Miễn, hỗ trợ học phí giúp các gia đình yên tâm sinh và nuôi con, góp phần phát triển bền vững đất nước

Miễn, hỗ trợ học phí giúp các gia đình yên tâm sinh và nuôi con, góp phần phát triển bền vững đất nước
5 giờ trướcBài gốc
Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.
Phát biểu ý kiến, các đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành 3 dự thảo nghị quyết; đặc biệt hoan nghênh và đánh giá cao việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua các nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3-5 tuổi và miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Nâng cao mặt bằng học vấn và nguồn nhân lực trong tương lai
Góp ý các nghị quyết về chính sách giáo dục, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP Hồ Chí Minh) khẳng định, chủ trương này là "hạnh phúc đối với một dân tộc". Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm, trẻ em ở vùng nông thôn và miền núi không được học mầm non thì khi vào tiểu học sẽ rất thiệt thòi, không được chuẩn bị. Đặc biệt, ở miền núi nếu không được học mầm non thì khi vào tiểu học không nói được tiếng Kinh. “Nước chúng ta không phải là nước giàu nhất trong ASEAN và nhiều nước trong khu vực có thu nhập đầu người cao hơn Việt Nam, nhưng họ không có mục tiêu đó, họ chỉ phổ cập từ tiểu học trở lên. Tôi thấy là kết quả của giai đoạn 1 là tiền đề rất quan trọng" - đại biểu đánh giá về chính sách phổ cập trẻ em mầm non 5 tuổi đang được thực hiện và cho rằng, phương án phổ cập cho trẻ 3-4 tuổi, chủ trương miễn học phí của Bộ Chính trị lần này là một quyết định hết sức đúng đắn.
Đại biểu Nguyễn Thị Hà phát biểu tại tổ 13.
Cũng cho rằng, đây là một chủ trương rất ý nghĩa, thể hiện tính ưu việt của chính sách: mọi trẻ em, học sinh đều không bị gặp rào cản về tài chính khi đến trường, đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) nêu rõ, việc miễn học phí rộng rãi sẽ giảm gánh nặng chi phí cho nhiều gia đình, khuyến khích những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đi học, qua đó, nâng cao mặt bằng học vấn và nguồn nhân lực trong tương lai.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai) khẳng định, đây là chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền học tập cho mọi người dân, phù hợp với xu thế phát triển xã hội, góp phần thúc đẩy công bằng trong tiếp cận giáo dục và thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội) cho rằng, nghị quyết này được ban hành không chỉ có ý nghĩa về giáo dục mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện chiến lược dân số quốc gia. "Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với tỉ lệ sinh thấp ở nhiều đô thị lớn và bước vào giai đoạn già hóa dân số, việc miễn, hỗ trợ học phí sẽ giúp các gia đình yên tâm sinh và nuôi con. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý, phát triển bền vững đất nước"- đại biểu nói.
Cần bảo nguồn ngân sách để thực hiện liên tục
Đại biểu Y Vinh Tơr (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, chủ trương, đường lối cho đến chính sách về chính sách miễn và hỗ trợ học phí cho cả học sinh ở cả cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập là một bước tiến rất là lớn, thể hiện sự công bằng trong giáo dục và khuyến khích xã hội hóa giáo dục. “Điều mà tôi quan tâm là việc triển khai thực hiện, đó là đảm bảo nguồn lực tài chính và nhân lực. Việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non và miễn hỗ trợ học phí đối với đối với các đối tượng đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Đề nghị các cơ quan thẩm định cần phải đánh giá để nguồn lực của ngân sách nhà nước đảm bảo đủ để thực hiện và thực hiện liên tục” - đại biểu nêu quan điểm và đề nghị, cần lưu ý đối với các địa phương khó khăn, chưa cân đối được ngân sách.
“Để cho HĐND địa phương quy định mức giá học phí thì mỗi địa phương sẽ có mức khác nhau. Vì vậy, chúng ta nên quy định ở mức trần nhất định, đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách thì Trung ương hỗ trợ, như vậy mới đảm bảo công bằng, thiết thực cho các đối tượng ở các vùng khác nhau” - đại biểu nêu.
Đại biểu Y Vinh Tơr phát biểu.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, quy định không cụ thể sẽ dễ dẫn đến việc hỗ trợ không công bằng giữa các địa phương. Nếu có thể ban hành nghị quyết đặc thù của địa phương thì cũng có mức thấp, mức cao, có thể chênh lệch nhiều trong cả nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định rõ: đối với các tỉnh tự cân đối ngân sách thì giao cho HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết đặc thù với nguyên tắc không thấp hơn so với mức hỗ trợ cho học sinh công lập, còn đối với những tỉnh chưa cân đối được ngân sách, khó khăn trong bố trí ngân sách, vẫn phụ thuộc vào ngân sách trung ương thì không phải ban hành nghị quyết đặc thù và Trung ương sẽ quy định luôn vào trong nghị quyết này là Trung ương sẽ chi trả.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng nguồn lực để bảo đảm thực hiện khả thi.
Cho rằng, cần tính toán kỹ lưỡng nguồn lực để bảo đảm thực hiện khả thi, nhất là ở các địa phương còn khó khăn, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, để nghị quyết thực hiện đi vào cuộc sống, không ai bị bỏ lại phía sau, cần quy định chặt chẽ, tính toán cụ thể hơn. “Ví dụ đối tượng được cấp quốc tịch Việt Nam, được cấp Giấy chứng nhận căn cước có được thụ hưởng không? Hay về hỗ trợ học phí cho học sinh dân lập, nhiều gia đình có điều kiện không cần hỗ trợ thì tính sao, có quy định nào nếu họ không nhận?”- đại biểu nêu và đề nghị, cần quy định rõ lộ trình xây dựng trường lớp, tuyển dụng giáo viên mầm non để đáp ứng yêu cầu phổ cập.
Phương Thủy
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/thoi-su/mien-ho-tro-hoc-phi-giup-cac-gia-dinh-yen-tam-sinh-va-nuoi-con-gop-phan-phat-trien-ben-vung-dat-nuoc-i769176/