Phóng viên TTXVN thực hiện 3 bài viết chủ đề trên.
Bài 1: Bừng sáng trong kỷ nguyên mới
Có lẽ không nơi đâu như dải đất miền Trung, nơi di sản nối liền di sản, nơi vẻ đẹp của thiên nhiên gắn liền với kho tàng văn hóa đồ sộ. Miền di sản diệu kỳ này đã thực sự trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Năm 2025 được kỳ vọng là bước đột phá mới cho du lịch miền Trung.
Đột phá về lĩnh vực du lịch
Điểm du lịch Cầu Vàng trong Khu du lịch Sun World Ba Na Hills. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN
Nhìn vào những con số hiện nay, dễ thấy rằng, miền Trung đang bước vào kỷ nguyên mới cho sự phát triển đột phá về lĩnh vực du lịch.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, thành phố Đà Nẵng thu hút hơn 2,5 triệu lượt khách lưu trú, tăng 19,2% so với cung kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 1,268 triệu lượt, tăng hơn 42%. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt gần 7.393 tỷ đồng, tăng 21,1%, trong đó riêng doanh thu dịch vụ lữ hành đạt khoảng 838,6 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Du lịch Đà Nẵng đang cho thấy sức hấp dẫn ngày càng lớn đối với du khách quốc tế. Sau tháng 1/2025 đầy nhộn nhịp với các đoàn khách quốc tế, Đà Nẵng tiếp tục đón đoàn khách lớn từ tập đoàn và doanh nghiệp quốc tế thông qua sự kiện như Hội nghị doanh nghiệp Tamil, Hội nghị The CTM Asia Conference and All Stars Awards 2025…
Từ đầu tháng 2/2025, thị trường khách du lịch MICE tại Đà Nẵng tiếp tục duy trì sự sôi động. Trong kế hoạch năm 2025, Đà Nẵng sẽ đón gần 12 triệu lượt khách lưu trú. Trong đó, khách quốc tế gần 5 triệu lượt, khách nội địa hơn 7 triệu lượt; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 36.200 tỷ đồng. Với những tín hiệu tích cực từ đầu năm, dự báo kế hoạch này có thể sẽ sớm đạt được.
Du lịch Quảng Nam tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng với lượng du khách trong 3 tháng đầu năm lên tới 2,24 triệu lượt, tăng 10%; khách quốc tế đạt 1,725 triệu lượt (tăng 11%), khách nội địa 515.000 lượt (tăng 9%), khách tham quan 1,495 triệu lượt (tăng 9%), khách lưu trú 740.000 lượt, tăng 12% so cùng kỳ. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 2.860 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 6.721 tỷ đồng.
Năm 2024, Di sản Văn hóa thế giưới Mỹ Sơn đón 446 nghìn lượt khách trong và ngoài nước. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN
Tuy nhiên, địa phương tạo được ấn tượng nhất về lượng du khách phải nói đến là thành phố Huế. Trong 3 tháng gần nhất, Huế đã đón gần 1,45 triệu lượt khách, tăng đến 62,3% lượng khách so với cùng thời gian năm 2024, trong đó khách quốc tế lên đến 666.228 lượt (tăng 49,1%), khách nội địa tăng 75,5% với 781.060 lượt.
Giám đốc Sở Du lịch thành phố Huế Trần Thị Hoài Trâm cho biết, doanh thu từ du lịch của địa phương trong 3 tháng vừa qua đạt hơn 2.612 tỷ đồng, tăng hơn gấp rưỡi (52,7%) so với cùng kỳ năm trước. Đây rõ ràng là những con số cực kỳ ấn tượng, báo hiệu một năm đầy biến động tích cực cho du lịch miền Trung, làm cho các địa phương này liên tục thay đổi kế hoạch và mục tiêu về du lịch trong thời gian tới.
Điện Kiến Trung là điểm đến hấp dẫn du khách khi khám phá Hoàng cung Huế. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Năm 2025 được kỳ vọng là bước đột phá mới cho du lịch miền Trung, tiếp nối ba cột mốc lịch sử: “Con đường Di sản miền Trung”, “Hành trình Di sản miền Trung” và “Miền Trung - 3 di sản, 1 điểm đến”.
Miền Trung di sản - Trải nghiệm từ tiềm thức đến hiện thực
Năm 1993, Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Năm 1999, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) tiếp tục được vinh danh. Năm 2003, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) trở thành Di sản Thiên nhiên Thế giới. Đây là những “viên ngọc quý” trên bản đồ du lịch văn hóa - thiên nhiên của Việt Nam.
Cảnh quan phố phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính như một bức tranh sống động. Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Năm 2002, chuyên gia người Đức Paul Stoll đề xuất ý tưởng “Con đường Di sản miền Trung”, kết nối các điểm đến trọng yếu. Gần như ngay lập tức, các địa phương vào cuộc, tạo nên bước đột phá đầu tiên. Năm 2005, Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Những đột phá tiếp theo nhanh chóng xuất hiện: “Hành trình Di sản miền Trung” và “3 di sản - 1 điểm đến”, đưa Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam thành một cụm liên kết kiểu mẫu.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vitraco (Đà Nẵng), từng trực tiếp tham gia xây dựng nên sản phẩm du lịch của vùng chia sẻ: Chính ý tưởng "Con đường Di sản miền Trung" đã mở ra cơ hội phát triển toàn diện cho du lịch khu vực. Từ chỗ chỉ quảng bá từng điểm đến riêng lẻ, các địa phương đã kết nối thành chuỗi, tạo nên sản phẩm du lịch có chiều sâu, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm thực chất của du khách.
Tiếp bước xu thế, du lịch miền Trung đang chuyển mình theo hướng trải nghiệm, du khách được khám phá hang động, leo núi, tắm biển, hóa thân thành nông dân xứ Truồi, chèo thuyền thúng ở rừng dừa Cẩm Thanh, làm đồ mỹ nghệ từ tre, theo chân nghệ nhân làm nón Huế hay nấu bún bò Huế chuẩn vị… Những hoạt động đó làm nên nét riêng có cho miền Trung - nơi khởi nguồn cảm xúc cho hàng triệu du khách khắp năm châu.
Ông Josef Guido Bosert, đến từ Thụy Sỹ, vừa có chuyến du lịch đầu tiên đến Đà Nẵng, Hội An, hồ hởi chia sẻ: Đó là những trải nghiệm mới lạ. Ông được tắm biển Đà Nẵng, đến những điểm du lịch nổi tiếng, dạo phố cổ Hội An, hòa mình với nông dân làng rau Trà Quế. Mỗi điểm đến là trải nghiệm khác biệt, sống động và đầy tích cực.
“Đà Nẵng thì hiện đại, đô thị nhộn nhịp, những điểm tham quan rất đẹp, dịch vụ từ sang trọng đến bình dân. Hội An thật sự là một di sản cổ kính và độc đáo, sống chậm; người dân làng rau Trà Quế đôn hậu, vui tươi. Thật khó để giải thích, khó để xâu chuỗi những cảm giác đó với nhau nhưng nó vẫn là chuỗi nguồn năng lượng tích cực. Tôi yêu mến những nơi này, yêu mến miền Trung, đất nước các bạn. Chắc chắn tôi sẽ trở lại!”, ông Joseft nói.
(Còn nữa)
Bài 2: Nâng tầm nghệ thuật thưởng thức di sản
Kha Phạm - Hải Âu (TTXVN)