Mở đường phát triển điện mặt trời mái nhà

Mở đường phát triển điện mặt trời mái nhà
8 giờ trướcBài gốc
Sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời giúp giảm hóa đơn điện hàng tháng. Năng lượng được sản xuất từ hệ thống điện mặt trời có thể tự cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của gia đình hoặc doanh nghiệp.
Nhiều đơn vị sử dụng điện năng lượng mặt trời.
Đây là nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải CO2 và các khí gây ô nhiễm khác, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Các bất động sản có hệ thống điện năng lượng mặt trời thường có giá trị cao hơn và thu hút nhiều người mua hơn, do tiết kiệm chi phí và tính bền vững.
Sử dụng năng lượng mặt trời giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch và mang lại sự độc lập về năng lượng cho hộ gia đình hoặc doanh nghiệp. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời, như giảm thuế, hỗ trợ tài chính, hay chương trình mua lại điện.
Khu trang trại tổng hợp sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái nhà.
Hệ thống điện mặt trời áp mái thường dễ dàng lắp đặt và bảo trì, với nhiều công ty cung cấp dịch vụ lắp đặt chuyên nghiệp. Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng vô tận và bền vững, giúp đảm bảo cung cấp năng lượng cho các thế hệ tương lai.
Sử dụng năng lượng mặt trời giúp đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, giảm rủi ro từ sự biến động của giá năng lượng truyền thống.
Cơ quan chức năng tạo điều kiện cho điện năng lượng mặt trời áp mái nhà.
Theo lãnh đạo Sở Công thương Thanh Hóa, việc phát triển điện mặt trời mái nhà được Chính phủ khuyến khích theo hình thức tự sản xuất, tự tiêu thụ; quy định tại Nghị định 58/2025/NĐ-CP ngày 03/3/2025 của Chính phủ.
Sở Công Thương Thanh Hóa có trách nhiệm cấp giấy đăng ký phát triển cho tổ chức, cá nhân phát triển nguồn điện có công suất lắp đặt từ 1.000 kW trở lên; Phát triển nguồn điện có công suất lắp đặt nhỏ hơn 1.000 kW không bán sản lượng điện dư nhưng có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký phát triển.
Hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái nhà tại Yên Định.
Phát triển nguồn điện có công suất lắp đặt nhỏ hơn 1.000 kW đăng ký bán sản lượng điện dư vào lưới điện của Bên mua điện dư (trừ hộ gia đình phát triển nguồn điện có công suất nhỏ hơn 100 kW trên mái công trình nhà ở riêng lẻ).
Các đối tượng khác, Sở Công Thương chỉ thực hiện việc tiếp nhận thông báo phát triển của cá nhân, tổ chức. Về trình tự thông báo phát triển, cấp giấy chứng nhận được thực hiện và công khai qua cổng dịch vụ công.
So với trước thời điểm ngày 01/01/2021, các quy định này đã rất mở cho phát triển điện năng lượng mặt trời mái nhà. Chủ đầu tư thực hiện trình tự thủ tục đấu nối, nghiệm thu và ký hợp đồng với Công ty Điện lực Thanh Hóa dựa trên cơ sở quy định tại Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 Quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời, theo đó trình tự.
Bên bán điện đăng ký đấu nối với Bên mua điện các thông tin bao gồm địa điểm lắp đặt, quy mô công suất (không quá 01 MW và 1,25 MWp), đường dây tải điện, điểm đấu nối dự kiến.
Bên mua điện có ý kiến về khả năng đấu nối, truyền tải công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà của Bên bán điện đăng ký đấu nối lên hệ thống lưới điện của Bên mua điện; Bên bán điện và Bên mua điện thực hiện thỏa thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà của Bên bán điện vào hệ thống lưới điện của Bên mua điện; Bên bán điện thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô phù hợp với quy định.
Bên bán điện gửi hồ sơ đề nghị bán điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà bao gồm văn bản đề nghị bán điện, tài liệu kỹ thuật về tấm quang điện mặt trời, bộ biến đổi điện từ một chiều sang xoay chiều (bộ nghịch lưu); đường dây tải điện, máy biến áp (nếu có); giấy chứng nhận xuất xưởng, chứng nhận chất lượng thiết bị.
Các bên thực hiện kiểm tra kỹ thuật, lắp đặt công tơ đo đếm sản lượng điện, chốt chỉ số công tơ, ký hợp đồng mua bán điện và đóng điện, đưa hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành.
Hiện tại khu vực Yên Định (Thanh Hóa) có 5 dự án được mặt trời mái nhà được đưa vào hoạt động từ trước 31/12/2020; tại thời điểm việc phát triển điện mặt trời mái nhà tuân thủ theo quy định tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Theo đó, Chủ đầu tư thực hiện trình tự thủ tục đấu nối, nghiệm thu và ký hợp đồng với Công ty Điện lực Thanh Hóa trên cơ sở quy định tại Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020.
Cụ thể, Công ty TNHH Cát Tường TH, dự án đã đưa vào vận hành vào tháng 12/2020, đã ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Thanh Hóa ngày 13/12/2020; công suất: 1232kWp. Công ty TNHH NLM Cường Thịnh, dự án đã đưa vào vận hành vào tháng 12/2020, đã ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Thanh Hóa ngày 24/12/2020; công suất: 1162kWp.
Còn có Công ty TNHH Đức Thịnh Hà Nội, dự án đã đưa vào vận hành vào tháng 12/2020, đã ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Thanh Hóa ngày 24/12/2020; công suất: 1232kWp. Công ty TNHH Kim Sơn Sơn La, dự án đã đưa vào vận hành vào tháng 12/2020, đã ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Thanh Hóa ngày 13/12/2020; công suất: 1210kWp.
Công ty TNHH MTV Thảo Chi SOLAR, dự án đã đưa vào vận hành vào tháng 12/2020, đã ký hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Thanh Hóa ngày 13/12/2020; công suất: 1232kWp.
Trong thời gian tới, các đơn vị sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà có hiệu quả, an toàn, giảm mức tiêu thụ điện năng, nhất là thời điểm nắng nóng.
Thanh Phương
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/mo-duong-phat-trien-dien-mat-troi-mai-nha-484306.html