Miễn viện phí toàn dân: Tiến tới một chính sách an sinh đúng nghĩa

Miễn viện phí toàn dân: Tiến tới một chính sách an sinh đúng nghĩa
một giờ trướcBài gốc
Tại buổi làm việc với Đảng ủy Chính phủ, các ban, bộ, ngành về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và định hướng thời gian tới, Tổng Bí thư kết luận thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần. Tổng Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035.
Như vậy, cùng với chính sách miễn học phí phổ thông, đây là nền tảng căn bản để bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ thiết yếu cho mọi người dân, hướng tới một xã hội công bằng, phát triển bền vững và không ai bị bỏ lại phía sau.
Kỳ vọng lớn vào chính sách miễn viện phí
Cách đây vài ngày, anh N.T.L (35 tuổi) trú tại huyện Ba Bể, tỉnh Cao Bằng được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng viêm phổi nặng có biến chứng sốc nhiễm trùng, suy hô hấp nặng. Bệnh nhân được chỉ định phải lọc máu và đặt
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Cấp cứu A9
ECMO (tim phổi nhân tạo) tại Khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.
Vợ bệnh nhân cho biết, vì chủ quan, hai vợ chồng là lao động tự do nên không mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Với mức chi phí điều trị trung bình là 10 triệu đồng/ngày khiến gia đình không biết bấu víu vào đâu.
“Tiền lọc máu 15 triệu đồng/lượt, đặt máy ECMO hơn 100 triệu đồng…, gia đình tôi không đủ tiền để chữa trị cho chồng nên các bác sĩ đã hướng dẫn tôi làm đơn xin trợ giúp”, vợ anh L. cho biết.
Nếu như không nhận được nguồn hỗ trợ, không có khả năng trả viện phí thì “chỉ còn nước xin về… chờ chết”. Vì thế người nhà bệnh nhân rất mong chủ trương miễn viện phí sớm được triển khai để gia đình họ giảm bớt gánh nặng tài chính.
“Bệnh nhân vào đây, người có thẻ BHYT, người không có thẻ hoặc phải đồng chi trả. Nhưng do bệnh nặng, phải dùng thuốc đắt tiền, kỹ thuật chuyên sâu nên viện phí vẫn rất lớn. Bệnh tật không ai mong muốn cả nhưng nếu mắc phải rất dễ trở nên khánh kiệt. Nay được Nhà nước quan tâm, miễn viện phí cho người dân là điều quá tốt đẹp”, vợ anh L. chia sẻ.
Với chị P.T.H. (huyện Nho Quan, Ninh Bình), mỗi lần di chuyển từ nhà đi đến Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai là cả một quá trình vất vả. Bởi chị đang điều trị bệnh ung thư phổi di căn vào gan và xương.
Chị H. chia sẻ: “Phác đồ sử dụng thuốc miễn dịch cho một lần điều trị là 70 triệu đồng/tháng nhưng không được BHYT chi trả, chưa kể chi phí xét nghiệm, xạ trị, hóa trị, tiền giường bệnh và chi phí dinh dưỡng. Hiện gia đình đã phải bán nhà ở quê mới có đủ tiền điều trị đúng liệu trình. Tôi chứng kiến, nhiều bệnh nhân không có đủ tiền chữa bệnh đã phải xin về, chịu đau đớn và chết. Nay có chính sách miễn viện phí, tôi hy vọng, nhiều bệnh nhân ung thư sẽ có cơ hội kéo dài sự sống”, chị H. bày tỏ.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngay từ cơ sở
PGS. TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai
PGS. TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Tôi cho rằng, chính sách của Đảng, Nhà nước đang vận hành đúng hướng. Tiến tới thực hiện miễn viện phí, đồng nghĩa với việc quản lý chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân ngay từ đầu (giai đoạn thai kỳ), từ tuyến cơ sở (cộng đồng), được khám sức khỏe định kỳ hằng năm và quản lý sức khỏe bằng bệnh án điện tử. Khi phát hiện bệnh nặng sẽ được điều trị miễn phí tại tuyến Trung ương”.
Kể lại câu chuyện mới đây đoàn bác sĩ, cán bộ Bệnh viện Bạch Mai đi khám bệnh tại huyện miền núi biên giới của tỉnh Nghệ An, PGS.TS Đào Xuân Cơ cho biết dự định ban đầu đoàn chỉ khám cho khoảng độ 500-600 bà con diện hộ nghèo, chính sách. Nhưng khi biết tin có chương trình thăm khác sức khỏe, bà con cách điểm thăm khám mấy chục cây số đã tìm đến. Do đó thay vì khám 500 người, đoàn đã khám 3.000 người/buổi khám.
Từ những chuyến đi thực tế như thế này, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho rằng y tế cơ sở còn thiếu và yếu. Với những bệnh cơ bản như huyết áp, tiểu đường hoàn toàn có thể phát hiện và kiểm soát tại cộng đồng. Nhưng hiện nay, người dân không được thăm khám kịp thời để đến khi biến chứng buộc phải lên tuyến trên gây tốn kém điều trị và đi lại.
“Chính vì vậy, chủ trương miễn viện phí cho toàn dân không phải là để người bệnh đổ xô lên tuyến trên khám, chữa bệnh gây quá tải không cần thiết, mà chúng ta tiếp tục theo hướng đầu tư chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngay từ cơ sở. Giai đoạn này chúng ta sắp xếp lại các đơn vị hành chính, tiến tới không còn cấp quận, huyện. Vậy các trung tâm y tế huyện, các bệnh viện huyện sẽ vận hành như thế nào để gắn với y tế cơ sở, y tế thôn bản. Đây là cơ hội để chúng ta tập trung nguồn lực và tổ chức lại hệ thống y tế cơ sở sao cho gắn với dân, gần dân nhất thì dân mới được chăm sóc”, ông Cơ nhấn mạnh.
Nguyễn Hà/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/mien-vien-phi-toan-dan-tien-toi-mot-chinh-sach-an-sinh-dung-nghia-post1198055.vov