Miền Bắc vừa trải qua tháng 6 với thời tiết mưa nhiều, nắng ít mặc dù đang là chính hè. Miền Trung cũng có đợt mưa hiếm gặp do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 ngay mùa khô.
Tổng lượng mưa trong tháng ghi nhận gần 20 kỷ lục trên cả nước, nắng nóng không ghi nhận kỷ lục nào.
Tổng lượng mưa tháng 6/2025 quan trắc vượt giá trị lịch sử ở một số khu vực trên cả nước. (Nguồn: NCHMF)
Theo thống kê, tháng 6/2025, miền Bắc có tới gần 20 ngày xảy ra mưa lớn diện rộng. Một số trạm ghi nhận giá trị lượng mưa cao nhất ngày và tháng vượt giá trị lịch sử.
Tổng lượng mưa trong tháng 6 ở Sơn La đạt 379mm, vượt mức kỷ lục 368mm được thiết lập năm 1995. Thái Nguyên chứng kiến lượng mưa 994,1mm, phá vỡ mốc lịch sử 988,1mm năm 1979. Lạng Sơn ghi nhận tổng lượng mưa 448,1mm, cao hơn rất nhiều so với kỷ lục cũ 348,6mm từ năm 1978...
Mưa nhiều nên miền Bắc trải qua tháng 6 mát mẻ hơn thường lệ. Dù có 7 ngày nắng nóng diện rộng nhưng mức độ không gay gắt và không kéo dài. Các đợt nắng nóng chỉ diễn ra trong 2 – 3 ngày, nhiệt độ cao nhất dao động 35 - 38°C. Một số khu vực nội đô Hà Nội hoặc phía Tây Bắc Bộ có lúc vượt 38°C nhưng không phổ biến.
Đợt mưa lớn cuối tháng 6 khiến hơn 400 hộ dân ở Lạng Sơn bị cô lập giữa biển nước.
Tại Trung Bộ, tháng 6 hàng năm thường là giai đoạn mùa khô, tuy nhiên, tháng 6 năm nay chứng kiến một đợt mưa lũ hiếm gặp.
Từ ngày 10 đến 13/6, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, một đợt mưa lớn đã xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản. Khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến phía Đông tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 250 đến 500mm, có nơi vượt 600mm.
Thông tin về đợt mưa này, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết, khu vực Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng (cũ) ghi nhận lượng mưa phổ biến 350-600mm, có nơi vượt 800mm.
Theo ông Khiêm, mặc dù trong bão số 1, ảnh hưởng của gió không đáng kể nhưng vẫn gây ra lượng mưa lớn. Trong đó, lượng mưa tập trung trong giai đoạn ngắn, 6 tiếng đồng hồ có thể lên đến 200mm. Thực tế theo thống kê, có 32 trạm đo quan trắc được lượng mưa dồn dập trên 200mm trong 6 tiếng.
Một số điểm mưa ở Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng với lượng mưa trong 24 giờ như vậy là rất hiếm gặp trong cùng kỳ tháng 6 nhiều năm.
Trên một số sông ở Trung Bộ cũng xuất hiện lũ, có sông lên đến báo động (BĐ)2-BĐ3. Với mức lũ này, theo thống kê của cơ quan khí tượng, 30 năm qua, trong tháng 6 – tháng mùa khô, miền Trung chưa bao giờ xuất hiện đỉnh lũ cao như vậy.
Đáng chú ý, tại A Lưới (Huế), lượng mưa tháng đạt 1.056,6mm - vượt xa mức lịch sử 502,3mm của năm 1979. Tại Đà Nẵng, con số 626mm cũng vượt kỷ lục 488,7mm từng ghi nhận 46 năm trước.
Ngoài ra, trong tháng 6/2025, cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ cũng ghi nhận nhiều ngày mưa rào và dông, trong đó có ngày mưa vừa, mưa to diện rộng.
Dự báo thời tiết tháng 7 cho thấy nguy cơ xuất hiện nhiều hình thái thời tiết cực đoan. Trên Biển Đông, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới có thể ở mức trung bình nhiều năm (khoảng 1–2 cơn), trong đó có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Nắng nóng tiếp tục xảy ra tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, tuy nhiên cường độ dự báo không gay gắt như năm 2024. Ngoài ra, Bắc Bộ, Thanh Hóa và Hà Tĩnh có thể xuất hiện một số đợt mưa lớn trên diện rộng, trong khi Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục duy trì mưa dông vào chiều và tối.
Chuyên gia cảnh báo, các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập úng ở vùng trũng, sạt lở đất tại vùng núi.
Tại khu vực từ Thanh Hóa đến Huế và duyên hải Nam Trung Bộ, nắng nóng kéo dài tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra khô hạn, thiếu nước và cháy rừng. Ngoài ra, ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam và bão có thể gây sóng lớn, gió mạnh trên biển, đe dọa an toàn hoạt động tàu thuyền.
Nguyễn Huệ