'Mình luôn tìm lý do để trở về'

'Mình luôn tìm lý do để trở về'
8 giờ trướcBài gốc
GS. Dung Nguyen. Ảnh: BV Răng Hàm Mặt Huế cung cấp
Nhân chuyến công tác tại Huế, GS. Dung Nguyen chia sẻ: Gia đình Dung có nhiều người theo ngành y. Thuở còn học sinh, mình rất ngưỡng mộ một nữ bác sĩ người Mỹ bởi bà ấy luôn dịu dàng, thường giúp đỡ bệnh nhân, dành thời gian hướng dẫn các thực tập sinh. Điều này làm thay đổi quan điểm về nữ giới theo nghề y trong mình. Từ đó Dung mặc định, mai này trở thành bác sĩ, không cần phải “ăn sóng, nói gió”, cứ dịu dàng như bản tính của người phụ nữ; nhưng khi cần phải cứng rắn, đưa ra những quyết định cần thiết cho người bệnh…
Không phải bác sĩ nào cũng có thể theo đuổi lĩnh vực tái tạo vi phẫu trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm đối với bác sĩ trẻ theo ngành này?
Tái tạo vi phẫu trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ yêu cầu đào tạo chuyên môn và kỹ thuật đặc biệt, điều đó có nghĩa các bạn cần một thời gian học hỏi, làm chủ kỹ năng. Sau khi tốt nghiệp đại học, muốn theo ngành này, tốt nhất nên tìm kiếm học bổng để được hỗ trợ tài chính, thực hiện các nghiên cứu hoặc học tập trong một khoảng thời gian nhất định. Khi có nền tảng, cùng với kỹ năng sẽ tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề. Từ chương trình học bổng, các bác sĩ cũng có thể tiếp tục phát triển kỹ năng thực hành, vươn lên trong nghề nghiệp… Để đạt được thành công và sự công nhận trong lĩnh vực chuyên môn, nên mở rộng mạng lưới, tìm kiếm cơ hội cập nhật, tương tác nâng cao kiến thức.
Các hội nghị/hội thảo sẽ mang đến cơ hội học hỏi thông qua quan sát, lĩnh hội từ hoạt động lâm sàng, kỹ thuật và phương pháp làm việc của các chuyên gia. Xác định mục tiêu, thiết lập thái độ, xây dựng chiến lược dài hạn sẽ đảm bảo sự tồn tại và phát triển ổn định trong tương lai.
GS. Dung Nguyen (thứ hai, bên phải) trong ca phẫu thuật tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Huế
GS đã tổ chức nhiều đoàn tình nguyện và thực hiện đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tại Huế. Điều gì khiến bà gắn bó với vùng đất này?
Thời gian đầu, khi nhận công việc ở Đại học Stanford, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ cũng là người quản lý một tổ chức nghiên cứu các vấn đề y tế toàn cầu cho hay, họ muốn đào tạo các bác sĩ về giải phẫu, tạo hình ở Việt Nam. Dung nghe vậy liền đăng ký tình nguyện đi. Điểm đến đầu tiên chính là Huế. Thời điểm ấy TS. Lê Thừa Trung Hậu (đang công tác tại BV Răng Hàm Mặt Huế) kết nối, hỗ trợ giúp đoàn tổ chức chương trình phẫu thuật nhân đạo cũng như các khóa đào tạo ngắn hiệu quả. Nhờ vậy, mỗi lần về, mình được làm việc với các bác sĩ khắp cả nước.
Người Huế dễ thương và thân thiện. Thành phố này đẹp mà nhẹ nhàng, không có ồn ào, kẹt xe, ô nhiễm như các thành phố lớn và giữ lại được nét văn hóa truyền thống. Dung thích đi thăm Đại Nội, lăng tẩm. Mang quà Huế về Mỹ, các bác sĩ bên ấy thích lắm. Lần này trở về, mình cảm thấy thành phố thay đổi, phát triển lên nhiều. Vẻ đẹp Huế cần được giữ gìn, các công trình nên được tôn tạo để du khách khắp nơi đến đây có thể thưởng ngoạn, trải nghiệm.
Vì những lý do như vậy mà mỗi năm, mình luôn kiếm cớ để trở về!
10 năm gắn bó với lĩnh vực này tại Huế cũng như Việt Nam, GS nhận thấy có những thay đổi nào trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ ở đây?
Giải phẫu thẩm mỹ nhìn chung còn có nhiều cơ hội để phát triển ở Việt Nam. Dung rất muốn thiết lập nền tảng, chuẩn hóa để có thể đào tạo những BS có nhu cầu học tập về giải phẫu thẩm mỹ. Giải phẫu thẩm mỹ nhiều khi còn khó hơn cả giải phẫu tạo hình vì đối tượng giải phẫu là người bình thường, họ chỉ muốn làm đẹp thêm hoặc cải thiện tình trạng hiện tại. Kỹ thuật, quy trình thực hiện thẩm mỹ đòi hỏi sự chính xác, chuyên nghiệp.
GS. Dung Nguyễn sinh năm 1974, là Phó khoa Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ, Giám đốc Trung tâm vi phẫu, Giám đốc Trung tâm tái tạo vú sau ung thư, Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ người lớn ở Trường ĐH Stanford (Hoa Kỳ). Bà có nhiều công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí y khoa và là tác giả trong một số đầu sách viết về phẫu thuật thẩm mỹ. GS. Dung Nguyễn vừa được Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế trao tặng danh hiệu “Giáo sư thỉnh giảng”.
Chương trình đào tạo mảng này ở Việt Nam chưa được chuẩn hóa, phát triển như mong đợi. Bản thân mình muốn tìm kiếm cơ hội xây dựng chương trình phẫu thuật thẩm mỹ, đưa các bác sĩ nổi tiếng ở Hàn Quốc, Nhật Bản về đây dạy cho các anh chị em cũng như khám, phẫu thuật cho bệnh nhân. Muốn phát triển và đuổi kịp xu thế, chúng ta cần vươn lên trong phẫu thuật thẩm mỹ!
Nhiều bệnh nhân được phẫu thuật miễn phí, nhiều bác sĩ trong nước có cơ hội nâng cao tay nghề từ các đợt phẫu thuật nhân đạo. Cá nhân bà gặt hái được gì sau những chuyến trở về như thế này?
Dung thích mang những gì học hỏi, tích lũy được chuyển giao cho đồng nghiệp khác, bởi kiến thức là vô tận. Điều đáng giá nhất sau các chuyến công tác là trao cơ hội cho bệnh nhân - những người mong chờ được phẫu thuật tái tạo từ lâu. Vì vậy, Dung rất thích đi tình nguyện. Tương lai, mình muốn kết nối với một số công ty có khả năng ủng hộ nguồn lực, vật tư, thiết bị y tế để giúp đỡ các bệnh viện ở Việt Nam. Trong chuyến về Huế năm nay, những công ty chuyên về lĩnh vực phẫu thuật vi mô đã quyên góp dụng cụ phẫu thuật, trang thiết bị cho các ca mổ, cũng như chương trình đào tạo chuyển giao.
Kỷ niệm nào khiến bà nhớ mãi trong quá trình phẫu thuật ở Huế?
Nhiều lắm, nhớ nhất là mấy năm về trước, một cô gái bị ung thư phải cắt bỏ vú khi còn trẻ. Mang nhiều mặc cảm, cô ấy đến chương trình mong tái tạo lại phần ngực khiếm khuyết vì cảm thấy mình không xứng đáng để lấy chồng. Các y, bác sĩ hôm ấy nghe chuyện đều lấy làm thương cảm. Ê kíp đã giúp cô ấy đạt được ước nguyện. Tình cờ thời gian sau gặp lại, cô ấy trở nên khác hẳn, ăn mặc chỉn chu, gương mặt tươi vui, khoe đã gặp được người chồng như ý và sống rất hạnh phúc.
Tuy chỉ là quá trình tái tạo về mặt hình thức, song Dung không nghĩ lại mang đến cho cô ấy sự thay đổi diệu kỳ đến vậy. Đó là điều hạnh phúc nhất mà người bác sĩ có được sau những ca mổ!
Cảm ơn bà và chúc bà tiếp tục có những chuyến phẫu thuật nhân đạo thành công!
Linh Giang (Thực hiện)
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/y-te-suc-khoe/minh-luon-tim-ly-do-de-tro-ve-153844.html