Đây là Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng, mở đường cho cuộc cách mạng mới về khoa học và công nghệ, đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường.
Bất cứ quốc gia nào muốn phát triển đều ưu tiên lựa chọn và tập trung đầu tư cho khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Đối với Việt Nam, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chính là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc.
Tại sao lại như vậy? Là bởi, xuất phát điểm của chúng ta thấp hơn nhiều quốc gia trên thế giới. Tốc độ và sự bứt phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của chúng ta còn chậm. Quy mô, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển. Trong khi đó, chúng ta cũng còn nhiều rào cản, nút thắt kìm hãm sự phát triển. Đơn cử, các nhà khoa học phải mất đến khoảng 50% thời gian, công sức dành cho các thủ tục... Chưa kể, nguồn lực dành cho khoa học công nghệ của chúng ta chiếm chưa đến 0,7% GDP…
Với quyết tâm của cả dân tộc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong 7 định hướng chiến lược được Đảng ta xác định phải thực hiện thật tốt. Với ý nghĩa đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, xác định 7 đột phá để tháo gỡ những rào cản, khơi thông điểm nghẽn, tạo ra những cơ chế vượt trội, bố trí nguồn lực xứng đáng và quan trọng hơn là có cơ chế, chính sách để động viên, khích lệ, thu hút, huy động tối đa nguồn lực chất xám của các nhà khoa học chung sức, đồng lòng, tạo ra “cây gậy thần” đưa đất nước phát triển giàu mạnh.
Đặc biệt, để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TƯ nhanh chóng đi vào cuộc sống, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ… phân công rõ người, rõ việc, rõ lộ trình phấn đấu thực hiện. Ngay trong năm nay, chúng ta sẽ xây dựng 27 luật và 19 nghị định để thể chế hóa Nghị quyết. Tiếp đó, Chính phủ bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách cho lĩnh vực này và tiếp tục nâng tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ lên mức 2% GDP trong 5 năm tiếp theo. Cùng với đó là hàng loạt công việc sẽ được triển khai như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ban hành cơ chế thu hút nhân tài, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ; đẩy mạnh hợp tác, tận dụng tri thức của quốc tế để phát triển.
Sẽ có rất nhiều việc chúng ta cần làm, còn nhiều khó khăn phải vượt qua. Nhưng có một niềm tin sâu sắc rằng, Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị sẽ mở đường cho cuộc cách mạng mới về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Mục tiêu phấn đấu: Quy mô kinh tế số tới năm 2030 tối thiểu đạt 30% GDP; đến năm 2045, tỷ lệ này ít nhất là 50%; Việt Nam phải trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số sẽ sớm được hiện thực hóa.
“Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn. Lãnh đạo các cấp cần coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; các nhà khoa học, doanh nghiệp hãy cống hiến, sáng tạo; người dân cần đồng hành, học hỏi, nâng cao kỹ năng số”, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm thúc giục mỗi chúng ta cùng đoàn kết, tạo thành sức mạnh để bước vào cuộc cách mạng mới trong kỷ nguyên mới.
Nguyên Bình