“Miếng bánh” thương mại điện tử đang nằm trong tay các “ông lớn” nước ngoài
Trong khu vực châu Á, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc hàng “top” đầu, với tốc độ luôn duy trì trên 2 con số trong nhiều năm.
Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 16% - 30% trong 4 năm qua.
Nếu như năm 2019, thời điểm trước khi COVID-19 xuất hiện, tổng giá trị giao dịch (GMV) trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đạt khoảng 10,8 tỷ USD, thì sang năm 2023 con số này đã tăng 20,5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hàng năm là 17,38%. Dự báo đến năm 2025, quy mô tổng giá trị của thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt khoảng 24 tỷ USD.
Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam và nhiều chuyên gia trong và ngoài nước có cùng nhận định rằng, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam hiện tại có nhiều điểm tích cực và rất tiềm năng, nhờ sự gia tăng liên tục về số lượng và chất lượng của người tiêu dùng trực tuyến mới.
Với nhiều tiềm năng chưa được khai thác, nhiều “ông lớn” trong và ngoài nước trong đang phải cạnh tranh rất khốc liệt để giành thị phần. Hiện tại, Việt Nam có hàng nghìn sàn thương mại điện tử đang cùng hoạt động, thế nhưng thị phần đang thuộc về 5 sàn lớn nhất, bao gồm: Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo.
Trong 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, Shopee tiếp tục duy trì phong độ và là “anh cả” của thị trường. Được biết, Shopee là sàn thương mại điện tử có trụ sở tại Singapore, được thành lập vào năm 2009 và thuộc sở hữu của Sea Ltd, trước đây là Garena.
Trích dẫn số liệu từ Younet ECI, Công ty CP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (Virac) cho biết, nếu “so găng” giữa 4 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, bao gồm Shopee, Tiki, Lazada và TikTok Shop, thì Shopee là sàn thương mại điện tử lớn nhất. Tính đến hết quý I/2024, thị phần của Shopee tại Việt Nam là 67,9%, tiếp đến là “tân binh” TikTok Shop với 23,2%, Lazada với 7,6% và Tiki là 1,3%. Dữ liệu của Younet ECI không đề cập tới thị phần của Sendo.
Điều đáng nói, TikTok Shop là “tân binh” của ngành thương mại điện tử nhưng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Nếu như cuối năm 2023, thị phần TikTok Shop chiếm 16,9%, nhưng chỉ trong 3 tháng đã “giành” được 6,9% và cán mốc 23,2% thị phần. Được biết, TikTok Shop thuộc sở hữu của ByteDance (Trung Quốc), đổ bộ vào Việt Nam từ năm 2022.
Virac nhận định: Tại Hội nghị TikTok Shop Summit 2024, nền tảng TikTok công bố đã thu hút được 2,8 triệu doanh nghiệp từ các quy mô vừa và nhỏ đến siêu nhỏ tham gia. Số lượng các nhà bán hàng có GMV ổn định đã tăng gấp ba, trong khi lượt xem các phiên livestream và video ngắn trên nền tảng này đã tăng tới 12 lần.
“Sự tăng trưởng này không chỉ phản ánh sức hút của nền tảng mà còn cho thấy sự thích ứng nhanh chóng của thị trường với các hình thức bán hàng số mới”, báo cáo của Virac nêu.
Dữ liệu từ Vietdata, năm 2023 doanh thu thuần của Shopee đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 70%, còn TikTok Shop đạt gần 890 tỷ đồng năm 2023, tăng khoảng 80% so với năm trước. Cả hai đều có lãi.
Trong khi đó, 2 sàn thương mại điện tử có sự đầu tư của Việt Nam, là Tiki và Sendo ngày càng tỏ ra “đuối sức” so với các sàn thương mại điện tử “ngoại”, năm tài chính được công bố gần đây nhất cả Tiki và Sendo đều báo lỗ.
Dữ liệu từ Vietdata cho thấy năm 2023, Sendo đạt doanh thu thuần gần 290 tỷ đồng, nhưng lỗ sau thuế hàng trăm tỷ đồng.
Vì sao các sàn thương mại điện tử Việt “đuối sức”?
Mới đây, nhiều sàn thương mại điện tử lớn khác cũng đang âm thầm “tấn công” thị trường Việt Nam, nổi bật trong số đó là sàn thương mại Temu, một “ông lớn” trong ngành thương mại điện tử đến từ Trung Quốc, hoặc nền tảng Amazon của Mỹ. Điều này cho thấy, “cuộc chiến” trong ngành đang trong giai đoạn khốc liệt.
Một số dự báo cho rằng, trong thời gian tới, những “gã khổng lồ” trong ngành thương mại điện tử thế giới với tiềm lực kinh tế mạnh sẽ tiếp tục lấn át các sàn thương mại điện tử “nội”.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử cho biết: Các “ông lớn” trong ngành thương mại điện tử đa quốc gia có lợi thế rất lớn là dòng vốn lớn, chấp nhận “lỗ theo kế hoạch” để tung ra các chương trình ưu đãi, giảm giá sâu nhằm giành thị phần với các đối thủ.
Vị này lấy Shopee làm dẫn chứng. Theo chuyên gia, Shopee có mặt tại Việt Nam từ năm 2016, nhưng chỉ sau 2 năm, Shopee đã soán ngôi Lazada để trở thành sàn thương mại điện tử phổ biến nhất Việt Nam.
Ngay từ khi đặt chân tới Việt Nam, Shopee đã tham gia cuộc chạy đua “đốt tiền” để có thể tranh giành thị phần. Vì vậy trong 3 năm đầu tiên Shopee Việt Nam kinh doanh gần như không có lãi, thậm chí có năm còn báo lỗ.
Một trong những thành công khác của Shopee và một số sàn thương mại điện tử đa quốc gia khác đó là đầu tư mạnh để nâng cấp công nghệ, tích hợp AI trong việc phân tích dữ liệu, có thể đưa ra những gợi ý sản phẩm phù hợp với mong muốn của từng người.
Chưa dừng lại tại đó, các sàn thương mại điện tử đa quốc gia như Shopee hay Lazada còn một lợi thế khác là bán hàng xuyên biên giới, có thể kết nối người bán ở các quốc gia khác với người tiêu dùng trong nước mà không cần qua một shop trung gian trong nước. Nhờ đó, giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn so với các shop trong nước kinh doanh cùng một mặt hàng. Đây chính là lợi thế rất lớn của các sàn thương mại điện tử đa quốc gia so với các sàn thương mại điện tử thuần Việt.
“Với tiềm lực kinh tế mạnh, đầu tư mạnh tay vào công nghệ đã tạo ra lợi thế rất lớn cho các sàn thương mại điện tử nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam”, vị này nhận định.
Sự bùng nổ các sàn thương mại điện tử đa quốc gia, tác động mạnh tới doanh nghiệp Việt
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng: Sự phát triển của thương mại điện tử là quy luật tất yếu, thế nhưng sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử đa quốc gia, đặc biệt là các sàn các sàn thương mại điện tử Trung Quốc tham gia thị trường Việt Nam sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh trong nước. Hàng hóa nước ngoài giá rẻ khiến hàng hóa trong nước không cạnh tranh nổi, thậm chí dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp phá sản.
Bởi, Việt Nam vẫn áp dụng quy định miễn thuế các hàng nhập khẩu giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng, mà hàng thương mại điện tử, hay đường nhập khẩu chủ yếu là giá trị nhỏ cho nên những mặt hàng này nghiễm nhiên được ưu đãi miễn thuế.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đã đến lúc cần phải sửa Luật theo hướng tất cả các loại hàng hóa ra - vào quốc gia thì đều phải nộp thuế để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, sòng phẳng để điều kiện cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước rõ ràng hơn.
Trong khi đó, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Việt Nam cần nghiêm túc vào cuộc, quản lý chặt chẽ đối với các hàng nhập khẩu hoặc hàng nhận từ các đơn hàng điện tử tính hợp pháp về thuế. Bên cạnh đó cần phải nghiên cứu vì sao hàng Trung Quốc giá rẻ, để tìm ra giải pháp thích hợp để thúc đẩy nền công nghiệp sản xuất Việt Nam phát triển.
Định Trần