Mẹ tôi 'gánh gánh gồng gồng'

Mẹ tôi 'gánh gánh gồng gồng'
6 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Mẹ tôi gánh gồng ngay từ tuổi nhỏ. Bà kể: Những năm tháng tản cư thời chống Pháp, bà ngoại gánh gồng một đầu thúng đựng mẹ tôi và đầu thúng kia đựng bao nhiêu đồ đạc, những sợi mây quang gánh dẻo dai, bền bỉ, óng mượt ngả nước màu thời gian như những tao nôi ru chung chiêng mẹ tôi đêm hôm, khuya sớm. Hai tay mẹ bấu chặt vào miệng thúng, quang gánh cứ thế lớn lên trên vai bà ngoại cùng với không khí mùi vị của chợ quán, chợ đình, chợ hôm, chợ mai, chợ phủ, chợ huyện. Rồi mẹ lại nuôi chúng tôi bằng “gánh gánh gồng gồng” chợ cá. Mẹ tôi bảo: “Chạy như chạy cá tươi”, nghĩa là phải tất bật nhanh chóng, đôi chân thoăn thoắt, đôi vai dẻo dai để kịp bán không thì cá ươn mất giá.
Và tôi đã viết những câu thơ “Mẹ và biển”: “Chiếc đòn gánh xoắn mẹ theo thớ gió/Sấp ngửa đi dọc lát sóng cuối mùa”. Gió biển nghiêng ngả, đời mẹ ngả nghiêng, đôi bàn chân toãi ra còn in đậm vết bùn trong móng chân bấm xuống đường cát, cát lún, cát bơ phờ, cát trắng đến lạnh lùng. Mẹ bước cứ ngỡ bước một bước tưởng lùi một bước trong câu thơ của Cao Bá Quát. Cứ thế, mẹ nhấn bước, mẹ vượt lên tần tảo, mẹ đắp đổi đói no để nuôi con lớn. Chiếc đòn gánh kẽo kẹt một đời mà lời ru con của mẹ sao thật dịu dàng, bay bổng, chấp chới cánh cò, chấp chới ước mơ.
Tôi chợt nhớ câu thơ thật tài hoa, thật thần tình của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng/Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió”. Cái xôm xốp của rạ nghiêng ngả trước gió đồng xô dạt mới thấu hiểu được nỗi vất vả của mẹ. Tôi lại nhớ đến câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du trong bài “Văn chiêu hồn” nổi tiếng thật thấm đẫm thân phận con người: “Đòn gánh tre chín dạn hai vai”. Vai mẹ tôi chai dày đã “chín” qua những ngày mưa tháng nắng, qua những chặng nghỉ chặng đi, qua những trập trùng đèo dốc, qua bao uốn lượn mấp mô, qua bao cung bậc tâm tình chia sẻ. Chiếc đòn gánh làm bằng tre già dẻo dai, bền bỉ, óng chuốt mồ hôi. Chiếc đòn gánh đơn sơ, mộc mạc, uyển chuyển và linh hoạt biết bao, như sự tháo vát, xoay xở, tất bật của mẹ trong mưu sinh ngày thường. Chiếc đòn gánh cân bằng bao tâm thế, bao xáo trộn để định vị một rắn rỏi, một vững chãi bền chặt, một nghĩa tình sắt son.
Không biết ai đã nghĩ ra chiếc đòn gánh và đôi quang gánh bằng tre, bằng mây. Có lẽ là lâu đời lắm, từ khi con người sinh ra đã biết gánh gánh gồng gồng. Chiếc đòn gánh có thể là bậc cầu bằng ngang cho mẹ nghỉ ngơi thảnh thơi dọc đường, cũng có thể là vũ khí thô sơ khi gặp hiểm nguy bất trắc. Lại là cánh tay nối dài của mẹ khi hái quả chín trên cành. Và nghĩ rộng ra, tôi liên tưởng đến dáng hình mềm mại hình chữ S thân yêu của Tổ quốc.
Đất nước Việt Nam ta có dải đất miền Trung giống như chiếc đòn gánh khổng lồ gánh hai đầu hai vựa lúa là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Cái đòn gánh miền Trung, dải đất thiên nhiên khắc nghiệt, vững chãi và kiên gan hằn lên bao ngấn lụt, gió Lào thổi rạc cả người. Và hình ảnh người con gái đất miền Trung hiện lên trong bài thơ “Mùa xuân chín” của nhà thơ Hàn Mặc Tử với bao lưu luyến: "Chị ấy năm nay còn gánh thóc/Dọc bờ sông vắng nắng chang chang”.
Bây giờ thì mẹ tôi đã về với cát, mẹ đã nằm trong cát. Trên mộ mẹ, những chùm hoa muống biển nở tím mọc quấn quýt từng dây ngoằn ngoèo ôm lấy mộ mẹ như vẫn đang “gánh gánh gồng gồng” trước những cơn bão lấp ló ngoài khơi xa...
Đôi vai gầy của mẹ cứ miệt mài "gánh gánh gồng gồng" đi về suốt 4 mùa mưa nắng. Ảnh: Quang Hòa
Nguyễn Ngọc Phú
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/me-toi-quotganh-ganh-gong-gongquot-post482362.html