Chúng ta là người của ngã ba sông. Cha đã từng nói và Trung ghi nhớ. Đấy là sự khẳng định, là niềm tự hào, thể hiện trách nhiệm của một con người gắn bó nhiều năm với nhà máy thủy điện. Khi trưởng thành, ít nhiều va chạm, Trung hiểu hơn điều này. Và mẹ, người con gái của đại ngàn Tu Mơ Rông, theo cha từ thủy điện Yaly về đây cũng đã thấm nhuần và chọn vùng đất tiếp giáp giữa Ngọc Tem với Sơn Lập làm quê hương thứ hai.
Có chiếc ghe ngược dòng, tiếng máy nổ phành phạch, rộn rã. Người đàn ông đứng đầu mũi, hét vọng:
- Mày về đấy à, thằng nhỏ?
Trung đáp lại:
- Dạ, cháu chào bác Tiến!
- Cảm giác chuyển về đơn vị mới như thế nào?
- Dạ, cũng háo hức bác ạ! Bác đi lấy củi hả?
- Không, bác vào rừng xem ong!
Bác Tiến hất ngược cái đầu trần, lơ phơ nhiều sợi bạc rồi hướng dọc dòng sông. Hai vệt sóng rẽ ra, kẹp lấy mạn ghe. Tiếng máy nhỏ dần. Trung cứ nhìn hút theo. Dòng sông lặng lẽ trở lại. Trời bắt đầu có gió, mơn man.
2.Tốt nghiệp đại học ngành văn hóa, Trung được phân công về một cơ quan nhà nước nằm ở trung tâm tỉnh, bên dòng Đăk Bla. Con sông này chảy ngược, tạo nên nét độc đáo, biểu tượng đặc trưng cho tỉnh Kon Tum. Trung đã nghiên cứu, tìm hiểu và rất hào hứng khi phát hiện tầng sâu những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất ngỡ lạ mà quen này. Cha mẹ anh rất vui và tự hào dù con trai đi làm xa, lại trái đường. Lúc đầu, họ muốn Trung về thành phố quê nội, nơi cha từng làm việc trong những năm đầu của tuổi thanh xuân. Nhưng rồi, sự đãi ngộ và thu hút nhân lực của các cơ quan nhiều việc, cần người đã thôi thúc Trung quyết định. Thêm nữa, mẹ nửa thật nửa đùa, bảo con về trên ấy làm việc, tiện đường về thăm ngoại luôn.
Trung cảm thấy sự lựa chọn của mình tương đối hợp lý. Hằng ngày cùng đồng nghiệp xây dựng đề án, tìm kiếm tư liệu và rong ruổi khắp nơi đã giúp anh nghiệm ra nhiều điều bổ ích. Những tác phẩm điêu khắc gỗ độc đáo của các nghệ nhân người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên được trưng bày trong vườn tượng gỗ của làng văn hóa Kon Pring. Ngôi nhà thờ cổ hơn 100 tuổi làm bằng gỗ tuyệt đẹp, được thiết kế theo lối kiến trúc Roman kết hợp với kiểu nhà sàn của người Ba Na bản địa, được coi là đỉnh cao của sự kết hợp giữa văn hóa Tây phương và bản sắc dân tộc của vùng Tây Nguyên. Thị trấn Măng Đen có khí hậu ôn hòa mát dịu quanh năm, với cảnh quan thiên nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, được ví như Đà Lạt thứ hai.
Thỉnh thoảng Trung về thăm nhà. Bao giờ cũng thế, lần nào trở về cũng luôn cho anh cảm giác thoải mái và bình yên. Trung từng nghĩ, phải rời xa chốn này, chắc buồn lắm. Dù thực tế, nơi anh sống, nơi hạnh phúc được chắt chiu bằng tình yêu, sự nỗ lực của cha và mẹ còn nhiều khó khăn, lại quá xa trung tâm. Cha muốn về thăm ông bà nội, chạy xe máy cũng hơn nửa ngày. Mẹ về nhà ông bà ngoại thì phải ra đường tít trên thị trấn, đón xe đò ngược núi, mà cũng phải hai chặng đường mới tới nơi. Thành ra, dạo trước, cha mẹ thỉnh thoảng mới đưa Trung về thăm quê. Còn việc học, bọn trẻ trong xóm phải vượt đèo, lội suối ra ngoài huyện. Nhiều đứa nản quá, nghỉ học giữa chừng theo cha mẹ lên rẫy hay chăn bò, chăn dê.
3.Cha lại châm điếu thuốc. Thói quen này bắt đầu từ ngày cha nhận quyết định nghỉ hưu. Ban đầu mẹ phàn nàn dữ lắm. Nhưng rồi phải thỏa hiệp, sống chung với khói thuốc vào những chiều lãng đãng mây núi và mưa rừng.
MH: VÕ VĂN
Cha cũng chỉ cười hiền, bảo thỉnh thoảng làm điếu thì chẳng hại sức khỏe. Bữa hai cha con ngồi nói chuyện, Trung mới biết nỗi băn khoăn của cha về công việc của con trai sau khi hợp nhất. Trung trấn an cha rằng, mọi chính sách, chủ trương của Nhà nước đều phù hợp hầu hết được mọi người tán thành, hợp tác. Cũng như cha trước đây, mang khát vọng cống hiến đi xa, lên tận Yaly chung tay xây dựng thủy điện đem lại nguồn sáng cho dân, điều tiết nguồn nước cho đồng ruộng, sông hồ. Rồi tại đây, tình yêu cuộc sống và con người đã đơm hoa kết trái. Một mái ấm hạnh phúc đơn sơ và tiếng cười con trẻ vang lên mỗi khi tan ca từ công trình về. Cách đây tròn mười năm, lúc này dù đã qua tuổi trung niên nhưng một lần nữa, cha lại quyết tâm thực hiện điều mình ấp ủ. Cha đưa gia đình về ngã ba sông Đăk Sê Lô, nơi giao lưu giữa hai vùng đất của hai tỉnh để xây dựng nhà máy thủy điện, đánh thức tiềm năng, mang lại cuộc sống ấm no cho dân làng.
- Phải biết hy sinh để thực hiện điều mới mẻ, hữu ích phải không ạ?
Trung trần tình đầy vẻ suy tư. Cha gật đầu, bảo Trung chưa trưởng thành mà đã già trong suy nghĩ. Trung cười nhẹ rồi thoáng nghĩ khi nhìn về phía thủy điện, trên nóc nhà hành chính có lá cờ đỏ phấp phới bay trong gió. Thật sự, thời gian trôi nhanh quá. Gần một phần ba thế kỷ gắn bó, cha đã đi qua một hành trình của sự trải nghiệm đủ đầy buồn vui trong nghề để xây dựng và phát triển. Trong đó, hơn hai mươi năm cha làm việc ở công trình thủy điện Yaly. Nơi này cha đã đến khi còn trẻ, và cống hiến đến khi tóc đã điểm bạc. Nơi này Trung chào đời, chập chững những bước đi đầu tiên, được đến trường học chữ, đôi khi học vài tiếng địa phương. Cha đã từng nói với mẹ, Yaly không chỉ là nơi cha sống, làm việc mà còn là nơi cha để lại cả một phần trái tim biết sẻ chia và ngọn lửa nồng nàn của tình yêu đôi lứa. Mà ở đây, như lời mẹ tâm sự trước ngày Trung nhận quyết định làm việc, cả cha và mẹ đã trải qua bao thăng trầm, chứng kiến sự đổi thay của núi rừng, của con người, và của chính mình. Những con đường quanh co, những buổi chiều sương giăng kín lối, những tiếng cồng chiêng vọng từ bản làng xa, ánh lửa nhà sàn chập chờn... Tất cả vẫn in đậm trong ký ức tuổi thơ của Trung như vừa mới hôm qua.
Giờ đây, sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính và cơ cấu lại nhân sự, Trung được về cội nguồn của mình để công tác, không hiểu sao lòng anh lại da diết nhớ dòng sông bắt nguồn từ chân núi Ngọc Linh in bóng mây trời, nhớ hàng hoa sứ bên hành lang dãy nhà công vụ, mỗi độ mùa về nghiêng rơi từng cánh. Trung nhớ cảnh và nhớ người. Nỗi nhớ rõ hình rõ ảnh. Mà làm sao không nhớ cho được khi cái nơi ăm ắp tình người, đã nuôi dưỡng anh bằng ân nghĩa của núi rừng, bằng sự chân chất, thật thà của bà con dân làng, và bằng cả những kỷ niệm không thể nào quên trong những lần vít cần rượu và hòa trong điệu múa say mê.
Cha đọc được tâm trạng Trung nên đã nhẹ nhàng:
- Cũng như cha, dù đã thành người của ngã ba sông nhưng vẫn luôn tự hào vì đã có một quãng đời gắn bó với Yaly. Cha nghĩ, rồi con sẽ quen với nơi làm việc mới nhưng chốn cũ sẽ mãi là một phần không thể thiếu trong đời.
Mẹ ngồi bên hiên, vừa gom đậu xanh đã phơi khô vào lọ vừa góp chuyện:
- Xóm mình cũng có mấy người chuyển cơ quan, con cái phải xuống theo để học hành đấy!
Trung xác nhận, thoáng nghĩ, ban đầu dĩ nhiên có sự xáo trộn nhưng rồi sẽ dần ổn định. Sự tâm huyết sẽ làm nhòa đi tâm lý vùng miền. Trung từng nghe rằng vùng trời nào của quê hương cũng đều là bầu trời của Tổ quốc.
Bữa cơm được dọn ra. Câu chuyện càng rôm rả. Trung nghiệm thấy một điều, bao giờ cũng thế, trong những cuộc nói chuyện giữa ba thành viên của gia đình đều có sự bắc cầu, kết nối một cách ngẫu nhiên đầy thú vị. Từ những câu chuyện thời sự, chuyển sang chuyện giữa cha và mẹ, về huyền thoại Yaly, về con sông Trà Khúc thầm lặng chảy trong nỗi nhớ.
4.Trung đi theo con đường mòn dẫn lên đồi cỏ lau. Mùa này hoa lau sắp tàn, chỉ còn lác đác vài vạt trắng phau trộn trong màu nắng nhạt. Trung nghe lòng dậy lên cảm xúc khó tả. Anh sẽ rời xa ngã ba sông, cha mẹ cũng sẽ về quê nội, bên dòng sông Trà Khúc thơ mộng. Con sông này, theo lời cha cũng được mang theo một phần nước từ dòng Đăk Sê Lô. Nghĩa là vùng đất ngã ba sông với anh không chỉ đơn thuần là nơi ở. Đó là nơi vun bồi những kỷ niệm, là mạch nguồn yêu thương được hiện diện qua từng câu nói, từng giấc mơ, từng ánh mắt soi thấu tâm hồn. Vùng đất ngã ba sông là nơi chan chứa ân tình, mang tính đặc trưng, là hồn núi, hồn sông, là tiếng thác âm vang từ chốn rừng già, là tiếng chuông rền từ bên kia núi, là điệu hát dân ca mộc mạc nhưng nghĩa tình. Trung dừng lại, ngắm khoảnh khắc của hoa lau, lòng tự hỏi sao mà dịu dàng đến thế!
Một cánh chim vụt qua. Tiếng kêu chạm khẽ không gian vắng lặng. Trước từng cơn gió thoảng, bờ cỏ lau mềm mại, xôn xao.
SƠN TRẦN