Chủ trương này được đông đảo người dân đồng tình, coi đây là quyết định hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay. Nhìn sâu hơn, đây không chỉ là một chính sách giáo dục, đó là khởi đầu của một chiến lược dài hơi, đưa trí tuệ trở thành trung tâm của phát triển quốc gia.
Trong nhiều năm, giáo dục phổ thông, nhất là bậc tiểu học, trung học cơ sở vẫn là tuyến đầu chịu thiệt bởi chương trình nặng, cơ sở vật chất yếu, thời khóa biểu ngắn ngủi và học sinh chỉ học một buổi/ngày ở phần lớn vùng nông thôn. Những buổi chiều không có lớp, trẻ em tự xoay xở giữa gánh nặng lao động, màn hình điện thoại hoặc chơi vơi thiếu định hướng. Không ít gia đình nghèo phải chọn “hy sinh chất lượng” vì không thể chi trả học phí cho lớp học tăng cường.
Chính trong hoàn cảnh đó, việc Nhà nước xác lập quyền học 2 buổi/ngày như một tiêu chuẩn phổ cập không thu học phí là bước ngoặt thể chế. Lần đầu tiên, học sinh không chỉ được “đi học”, mà còn được học đủ từ kiến thức đến kỹ năng, từ văn hóa đến nghệ thuật. Việc miễn học phí không chỉ là chính sách an sinh, đó là cam kết về công lý học đường, là bảo chứng cho quyền được lớn lên trong điều kiện bình đẳng. Và quan trọng hơn, đó là đầu tư cho tương lai không thể chậm thêm.
Một nền giáo dục hiện đại không chỉ đo bằng điểm số hay tỷ lệ tốt nghiệp, mà phải đo bằng chất lượng người công dân. Khi học sinh được học 2 buổi/ngày, các môn học thường bị xem là “phụ” như âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, kỹ năng sống sẽ có chỗ đứng xứng đáng.
Đó là cách nuôi dưỡng năng lực cảm thụ, tinh thần trách nhiệm và sức khỏe toàn diện cho thế hệ tương lai, những điều không có trong đề thi, nhưng lại thiết yếu trong cuộc đời. Trẻ em không chỉ cần học giỏi, mà cần được sống lành mạnh, tự tin và nhân ái. Dạy học 2 buổi/ngày là dạy một thế hệ biết sống đẹp, chứ không chỉ sống đủ.
Bên cạnh chủ trương phổ cập 2 buổi/ngày, Tổng Bí thư còn đặc biệt nhấn mạnh chính sách giáo dục đối với vùng biên giới. Yêu cầu xây dựng trường liên cấp nội trú, bán trú cho học sinh tại các xã biên giới không đơn thuần là giải pháp cho khó khăn địa lý, đó là một lựa chọn chiến lược, bởi nơi biên cương không chỉ cần hàng rào an ninh mà cần “hàng rào” tri thức.
Một đứa trẻ người dân tộc thiểu số hay người Kinh sống ở biên giới, khi được học trong trường có nhà vệ sinh sạch, có bữa trưa đủ chất, có thầy cô tận tâm và có cả lớp học dạy tiếng nước láng giềng, chính là tế bào đầu tiên của sự phát triển hòa bình và hợp tác ở những vùng biên giới. Việc dạy tiếng nước bạn cho học sinh vùng biên không phải là “dạy cho vui”. Đó là sự chuẩn bị cho một thế hệ vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa trở thành cầu nối ngoại giao nhân dân, gắn bó với khu vực bằng trí tuệ chứ không phải hàng rào.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ việc triển khai phải theo lộ trình, tránh hình thức, bắt đầu từ vùng biên giới đất liền từ năm học 2025-2026. Các địa phương có điều kiện thì triển khai ngay, không chờ chỉ đạo. Và đặc biệt, cần nghiêm cấm bớt xén khẩu phần ăn học sinh, một chi tiết nhỏ nhưng chứa đựng thông điệp lớn về đạo đức thực thi chính sách.
Không có quốc gia nào phát triển bằng cách tiết kiệm vào giáo dục. Càng không thể có một xã hội sáng tạo nếu trẻ em không được học đủ cả về tri thức lẫn nhân cách. Miễn học phí, dạy 2 buổi/ngày, đầu tư trường học vùng biên đó là một gói tư duy chính sách đồng bộ, đặt con người vào trung tâm của sự phát triển quốc gia.
MINH PHONG