Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia (ảnh: Ngọc Hậu)
Theo ông Tuấn, Nghị quyết 66 mang đến một yêu cầu mang tính "đột phá của đột phá" trong việc hoàn thiện thể chế. Nghị quyết này tập trung vào việc xây dựng một môi trường pháp lý thực sự thuận lợi, thông thoáng, minh bạch và an toàn cho doanh nghiệp. Mục tiêu cốt lõi là giảm thiểu chi phí tuân thủ, triệt để cắt giảm và đơn giản hóa các điều kiện đầu tư, kinh doanh, hành nghề cũng như các thủ tục hành chính bất hợp lý. Đồng thời, Nghị quyết 66 còn thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách ổn định.
Ngoài ra, Nghị quyết 66 còn đề ra yêu cầu thường xuyên đánh giá hiệu quả của pháp luật sau khi ban hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và xây dựng cơ chế để kịp thời nhận diện, xử lý tổng thể, đồng bộ các "điểm nghẽn" pháp lý.
Về Nghị quyết 68, các chuyên gia đều nhận định đây là một “bước ngoặt” thực sự về tư duy đối với kinh tế tư nhân. Trước đây, khu vực này thường đối diện với nhiều rào cản và hạn chế, nhưng Nghị quyết 68 đã khẳng định "kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia".
Nghị quyết này đặt ra mục tiêu đầy tham vọng đến năm 2030 sẽ có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, tương đương 20 doanh nghiệp trên 1.000 dân. Việt Nam cũng phấn đấu có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, đóng góp khoảng 55-58% GDP và trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á. Đến năm 2045, mục tiêu là có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động, đóng góp trên 60% GDP.
Một điểm đặc biệt quan trọng của Nghị quyết 68 là chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh doanh của doanh nghiệp. Khi xử lý các sai phạm dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự, kinh tế, hành chính trước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động khắc phục.
Trường hợp có thể dẫn đến xử lý hình sự, kiên quyết không áp dụng. Nếu đến mức phải xử lý hình sự, ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế và coi đây là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp tiếp theo.
Nghị quyết cũng nghiêm cấm hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp và yêu cầu sớm có kết luận đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, tránh ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử cũng được bảo đảm.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Việt Nam đang chứng kiến một sự thay đổi "với tốc độ nhanh chưa từng có" trong việc thảo luận, sửa đổi và ban hành chính sách, pháp luật. Mặc dù điều này có thể giúp giải quyết nhanh chóng các vấn đề cấp thiết của người dân và doanh nghiệp, nhưng tốc độ quá nhanh cũng tiềm ẩn rủi ro lớn hơn cho người kinh doanh.
"Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt nhanh và hiểu sâu sắc hơn về các chính sách, luật pháp liên quan để cập nhật, điều chỉnh chiến lược và khai thác đúng cơ hội trong làn sóng chính sách mới," bà Hạnh khuyến nghị.
Ngọc Hậu