Hơn cả một bữa trưa miễn phí
Theo Tổng Bí thư nếu Hà Nội thực hiện được bữa trưa miễn phí cho học sinh thì có thể xem xét nhân rộng ra cả nước. Gợi ý này đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cử tri và người dân, nhất là với các gia đình công nhân, lao động phổ thông, hộ nghèo, chính sách…
Theo ước tính, Hà Nội hiện có khoảng 1,2 đến 1,3 triệu học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở. Nếu mỗi suất ăn trưa trị giá khoảng 30.000 đồng, tổng kinh phí thực hiện chính sách này sẽ là con số không nhỏ. Tuy nhiên, với nguồn thu ngân sách đạt 250.000 tỷ đồng chỉ trong quý I/2025-cao nhất cả nước, Hà Nội được cho là địa phương có đủ tiềm lực để tiên phong triển khai.
Bữa ăn trưa ở trường giúp các em đảm bảo sức khỏe và học tập tốt hơn.
Từ thực tế tại cơ sở, thầy Nguyễn Thế Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Hòa A, huyện Thạch Thất thẳng thắn chia sẻ: “Hiện trường có tổ chức bán trú nhưng mới chỉ 120 trên tổng số 626 học sinh được ăn tại trường. Nguyên nhân chính là thiếu bếp ăn và nhân lực phục vụ. Nếu Đảng, Nhà nước quan tâm và triển khai được chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa miễn phí thì đây sẽ là sự chăm lo thiết thực cho học sinh và phụ huynh. Không chỉ giúp các em đảm bảo sức khỏe, học tập tốt hơn mà còn giúp phụ huynh yên tâm gửi gắm con em ở trường”.
Cô Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) chia sẻ: “Đây là chủ trương rất đúng, nhưng cần tính toán kỹ và có lộ trình thực hiện cụ thể. Để đảm bảo an toàn và chất lượng bữa ăn, cần ưu tiên triển khai trước ở các địa bàn khó khăn, trường chưa có điều kiện bán trú.”
Không chỉ ở vùng khó khăn, tại các đô thị lớn như Hà Nội, đa phần học sinh tiểu học đều ăn bán trú do cha mẹ đi làm cả ngày. Khoản ăn trưa hiện nay dao động từ 30.000–35.000 đồng/ngày. Nếu được miễn phí, sẽ giảm đáng kể gánh nặng tài chính cho các gia đình có hai con đang đi học.”
Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, một bữa trưa miễn phí, đầy đủ dưỡng chất tại trường không chỉ là vấn đề sức khỏe mà còn là điều kiện học tập. “Nếu Nhà nước lo được bữa ăn đó, thì đây là bước tiến rất lớn trong chính sách giáo dục công bằng và nhân đạo. Đặc biệt với học sinh nghèo, đôi khi bữa trưa ở trường là bữa ăn ngon và đủ chất duy nhất trong ngày”. ông nhấn mạnh.
Từ góc nhìn quản lý nhà trường, thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie gọi đây là chính sách "hợp lòng dân, hợp xu thế phát triển giáo dục hiện đại". Theo ông, nếu thực hiện hiệu quả, chính sách này không chỉ cải thiện thể trạng học sinh, mà còn góp phần thay đổi văn hóa giáo dục – coi học sinh là trung tâm của mọi hoạt động nhà trường.
Cần sự đầu tư đồng bộ về nguồn lực, cơ sở vật chất
Mặc dù mang tính nhân văn sâu sắc, giới chuyên gia đều nhất trí rằng chính sách này chỉ thực sự phát huy tác dụng khi có lộ trình rõ ràng và đầu tư đồng bộ về nguồn lực, cơ sở vật chất, nhân lực.
Theo thầy Nguyễn Thế Thắng, nếu tổ chức bán trú 100% thì hiện tại, cơ sở vật chất của trường chưa đủ điều kiện để tổ chức bếp ăn đạt chuẩn cho học sinh toàn trường. Tuy nhiên, nếu triển khai bữa ăn miễn phí trường hoàn toàn có thể triển khai, nhưng điều kiện tiên quyết là cần được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị bếp ăn đạt chuẩn, nhân sự tổ chức nấu ăn, chăm sóc học sinh… Nhà trường rất mong nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để có thể từng bước nâng cấp và mở rộng quy mô bán trú, hướng tới việc đảm bảo bữa ăn cho toàn bộ học sinh trong ngày học hai buổi.
Nhiều giáo viên cho rằng, việc có được bữa ăn miễn phí cho học sinh sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Trước hết là về sức khỏe, các em được đảm bảo bữa ăn đầy đủ chất sẽ phát triển tốt cả về thể chất và trí tuệ. Thứ hai là về tâm lý, học sinh sẽ yên tâm học tập suốt cả ngày, phụ huynh cũng bớt lo lắng hơn. Đặc biệt là với những em có hoàn cảnh khó khăn, bữa ăn trưa miễn phí sẽ là một sự hỗ trợ rất lớn.
Từ góc độ chính sách công, chuyên gia Lê Viết Khuyến (Hội Khuyến học Việt Nam) cho rằng: “Nhiều nước phát triển đã có chính sách bữa ăn học đường từ lâu như Thái Lan, Nhật Bản. Đầu tư cho bữa ăn học đường là đầu tư cho tương lai, nhưng cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành: giáo dục, y tế, tài chính, nông nghiệp… để đảm bảo bền vững.”
Thực tế, nhiều quốc gia phát triển đã áp dụng chính sách bữa ăn học đường như một phần trong hệ thống an sinh giáo dục. Tuy nhiên, Việt Nam cần có bước đi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Đồng thời để biến chính sách thành hiện thực, rất cần sự cam kết về nguồn lực, sự vào cuộc đồng bộ của các ngành.
Thu Hằng/VOV.VN