Nội dung
1. Tại sao nhiều người bị rối loạn tiêu hóa trong dịp nghỉ lễ?
2. Điểm mặt những thực phẩm dễ gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy
3. Cách ăn uống "an toàn với bụng" trong những ngày lễ
1. Tại sao nhiều người bị rối loạn tiêu hóa trong dịp nghỉ lễ?
Có nhiều yếu tố khiến rối loạn tiêu hóa rất dễ xảy ra trong những ngày lễ nhưng nguyên nhân chính là do sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống thất thường, ăn nhiều hơn bình thường và nhiều thực phẩm chế biến sẵn... đã tác động tiêu cực đến sức khỏe đường ruột.
Đối với người bình thường, việc ăn uống quá độ bất kể giờ giấc, ăn nhiều đặc sản lạ không đảm bảo... dễ dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa.
Những bữa tiệc liên miên với vô số món ăn hấp dẫn khiến chúng ta ăn quá no, vượt quá khả năng xử lý của hệ tiêu hóa dẫn đến tình trạng đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.
Nếu đi chơi xa, lịch trình sinh hoạt bị đảo lộn, các bữa ăn diễn ra không đúng giờ khiến hệ tiêu hóa không kịp thích ứng, gây ra sự xáo trộn trong quá trình tiêu hóa thức ăn.
Chế độ ăn uống "vô độ" trong dịp nghỉ lễ là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa.
Chế độ ăn trong những ngày lễ thường tập trung vào các món giàu đạm, giàu chất béo, ít rau xanh và trái cây làm thiếu hụt chất xơ gây táo bón. Uống nhiều bia, rượu và các loại nước ngọt có gas gây kích ứng niêm mạc dạ dày, làm tăng acid dạ dày dẫn đến ợ nóng, đầy hơi và khó tiêu.
Những chuyến du lịch có thể mang đến cơ hội thưởng thức nhiều đặc sản địa phương. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với những món ăn lạ hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm làm tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc và dị ứng thực phẩm.
Đặc biệt, đối với những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm như hội chứng ruột kích thích (IBS), bất kỳ sự thay đổi nhỏ nào trong chế độ ăn uống hoặc sinh hoạt cũng có thể kích hoạt các triệu chứng khó chịu như: đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón.
Theo BS. Nguyễn Ngọc Đan, chuyên khoa Tiêu hóa, người bị hội chứng ruột kích thích thường có triệu chứng đau bụng và rối loạn tiêu hóa. Ngoài ra còn có thể có một số triệu chứng khác như: đầy hơi tức nặng bụng, trung tiện nhiều…
Các triệu chứng này thường liên quan đến chế độ ăn uống. Ví dụ, khi ăn các thức ăn không phù hợp sẽ xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa ngay lập tức. Nếu kiêng khem thì các triệu chứng sẽ biến mất...
2. Điểm mặt những thực phẩm dễ gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy
Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Các món chiên xào, đồ nướng nhiều dầu mỡ gây áp lực lớn lên hệ tiêu hóa, làm chậm quá trình tiêu hóa và gây đầy bụng, khó tiêu.
Thực phẩm chế biến sẵn: Xúc xích, lạp xưởng, đồ hộp thường chứa nhiều chất phụ gia, chất bảo quản và muối, không tốt cho hệ tiêu hóa.
Trái cây chua và nhiều đường: Ăn quá nhiều có thể gây kích ứng dạ dày.
Đồ uống có cồn và nước ngọt có gas: Gây kích ứng niêm mạc tiêu hóa, tăng acid dạ dày và tạo khí.
Thực phẩm cay nóng: Kích thích niêm mạc dạ dày và ruột.
Sữa và các sản phẩm từ sữa (đối với người không dung nạp lactose): Gây đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy.
Các món nộm, gỏi tái, sống chưa được chế biến kỹ: Tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn, ký sinh trùng dễ gây ngộ độc thực phẩm và tiêu chảy.
Ăn các món đặc sản lạ chưa được chế biến kỹ dễ gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc. Ảnh minh họa.
3. Cách ăn uống "an toàn với bụng" trong những ngày lễ
Để tận hưởng trọn vẹn niềm vui ngày lễ mà không lo lắng về các vấn đề tiêu hóa, mọi người nên áp dụng các nguyên tắc ăn uống sau:
Ăn uống điều độ và đúng giờ: Cố gắng duy trì lịch trình ăn uống tương đối ổn định, không bỏ bữa hoặc ăn quá muộn. Điều này giúp hệ tiêu hóa hoạt động nhịp nhàng.
Kiểm soát khẩu phần ăn: Ăn chậm, nhai kỹ và lắng nghe cơ thể. Chỉ ăn đến khi cảm thấy vừa đủ, tránh ăn quá no. Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày cũng là một giải pháp tốt.
Cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng: Đảm bảo bữa ăn có đủ protein, carbohydrate, chất xơ và chất béo lành mạnh. Tránh ăn quá nhiều một nhóm chất nào đó. Ví dụ chỉ ăn bánh, các loại thịt nướng mà không ăn rau quả.
Ưu tiên thực phẩm tươi, lành mạnh: Lựa chọn các món ăn được chế biến từ nguyên liệu tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường rau xanh, trái cây để bổ sung chất xơ và vitamin.
Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, cay nóng: Những loại thực phẩm này thường khó tiêu hóa và dễ gây kích ứng đường ruột.
Uống đủ nước: Duy trì lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là nước lọc. Hạn chế đồ uống có cồn và nước ngọt có gas.
Thận trọng với thực phẩm lạ: Chỉ nên thử một lượng nhỏ trước khi ăn nhiều các món ăn mới.
Lưu ý: Đối với người có hệ tiêu hóa nhạy cảm như hội chứng ruột kích thích nếu đã ăn một loại thực phẩm mà có biểu hiện đau bụng hay rối loạn tiêu hóa tốt nhất là tránh không ăn loại thực phẩm đó nữa.
Nếu có tình trạng đầy hơi gây khó chịu cần loại bỏ các thực phẩm sinh hơi như: thức uống có gas, rau củ như bắp cải… Một số trường hợp không dung nạp gluten (lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen) dễ bị tiêu chảy, đau bụng khi sử dụng thực phẩm này, vì vậy nên tránh. Không sử dụng các chất kích thích, gia vị mạnh, đồ ăn nhiều dầu mỡ… Nếu các triệu chứng IBS trở nên nghiêm trọng cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị phù hợp.
Thu Phương