"Hụt hơi" trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước
Cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, thúc đẩy đổi mới, phát triển nền kinh tế.
Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và thu hút nguồn vốn đầu tư cho thị trường chứng khoán. Các đợt thoái vốn lớn từ DNNN được kỳ vọng giúp tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, từ đó nâng cao giá trị vốn hóa và tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến tháng 2/2025, đã có 118 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360 ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong giai đoạn 2021-2024, đã thoái vốn Nhà nước tại 15 doanh nghiệp với giá trị 405,2 tỷ đồng, thu về 656,9 tỷ đồng.
Đối với tình hình thoái vốn, trong giai đoạn 2021-2024, đã thoái vốn Nhà nước tại 15 doanh nghiệp với giá trị 405,2 tỷ đồng, thu về 656,9 tỷ đồng.
Dự kiến theo kế hoạch năm 2025, số doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn tiếp là 131 đơn vị, kỳ vọng thu về 10.040 tỷ đồng. Như vậy, nếu hoàn thành kế hoạch, riêng trong năm 2025 số đơn vị thoái vốn sẽ cao gấp nhiều lần giai đoạn 2021-2024.
Tuy nhiên trên thực tế, việc thoái vốn hay cổ phần hóa DNNN luôn trong tình trạng chậm chạp. Theo Bộ Tài chính, các quy định về cổ phần hóa DNNN chưa xử lý một số vướng mắc liên quan đến các nội dung về xác định giá trị doanh nghiệp như việc xác định giá trị đất và tài sản, sắp xếp và xử lý đất đai… dẫn đến thời gian xây dựng phương án cổ phần hóa kéo dài, không hoàn thành đúng kế hoạch được giao.
Đặc biệt, Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã được ban hành năm 2017 nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành còn bất cập, chưa cụ thể, nên ảnh hưởng đến việc sắp xếp, xử lý tài sản công tại các DNNN. Về phía doanh nghiệp, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, âm vốn chủ sở hữu, nợ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến công tác cổ phần hóa.
Trên thực tế, từ đầu năm 2025 đến nay, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra 5 thông báo về việc không tổ chức các phiên đấu giá cổ phần và chào bán cạnh tranh tại 3 doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Cụ thể, các phiên đấu giá cổ phần của Công ty Cổ phần Cơ khí Ô tô Uông Bí và Công ty Cổ phần Cơ điện Uông Bí - Vinacomin (UPCoM: UEM) do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam sở hữu, đã bị hủy.
Ngoài 12 doanh nghiệp giữ lại theo dự thảo Đề án cơ cấu lại SCIC, phần lớn các doanh nghiệp còn lại trong danh mục thoái vốn là các đơn vị hoạt động kém hiệu quả, khó bán, thậm chí không có sức hút với nhà đầu tư.
Tương tự, phiên chào bán cạnh tranh cổ phần của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8), do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ, cũng không thể tổ chức.
Ngoài ra, phiên đấu giá cổ phần của Công ty Cổ phần Du lịch Dầu khí Sa Pa, do Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Lào Cai sở hữu, cũng bị hủy bỏ. Riêng với Cienco8, SCIC đã 2 lần công bố hủy tổ chức đấu giá cổ phần, đồng nghĩa với 2 lần thoái vốn bất thành tại doanh nghiệp xây dựng này.
Tình trạng tương tự diễn ra tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE), khi từ đầu năm đến nay, có 3 phiên đấu giá và chào bán cạnh tranh cổ phần tại các doanh nghiệp Nhà nước bị hủy.
Các trường hợp bao gồm phiên đấu giá cổ phần tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO (HoSE: DMC) do SCIC sở hữu; phiên chào bán cổ phần ra công chúng tại Công ty Cổ phần Thương mại Hóc Môn (HNX: HTC) do Công ty Xăng dầu Khu vực II – TNHH MTV nắm giữ; và phiên chào bán cạnh tranh cổ phần tại Công ty Cổ phần Thủy điện Miền Trung (HoSE: CHP) do Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 3 (TV3) sở hữu.
SCIC từng cho biết, ngoài 12 doanh nghiệp giữ lại theo dự thảo Đề án cơ cấu lại SCIC, phần lớn các doanh nghiệp còn lại trong danh mục thoái vốn là các đơn vị hoạt động kém hiệu quả, khó bán, thậm chí không có sức hút với nhà đầu tư.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán DNSE, việc liên tiếp phải hủy các phiên đấu giá phản ánh những khó khăn kéo dài trong quá trình thoái vốn Nhà nước. Một trong những nguyên nhân chính là sự chênh lệch lớn giữa kỳ vọng về giá của bên bán và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn tiềm ẩn nhiều biến động.
"Ông lớn" ì ạch thoái vốn
Là doanh nghiệp đầu ngành, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam - PVN) dù sở hữu nhiều tài sản giá trị và chiếm lĩnh một phần lớn thị trường năng lượng, tập đoàn này vẫn chưa thực hiện cổ phần hóa hoặc thoái vốn tại hầu hết các công ty con và liên kết.
Đơn cử như PVN hiện vẫn là cổ đông lớn nhất tại Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (HoSe: BSR), nắm giữ hơn 92% vốn điều lệ của công ty này. Mặc dù đã thực hiện cổ phần hóa vào năm 2018, với việc bán đấu giá thành công 241.427.969 cổ phần (tương đương 7,79% vốn điều lệ) thu về hơn 5.414 tỷ đồng cho Nhà nước, PVN vẫn duy trì tỉ lệ sở hữu chi phối tại BSR.
PVN vẫn chưa thực hiện cổ phần hóa hoặc thoái vốn tại hầu hết các công ty con và liên kết.
Với doanh thu hàng năm thường vượt mốc 100.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế duy trì ổn định ở mức hàng nghìn tỷ, cùng khả năng tự chủ tài chính trong các dự án lớn như nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, BSR hoàn toàn có thể xem là một doanh nghiệp đủ lớn để hoạt động độc lập, không cần sự bảo trợ trực tiếp từ PVN.
Hay Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã thực hiện một số bước cổ phần hóa tại các đơn vị nhỏ hơn trong tập đoàn, nhưng việc cổ phần hóa các công ty lớn của TKV vẫn chưa có tiến triển mạnh mẽ. Đặc biệt, những khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản và nợ xấu vẫn là rào cản lớn.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh (UEH), khi cổ phần hóa, DNNN buộc phải tuân thủ các yêu cầu về công bố thông tin, công khai minh bạch chặt chẽ hơn.
Như vậy, nhiều yếu kém của doanh nghiệp có thể bị lộ diện và chịu sự giám sát gắt gao hơn của dư luận. Điều này cũng làm giảm động lực cổ phần hóa của các DNNN.
Hơn nữa, vấn đề lớn trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn là thiếu minh bạch trong định giá tài sản, đặc biệt là tài sản đất đai. Điều này dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư. Chưa kể, tiến trình cổ phần hóa còn chậm do thủ tục pháp lý phức tạp và thiếu sự đồng bộ giữa các cơ quan chức năng.
Bài học từ những thương vụ thoái vốn thành công
Sau khi cởi "tấm áo hẹp" của DNNN, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - HoSE: VNM), Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – HoSE: SAB) đã có sự chuyển mình ngoạn mục, tăng vọt về vốn điều lệ, doanh thu và lợi nhuận.
Quay lại năm 2003, Vinamilk khi ấy vẫn còn là một DNNN bước vào hành trình đổi mới khi thực hiện cổ phần hóa. Với vốn điều lệ ban đầu chỉ 1.590 tỷ đồng, ít ai có thể hình dung được rằng 22 năm sau, doanh nghiệp này sẽ trở thành "người khổng lồ" trong ngành sữa, không chỉ tại Việt Nam mà còn vươn mình ra thị trường thế giới khi giá trị vốn hóa vượt là 5,2 tỷ USD - tăng hơn 50 lần so với mức được đánh giá khi niêm yết là 100 triệu USD.
Hai thập kỷ trôi qua, Vinamilk đã viết nên một câu chuyện thành công đầy ấn tượng. Năm 2024, công ty ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 61.824 tỷ đồng, tương đương gần 170 tỷ đồng mỗi ngày. Lợi nhuận sau thuế đạt 9.453 tỷ đồng, vượt nhẹ so với kế hoạch, nhờ vào chiến lược kiểm soát chi phí hiệu quả và linh hoạt trong điều hành. Đặc biệt, thị trường nước ngoài tiếp tục là điểm sáng khi đóng góp gần 11.000 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng hơn 12% so với năm trước đó.
Sau khi cởi “tấm áo hẹp” của DNNN, Vinamilk lột xác trở thành doanh nghiệp đầu ngành trong ngành sữa.
Tài sản của công ty cũng tăng đều đặn, đạt hơn 55.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024, trong đó gần một nửa là tiền mặt và các khoản tương đương tiền cho thấy sức khỏe tài chính vững chắc, đủ khả năng đầu tư dài hạn và mở rộng hệ sinh thái sản phẩm.
Tương tự như Vinamilk, thay đổi toàn diện về chiến lược kinh doanh cũng là nhân tố chính giúp Sabeco tiếp tục dẫn đầu ngành rượu bia - nước giải khát tại thị trường Việt Nam.
Tại thời điểm tháng 11/2017, khi có thông tin đầu tiên về bán cổ phần Nhà nước tại Sabeco, có nhiều ý kiến thương hiệu Việt sẽ dần biến mất và thay thế bằng thương hiệu Thái Lan do cổ đông lớn nhất là doanh nghiệp Thái Lan - ThaiBev. Nhà đầu tư cũng đặt vấn đề về hiệu quả hoạt động của Sabeco khi nhiều chỉ tiêu doanh thu - lợi nhuận năm 2018 bị bỏ lại phía sau kế hoạch.
Nhưng Sabeco đã không để những hoài nghi kéo dài. Bắt đầu từ năm 2019, công ty tiến hành một cuộc tái cấu trúc toàn diện về mô hình vận hành, từ quản trị đến sản xuất và phân phối. Mất năm đầu tiên để kiện toàn bộ máy điều hành với các nhân sự chủ chốt từ ThaiBev, Sabeco đạt đỉnh doanh thu vào năm 2019 với con số kỷ lục gần 38.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2 năm tiếp theo, doanh số của Sabeco lao dốc mạnh trước khi phục hồi vào năm 2022.
Đến năm 2024, Sabeco ghi nhận 31.782 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 4.495 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 4% và 5% so với năm 2023. Chiến lược marketing mạnh mẽ, với khoản chi hơn 2.500 tỷ đồng cho quảng cáo và khuyến mãi trong năm 2024, giúp Sabeco tiếp tục duy trì được sự hiện diện vững chắc trong lòng người tiêu dùng.
Mặc dù gặp phải sự suy giảm trong vốn hóa thị trường trong năm 2024, Sabeco vẫn duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành bia Việt Nam nhờ vào chiến lược mở rộng sản xuất, tăng cường sở hữu tại các công ty thành viên và chú trọng đến lợi ích cổ đông. Tính đến 4/2025, vốn hóa thị trường của Sabeco đạt khoảng 64.065 tỷ đồng.
Có thể thấy rằng, sự thành công của các thương vụ cổ phần hóa lớn như Vinamilk, Sabeco không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ mà còn tạo ra làn gió mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi các "ông lớn" Nhà nước được niêm yết, thị trường chứng khoán trở nên đa dạng hơn về ngành nghề, tăng độ sâu và quan trọng nhất là nâng cao niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Những doanh nghiệp sau cổ phần hóa buộc phải minh bạch hơn, vận hành hiệu quả hơn, từ đó trở thành những "trụ cột vốn hóa" trên thị trường, đóng góp lớn vào chỉ số VN-Index và thanh khoản thị trường. Cũng nhờ đó, nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn chất lượng, từ cổ phiếu tăng trưởng đến cổ phiếu cổ tức ổn định.
Hơn nữa, nếu tiến trình cổ phần hóa được đẩy mạnh đúng hướng trong thời gian tới, dòng vốn từ khối ngoại - vốn đang quan sát sát sao thị trường Việt Nam - hoàn toàn có thể được kích hoạt mạnh mẽ. Đây là bước đệm quan trọng để hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, một cột mốc được kỳ vọng sẽ thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Nguyễn Thu Huyền