiều Anh tự thỏa thuận tiền chu cấp cho con. Mấy năm nay, công việc làm ăn của chồng cũ không thuận lợi nên hiếm khi anh gửi tiền chu cấp cho các con. Thành thử, một mình chị Kiều Anh phải lo toan.
Theo chị Kiều Anh, với mức chi tiêu đắt đỏ ở các thành phố lớn hiện nay thì mức giảm trừ gia cảnh áp dụng với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc là không phù hợp. Mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc theo quy định hiện hành chưa phản ánh đúng thực tế chi phí.
Đồng quan điểm, chị Trịnh Thị Mùi (32 tuổi, ở Hà Nội) cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc hiện nay là quá thấp để nuôi con dưới 1 tuổi. "Mức giảm trừ này không thể đáp ứng nhu cầu cơ bản, bởi mức chi tiêu của người phụ thuộc không quá khác biệt so với người nộp thuế", chị Mùi nói và nhẩm tính, thu nhập của vợ chồng chị mỗi người khoảng 15 triệu đồng/tháng.
Theo kế hoạch, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự kiến tiến độ Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế), sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2025). Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế) tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025); dự kiến trình Quốc hội thông qua dự án Luật thuế Thu nhập cá nhân (thay thế) tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).
Song, việc nuôi con nhỏ với đủ thứ phải chi tiêu nên dù hai vợ chồng mới có một con, tính toán chi li mọi chi tiêu mà đến cuối tháng cũng không để ra được đồng nào. Cũng theo chị Mùi, biểu thuế suất quá dày với các bước thuế ngắn gây áp lực không nhỏ cho người nộp thuế, bởi thu nhập vừa mới nhích lên đã rơi vào bậc thuế cao hơn.
"Chính sách thuế cần quan tâm tới gia cảnh người nộp thuế"
Trong bản góp ý gửi đến Bộ Tài chính, ngoài đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh, một số ý kiến đề xuất quy định thêm các khoản giảm trừ cho các trường hợp đặc biệt như cha, mẹ đơn thân hoặc những người có người thân mắc bệnh hiểm nghèo theo hướng giảm nhiều hơn mức chung.
Ảnh minh họa
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, luật sư Đặng Mỹ Hạnh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, chúng ta không nên cào bằng mức giảm trừ gia cảnh, cần bổ sung các trường hợp đặc biệt được hưởng mức giảm trừ nhiều hơn mức chung. "Chính sách thuế phải thật sự quan tâm tới gia cảnh của người nộp thuế", nữ luật sư này nhấn mạnh.
Góp ý về việc bổ sung các khoản giảm trừ gia cảnh hỗ trợ người lao động cho dự án Luật Thuế Thu nhập cá nhân (thay thế), luật sư Đặng Mỹ Hạnh cho rằng, cần chia giảm trừ gia cảnh thành 3 nhóm: Giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế; giảm trừ cho người phụ thuộc (con cái, bố, mẹ...); giảm trừ các khoản có tính chất đặc thù (chi phí y tế, giáo dục, trả góp mua nhà... ).
Với mỗi nhóm, dự án Luật cần có những quy định giảm trừ gia cảnh nhiều hơn mức chung với trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn, với người nộp thuế, trong những trường hợp đặc biệt như cha, mẹ đơn thân cần được hưởng mức giảm trừ nhiều hơn mức chung.
Với nhóm người phụ thuộc, nếu người phụ thuộc mắc bệnh hiểm nghèo, khuyết tật… cần được giảm trừ nhiều hơn mức chung. Và để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, các chi phí đặc thù như mua nhà, y tế, giáo dục… các khoản đầu tư cho sự phát triển con người cũng cần được cơ quan soạn thảo nghiên cứu và có thứ tự ưu tiên.
Luật sư Đặng Mỹ Hạnh dẫn chứng, thực tế, ở nhiều nước trong khu vực đã có các quy định giảm trừ gia cảnh có tính đặc thù. Nhật Bản đang áp dụng khoản giảm trừ dành cho người làm cha, mẹ đơn thân, giúp họ bớt thuế, thêm thu nhập thực tế để trang trải các chi phí khi một mình lo cho con cái.
Hay Thái Lan hiện cho phép khấu trừ đến 60.000 baht/trường hợp (tương đương 45 triệu đồng) với các chi phí thai sản.
Tại Việt Nam, hiện có không ít trường hợp cha, mẹ đơn thân nuôi con một mình nhưng chưa được đề cập trong các văn bản xây dựng Luật Thuế Thu nhập cá nhân. Hay các khoản chi phí như khám thai, sinh con… rất tốn kém nhưng lại chưa được giảm trừ khi tính thuế.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cũng tỏ ra lo ngại khi tỷ suất sinh của Việt Nam bắt đầu sụt giảm và chúng ta đang phải đối mặt với xu hướng già hóa dân số.
Nữ đại biểu này cho rằng, các cặp vợ chồng trẻ hiện "một bên gánh cha mẹ già, một bên gánh con nhỏ", trách nhiệm không nhỏ, khiến những người trong độ tuổi sinh nở có tâm lý… ngại sinh con.
Nữ đại biểu đề nghị, phải có chính sách miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho các cặp vợ chồng, cá nhân đang trong thời gian mang thai, nuôi con nhỏ... có như vậy mới duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước.
Bộ Tài chính vừa công bố bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu góp ý về xây dựng dự án Luật Thuế Thu nhập cá nhân (thay thế). Trong đó, một loạt tỉnh, thành và các bộ, ngành cùng đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh, trong đó mức cao nhất được kiến nghị lên tới 18 triệu đồng một tháng. Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương lên 18 triệu đồng một tháng, với người phụ thuộc ở mức 8 triệu đồng một tháng.
Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh chỉ được thay đổi khi nào CPI tăng 20%. Luật sư Phạm Minh Việt (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng quy định này trong thực tế có những bất cập bởi mức giảm trừ gia cảnh thường chạy theo sau CPI nên phải mất nhiều năm mới có thể điều chỉnh. Đơn cử, CPI từ năm 2020 đến nay đã tăng trên 10%. Dù giá hàng hóa, dịch vụ tăng mạnh nhưng số thuế mà người nộp thuế phải nộp không được giảm khiến nhiều người phải "thắt lưng buộc bụng". Luật sư Minh Việt cho rằng, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cần được thực hiện dựa trên thực tế chi tiêu của người dân. Cách tiếp cận hợp lý là căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng và GDP bình quân đầu người để xác định mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với từng địa phương.
Hải Yến
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/me-don-than-mong-duoc-tang-muc-giam-tru-gia-canh-20250221160753577.htm