Những bờ cỏ lau tím mang đến vẻ đẹp mới lạ, tạo nên một phần diện mạo mới cho sông Hương. Dọc theo con đường đi bộ ven sông, người dân Huế và du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp nhẹ nhàng nhưng đầy sức hút của những bông hoa lau tím này.
Tôi có những sáng và chiều lững thững ngắm hoa lau. Ở dưới cầu Trường Tiền, bờ lau trải dài như một cần đàn của cây Nam Cầm. Năm xưa, giữa cánh đồng cỏ lau Vỹ Dạ, khúc Nam Cầm đã từng vang lên trong nhiều phủ đệ. Ở đó, nhà thơ Tuy Lý Vương đã từng lấy bút danh “Vy Dã” - cánh đồng cỏ lau. Bài tứ tuyệt “Đêm thu ở làng chài” của ông từng nhắc đến hoa lau: “Trăng tàn bãi vắng lắng ngư ca/Rặng liễu xác xơ đứng tựa bờ/ Thuyền nép hoa lau người ghé ngủ/ Nửa đêm triều dậy lạnh cơn mơ”. Dĩ nhiên, hoa lau ông nhắc đến đây là hoa lau trắng, như hoa lau Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết trong “Bản di chúc của cỏ lau”. Muốn ngắm cho hết vẻ đẹp của bờ lau cần đàn này, phải ngắm từ ngoài mép sông vào, lúc đó những bông hoa lau như đầy hơn, dày hơn trong nắng, như một mãn khai của sức sống mới.
Một bờ lau tím đẹp khác, mọc thành bãi rộng đối diện Nghinh Lương Đình bên kia sông. Hoa lau ở đây ken dày, bời bời trong gió mai. Đứng sững bên sông trước vẻ đẹp của hoa lau, tôi nhận ra hoa lau đẹp vì biết cúi đầu. Đó là cái cúi đầu khiêm nhường trước sự độ lượng của đất trời. Sống lâu với sông Hương, người Huế biết cái đẹp cốt cách nhất của Huế là sự khiêm nhường. Hoa lau tím đến lượt mình, cũng góp vào thế giới cỏ dại khiêm nhường bên sông, một màu tím tinh tế, bền bỉ, màu của đam mê và lòng tin bất diệt.
Loại cỏ lau này có nguồn gốc từ châu Phi. Lá cỏ lau tím màu tím thẫm, từ gốc lá tỏa ra tứ phía, lá đâm lên trời thuôn dài hình mũi mác đặc trưng. Từ xa nhìn lại các cành và lá của cỏ lau tím cong hình lưỡi liềm. Chao ơi, dáng hình hoa lau lại nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du: “Hương giang nhất phiến nguyệt/ kim cổ hứa đa sầu” (một mảnh trăng trên sông Hương, xưa nay gợi bao nỗi u buồn)…
Một sáng cà phê bên sông Hương, tôi nhìn thấy một hình ảnh khiến lòng tôi thắt lại. Trong nắng mai yên bình, một người phụ nữ đứng tuổi ngồi xe lăn trên đường đi bộ, hướng ánh nhìn về cây cầu Trường Tiền và sông Hương. Người ấy đặt nhẹ tay trên thành xe như tạo cảm giác bình yên, chiêm nghiệm, như thể đang trò chuyện thầm lặng với cảnh vật trước mắt, với cỏ lau tím đang phơ phất trong gió ngoài kia. Việc người ngồi xe lăn ra sông ngắm cảnh khiến người xung quanh cảm nhận sâu sắc về nghị lực sống, niềm yêu đời và khao khát hòa nhập với thiên nhiên, với đời sống bình thường của người phụ nữ ấy. Bờ lau mọc ven bờ sông lúc ấy nở tím dịu dàng, không quá rực rỡ nhưng đầy chất thơ. Lau là một biểu tượng của sự mềm mại, giản dị mà bền bỉ - rất phù hợp với vẻ đẹp Huế và cả hình ảnh người ngồi trên xe lăn ấy.
Người ngồi xe lăn, bờ cỏ lau, cầu Trường Tiền với cấu trúc vòm thép quen thuộc gợi nên những ký ức xưa cũ, dòng sông Hương êm đềm phản chiếu bầu trời xanh và cây cầu… Tất cả đang tạo nên chiều sâu và cảm giác yên bình, trường cửu. Và tôi nhận ra, đang hiển hiện trước mắt tôi một không gian ký ức, gắn liền với lịch sử, văn hóa và tâm hồn Huế.
Hồ Đăng Thanh Ngọc