Miễn trách nhiệm hình sự đối với rủi ro để khuyến khích sáng tạo khoa học

Miễn trách nhiệm hình sự đối với rủi ro để khuyến khích sáng tạo khoa học
8 giờ trướcBài gốc
Tờ trình dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bổ sung quy định cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi...
Nếu một dự án nghiên cứu không đạt được kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nghiên cứu.
Liên quan vấn đề trên, giới chuyên gia bày tỏ ý kiến ủng hộ và cho rằng việc chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã tạo ra hành lang pháp lý, hỗ trợ tinh thần sáng tạo và thử nghiệm, khắc phục rất nhiều điểm nghẽn lớn hiện nay trong chính sách nghiên cứu khoa học, công nghệ. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng thu hút sự quan tâm của dư luận và giới nghiên cứu.
GS-TS Hoàng Văn Cường - Ảnh: IT
GS-TS Hoàng Văn Cường, đại biểu quốc hội, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2024-2029, phụ trách nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, thể dục thể thao đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.
GS-TS Hoàng Văn Cường cho biết điểm đổi mới lớn nhất trong dự thảo Luật Khoa học và công nghệ lần này chính là việc thể chế hóa các quan điểm đã nêu trong Nghị quyết số 57 của Trung ương Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
"Trước đây, chúng ta đầu tư cho khoa học công nghệ giống như đầu tư cho hoạt động chi tiêu thường xuyên. Cách làm đó mang tính hành chính, không khuyến khích tìm tòi, sáng tạo cái mới. Giờ chuyển sang đầu tư theo cơ chế quỹ, nghĩa là chấp nhận rủi ro, chấp nhận thất bại, thậm chí chấp nhận đầu tư mà không có kết quả như kỳ vọng ban đầu. Đó mới là tư duy đầu tư đúng cho khoa học", GS Cường phân tích.
Theo ông Cường, chính điều này sẽ tạo động lực để các nhà khoa học mạnh dạn bắt tay vào những đề tài mới, dù chưa chắc đã thành công. Còn trong trường hợp thành công, kết quả có thể tạo ra những giá trị hoàn toàn mới, những đột phá thực sự về mặt khoa học. Đó chính là điều làm nên bản chất của nghiên cứu khoa học: tìm kiếm cái chưa từng tồn tại.
Cùng với việc trao quyền cho nhà khoa học, dự thảo luật sửa đổi lần này cũng mở đường rõ ràng hơn cho quá trình nghiên cứu được chuyển hóa thành sản phẩm ứng dụng. Theo đó, các chính sách hỗ trợ, như chính sách chuyển giao công nghệ, cơ chế chuyển giao, cơ chế xác nhận quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ cũng đã được quy định rõ trong dự thảo luật.
"Khác với trước đây, khi nhiều công trình nghiên cứu hoàn thành nhưng không dám chuyển giao vì thiếu cơ chế, thiếu quy định thử nghiệm, thì nay luật đã có những điều khoản cụ thể, rõ ràng hơn. Nhờ đó, các nhà khoa học sẽ không còn phải lo lắng về việc xin phép sau khi nghiên cứu xong, hay phải bỏ dở kết quả vì không dám đưa vào ứng dụng thực tiễn", ông Cường nói.
Vị chuyên gia cũng đánh giá một trong những điểm nhấn của dự thảo luật lần này là quy định rõ việc miễn trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp nghiên cứu không thành công. Quy định này chính là một hình thức khuyến khích để hoạt động khoa học phát triển tốt hơn, bởi một nghiên cứu khoa học không đạt kết quả cuối cùng không có nghĩa là nhà nghiên cứu không làm việc. Trong khoa học, không thể biết trước sản phẩm tương lai sẽ như thế nào. Nghiên cứu khoa học là hành trình tạo ra cái mới, mà cái mới chính là những điều chưa từng tồn tại, chưa ai biết đến.
"Trong quá trình nghiên cứu và triển khai, có thể chúng ta sẽ đạt được những kết quả mới, nhưng cũng hoàn toàn có thể, dù đã đầu tư công sức, kinh phí và thời gian, kết quả vẫn không như kỳ vọng. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động đó, từ lên kế hoạch, triển khai đến thử nghiệm đều là thật, đều tiêu tốn nguồn lực thực tế. Việc đích cuối cùng chưa đạt không có nghĩa là toàn bộ quá trình ấy là vô ích", ông Cường cho hay.
Thậm chí, ông cũng cho rằng những nghiên cứu không thành công cũng có giá trị nhất định: chúng chỉ ra những con đường sai, những cách tiếp cận không hiệu quả, những hướng đi không khả thi. Nhờ đó, người khác sẽ không tiếp tục đi vào những vết xe đổ đó, không lặp lại các thử nghiệm không mang lại kết quả. Chính từ những thất bại như vậy, khoa học mới tiến về phía trước.
Như vậy, quy định miễn trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp nghiên cứu không thành công sẽ tạo động lực và khuyến khích các nhà khoa học. Khi đó, các nhà nghiên cứu sẽ mạnh dạn đầu tư vào việc khám phá cái mới, thay vì chỉ dám nghiên cứu những gì đã có sẵn. "Họ sẽ chủ động tìm tòi, suy nghĩ về những điều có thể sáng tạo ra, không còn e ngại trước rủi ro. Theo tôi, đó chính là đích đến của khoa học là phải tìm ra cái mới, chứ không chỉ dựa vào cái đã có", ông Cường nói.
Phó thủ tướng Lê Thành Long cho biết việc giao tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu không có nghĩa là buông lỏng trách nhiệm, mà để tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới.
"Sự dám chấp nhận rủi ro sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, đưa khoa học tiến xa hơn và mang lại những đột phá quan trọng. Những nghiên cứu không đạt mục tiêu ban đầu mang lại bài học quý giá, giúp tránh lặp lại sai lầm trong tương lai hoặc mở ra những hướng đi mới tiềm năng. Thêm vào đó, cơ chế đánh giá hiệu quả gắn với giao kinh phí đảm bảo tài chính nghiên cứu được phân bổ một cách hợp lý và tạo động lực nâng cao chất lượng khoa học, công nghệ", Phó thủ tướng Long nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị nghiên cứu điều chỉnh để phù hợp với Bộ luật Hình sự, chỉ loại trừ trách nhiệm khi tuân thủ đúng quy trình và biện pháp phòng ngừa, cần làm rõ khái niệm "đã biết hoặc buộc phải biết về rủi ro" để bảo đảm thống nhất trong triển khai thực hiện, xác định loại trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm.
Đồng thời, ông Huy đề nghị bổ sung quy định để bảo đảm tính rõ ràng, cụ thể và đầy đủ về trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong suốt quá trình thử nghiệm và sau khi thử nghiệm kết thúc.
Tuyết Nhung
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/mien-trach-nhiem-hinh-su-doi-voi-rui-ro-de-khuyen-khich-sang-tao-khoa-hoc-232521.html