Được ví như "miền Tây" thu nhỏ giữa lòng xứ nắng, miệt vườn Lâm Sơn những ngày tháng Bảy “sáng nắng chiều mưa”, hối hả bước vào vụ trái cây dần chín rộ, thu hút nhiều du khách đến tham quan, check-in, chụp ảnh và thưởng thức nhiều loại đặc sản tại vườn.
Phát triển du lịch sinh thái vườn
Xã Lâm Sơn nằm dưới chân đèo Ngoạn Mục, phía tây tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng, độ cao 1.400m - 1.600m và thấp dần về phía đông nam; là khu vực được thiên nhiên ưu đãi, có khí hậu mát mẻ, đất đai tương đối màu mỡ, thuận lợi phát triển thành vùng trồng cây ăn trái tập trung và được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Trái cây Ninh Sơn” với diện tích hơn 500ha, gồm các loại cây như: Sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít, dừa, bưởi, xoài… Bên cạnh đó, địa bàn xã có Quốc lộ 27 chạy qua tạo lợi thế rất lớn trong xây dựng các trạm dừng chân, trao đổi hàng hóa; là điều kiện thuận lợi để xã Lâm Sơn phát triển vùng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái nhà vườn, kết hợp tham quan các thắng cảnh tự nhiên như: Đèo Ngoạn Mục, thác Sakai, thủy điện Đa Nhim… Qua đó, thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan mỗi năm.
Tự tay hái trái cây và thưởng thức là trải nghiệm thú vị với du khách.
Theo bảng chỉ dẫn Điểm du lịch Vườn trái cây Lâm Sơn đặt tại Quốc lộ 27, chúng tôi men theo con đường bê tông rợp bóng cây xanh, trái trĩu cành hướng về khu vực Bắc Lâm Sơn (thuộc địa phận các thôn Lâm Hòa, Lâm Bình, Lâm Phú). Với hơn 10 nhà vườn cùng Tổ liên kết tham gia kinh doanh mô hình du lịch vườn trái cây như: Nhà vườn Vườn Trình, Đăng Quang, Xuân Hùng, Quang Lai, Thảo Nguyên…, đây được xem là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích trái cây và muốn tận hưởng không gian trong lành, xanh mát giữa mùa hè oi bức.
Cùng nhóm bạn đến tham quan vườn trái cây, chị Nguyễn Ngọc Thảo (du khách tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ, năm nào nhóm của chị cũng đi thưởng thức trái cây tại vườn ở xã Lâm Sơn. Với giá vé 40.000 đồng/lượt cho khách check-in, chụp ảnh; trái cây tùy loại cân ký tính tiền với giá hợp lý, chị hoàn toàn hài lòng. Với chị, thưởng thức sầu riêng chín rụng tại vườn, cùng các món ăn dân dã, đậm chất bản địa là trải nghiệm thú vị. Đặc biệt, món gỏi măng cụt xanh với gà đồi là trải nghiệm mà chị khuyên bạn bè không thể bỏ qua khi đến đây. Đi du lịch ở phường Phan Rang, chị Nguyễn Ngọc Hoài (TP. Hồ Chí Minh) được bạn bè giới thiệu đến tham quan vườn trái cây Lâm Sơn. Chị Hoài cho biết, không khí ở đây rất trong lành, không gian xanh mát, hoa trái tự nhiên, tạo cảm giác ngọt lành. Chị không chỉ thưởng thức mà còn tự tay hái quả, từ chôm chôm, bơ, bưởi đến măng cụt, mỗi loại đều mang một hương vị riêng biệt.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh - chủ Vườn trái cây Xuân Hùng cho biết: Vườn trái cây năm nay thuận mùa hơn, không có những cơn mưa trái mùa nên các khâu xử lý ra hoa, trái cũng thuận tiện. Các loại cây trái tại vườn chỉ có một mùa vào hè trong năm, không sử dụng thuốc và được trồng theo hướng trái cây sạch. Ngoài tập trung chăm sóc 2ha vườn cây ăn trái, năm nay, nhà vườn còn đẩy mạnh đầu tư cổng vào, bảng tên, xây dựng nội quy vào vườn, lắp đặt wifi, quầy trưng bày, hệ thống vệ sinh, khu vui chơi... Một số sản phẩm về ẩm thực, quà lưu niệm trên địa bàn xã và vùng lân cận cũng được nhà vườn đưa vào phục vụ khách du lịch như: Gà, cá, heo đen, gùi, ná, đàn Chapi, rượu cần, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai; các sản phẩm trái cây qua sơ chế như táo, nho, rượu, mật táo... để du khách mua làm quà. Chính bởi những điều dân dã, hấp dẫn này đã giúp cho nhà vườn không phải lo về nguồn khách.
Tiếp tục kết nối
Ông Đoàn Văn Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Lâm Sơn cho biết, xã Lâm Sơn có 1 Hợp tác xã Du lịch - Nông nghiệp Lâm Sơn và 2 tổ liên kết mô hình du lịch vườn trái cây ăn trái (Tổ liên kết phía bắc và Tổ liên kết Nam Sakai) với hơn 30 hộ tham gia kinh doanh mô hình du lịch vườn trái cây. Tổ liên kết có nhiệm vụ thống nhất giá cả với các nhà vườn và triển khai các mô hình; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa du lịch, tạo thành mô hình liên kết giữa các vườn… Nhờ đó, lượng du khách đến tham quan, du lịch tăng bình quân 20 - 30% năm. Chỉ tính riêng trong tháng 6-2025, mỗi ngày có từ 700 đến 900 lượt người vào tham quan các vườn, riêng thứ Bảy và Chủ nhật cao điểm có từ 1.500 đến 2.000 lượt người đến tham quan, với tổng doanh thu của các hộ tham gia mô hình du lịch vườn trái cây gần 1 tỷ đồng, hộ có doanh thu cao nhất khoảng 100 triệu đồng, thấp nhất khoảng 20 triệu đồng.
Với mục tiêu khai thác tốt tiềm năng du lịch của địa phương, nhất là tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa gắn với hoạt động canh tác nông nghiệp và văn hóa cộng đồng các dân tộc nhằm tạo ra một thương hiệu du lịch độc đáo, phát triển vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản tập trung Lâm Sơn..., giai đoạn 2025 - 2030, xã Lâm Sơn chủ trương khuyến khích, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái vườn và dịch vụ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người trồng cây ăn quả và góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng như: Nâng cấp các tuyến đường giao thông, đường điện chính vào khu vực vùng lõi để phục vụ cho việc tiêu thụ, phát triển cây ăn quả đặc sản theo hướng an toàn và đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh việc thu hút du khách tự tìm đến, xã Lâm Sơn sẽ tổ chức các hoạt động kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trong nước và quốc tế. Cụ thể như: Tham gia các gian hàng triển lãm giới thiệu, quảng bá du lịch của tỉnh tại các sự kiện văn hóa, du lịch; tổ chức các đoàn famtrip, presstrip khảo sát, tọa đàm góp ý kiến; phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành khảo sát, xây dựng các tour, tuyến kết nối du lịch xã Lâm Sơn với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh…
THANH XUÂN