Đến dự đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại đại hội. Ảnh: Ban tổ chức
Đại hội Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đứng trước thời điểm có tính lịch sử với những thuận lợi rất to lớn, tiến bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Trong chương trình, đại hội đã tiến hành bầu đoàn Chủ tịch Đại hội gồm 7 đồng chí; bầu 103 đại biểu chính thức vào Ban Chấp hành khóa XIV; ra mắt Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV. Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, là tân Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV.
Ông Nguyễn Khánh Ngọc là tân Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. Ảnh: Ban tổ chức
Đại hội đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ và nhất trí thông qua các văn kiện quan trọng. Đó là Báo cáo tổng kết công tác Hội khóa XIII, nhiệm kỳ 2019-2024 và phương hướng, nhiệm vụ khóa XIV, nhiệm kỳ 2024-2029; Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam (sửa đổi, bổ sung); Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa XIII và thông qua Nghị quyết Đại hội.
Trong khuôn khổ đại hội, TS Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khóa XIII đã vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ qua đã đạt được.
Đồng chí Phan Đình Trạc nêu rõ, từ Đại hội XI đến nay, Đảng ta đều xác định đột phá về thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, nhất là thể chế phát triển. Để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, công tác xây dựng pháp luật phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đòi hỏi ở tầm cao mới, thật sự tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.
"Do đó, rất cần sự đóng góp nhiều hơn nữa, chất lượng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa của giới luật gia Việt Nam cả nước trong khâu công tác quan trọng này, để hệ thống pháp luật của chúng ta đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xây dựng pháp luật", Trưởng ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.
Đồng chí Phan Đình Trạc nêu rõ các nội dung trọng tâm mà Hội Luật gia Việt Nam cần chú trọng thực hiện trong nhiệm kỳ mới. Đó là nâng cao chất lượng, tham gia xây dựng chính sách pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật trong chương trình xây dựng luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, rà soát kiến nghị, khắc phục những sơ hở, bất cập của cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật, trong đó đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.
Đồng thời, Hội Luật gia Việt Nam cần chủ động, tăng cường phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam về giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở địa phương.
Hội cần làm tốt hơn nữa và phấn đấu trở thành một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, khẩn trương hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy Hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, rà soát đánh giá yêu cầu để đề xuất thành lập tổ chức Hội Luật gia với những bộ, ngành địa phương có đủ điều kiện; nghiên cứu giải thể Hội Luật gia, chi hội luật gia, trung tâm tư vấn pháp luật hoạt động không hiệu quả, mang tính hình thức.
Hà Phong