Mô hình hiệu quả cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Mô hình hiệu quả cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số
6 giờ trướcBài gốc
Hiện nay, tất cả các xã, thị trấn ở huyện Hoàng Su Phì đã thành lập mô hình “Chi hội số”. Ảnh: Phương Liên
Chỉ hai tuần sau lễ ra mắt điểm mô hình “Chi hội số” - gặp mặt phụ nữ đi lao động ngoài địa bàn diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại xã Thèn Chu Phìn - một xã có đông đồng bào Mông và có nhiều chị em rời nhà đi làm ăn xa, 24 “Chi hội số” thuộc 24 xã, thị trấn trong huyện Hoàng Su Phì đã được thành lập theo đúng tiến độ. Hội viên tham gia “Chi hội số” là chị em từ đủ 18 tuổi, có hộ khẩu tại xã, thị trấn trong huyện, đang đi lao động ngoài địa bàn, có nguyện vọng tham gia sinh hoạt chi hội phụ nữ. Tính từ thời điểm thành lập đến ngày 30/9/2024, số lượng hội viên “Chi hội số” là 384 trên tổng số 587 phụ nữ rời địa phương đi lao động. “Môi trường số” là các nhóm trên mạng xã hội Zalo.
Chị Xạ Thị Xuân được giao đảm nhận trọng trách Chi hội trưởng “Chi hội số” xã Tân Tiến cho biết, tiêu chuẩn để giữ cương vị này phải là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã nhằm đảm bảo việc kết nối, nắm bắt tình hình hội viên và triển khai các hoạt động công tác Hội; chủ động cập nhật thông tin trên nhóm Zalo; có kỹ năng điều hành sinh hoạt chi hội; có khả năng thuyết phục, tập hợp hội viên.
Còn theo chị Ma Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Thèn Chu Phìn, tham gia “Chi hội số”, chị em tổ chức các hoạt động theo Điều lệ Hội trên ứng dụng Zalo bằng cách đăng tải, tương tác, trao đổi thông tin cần thiết về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình thời sự có thể tác động trực tiếp đến hội viên; cập nhật những câu chuyện, bài học mang tính giáo dục, nêu gương nhằm định hướng tư tưởng cho chị em khi đi làm ăn xa nhà; gửi các thông tin liên quan đến tuyển dụng lao động, mức thu nhập, chế độ đãi ngộ... để hội viên biết, tham khảo lựa chọn công việc phù hợp. Hội LHPN xã, thị trấn có trách nhiệm nghiên cứu cơ chế, chính sách của tỉnh, huyện hỗ trợ người lao động khi đi lao động ngoài tỉnh để tư vấn cho hội viên thụ hưởng quyền lợi; kịp thời hỗ trợ gia đình hội viên có người nhà neo đơn, con nhỏ, gặp tình huống bất trắc... Bên cạnh đó, có hình thức tập hợp, liên kết kinh tế, xây dựng mô hình phát triển kinh tế giữa các hội viên. Qua nghe phổ biến nội dung, hình thức sinh hoạt như vậy, các chị em đi làm xa nhà đều nhận thấy sự liên kết đó là phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu nên nhất trí cao, ủng hộ việc thành lập “Chi hội số”.
Bà Lù Thị Lâm, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hoàng Su Phì chia sẻ, thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII về “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”, mô hình “Chi hội số” ra đời là một sáng kiến của Hội LHPN huyện trước thực trạng hội viên đi làm ăn xa ngày càng nhiều. Tuy di cư khỏi địa bàn để tìm sinh kế của phụ nữ nông thôn là nhu cầu chính đáng, nhưng việc này kéo theo một số hệ lụy như triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội dung công tác Hội đến hội viên làm ăn xa khó kịp thời. Đặc biệt, việc duy trì sĩ số hội viên là một thách thức đối với công tác Hội ở vùng nông thôn. Một số hội viên xin thôi không tham gia Hội do không có mặt tại địa phương để sinh hoạt theo đúng Điều lệ, dẫn đến giảm số lượng hội viên.
Mặt khác, phụ nữ ở địa phương phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế về trình độ, nhận thức nên việc rời địa bàn đi làm ăn xa được dự báo trước là sẽ gặp nhiều khó khăn như: không nắm được thông tin tuyển dụng lao động chính thống từ ngành Lao động, Thương binh và Xã hội; nguy cơ bị bóc lột sức lao động, không đảm bảo chế độ đãi ngộ, bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe; cá biệt có trường hợp bỏ bê nhà cửa, cha mẹ già, con nhỏ. Cũng do trình độ, nhận thức chưa cao nên dù đã rời địa bàn, nhưng ít chị em khai báo với chính quyền và Công an, khiến địa phương gặp khó khăn trong quản lý công dân... Thực tế này đòi hỏi các cơ sở Hội cần có sự quan tâm, vào cuộc để phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của hội viên nói riêng, lao động nữ nói chung và góp phần cùng chính quyền địa phương quản lý công dân đi lao động ngoài địa bàn.
Sau hơn nửa năm “Chi hội số” đi vào hoạt động, bà Lù Thị Lâm thông tin những kết quả hết sức khả quan. Đó là các nhóm Zalo đã nhận được trên 4.000 lượt tương tác trao đổi giữa chi hội trưởng và thành viên, giữa các thành viên với nhau; 27 câu chuyện tấm gương, bài học cảnh giác, 274 lượt đăng tải văn bản về chủ trương, chính sách liên quan đến quyền lợi, lao động, việc làm; 104 hội viên tìm được việc làm phù hợp qua thông tin nắm bắt trên nhóm; 92 chị liên kết với nhau, hình thành 17 nhóm làm việc cùng nhau tại các công ty, nhà máy để tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống; 2 chị được giúp đỡ đưa đi viện lúc ốm đau. Hội LHPN xã, thị trấn cũng đã dành sự quan tâm nhiều hơn đến gia đình, thân nhân của hội viên đi làm ăn xa, nhất là gia đình có người già, con nhỏ, người ốm. Thời gian qua, đã có 27 sự trợ giúp của Hội LHPN xã và hội viên ở lại địa bàn với các gia đình hội viên đi làm ăn xa như: đưa người nhà bị ốm đi viện, mua thuốc cho con nhỏ bị ốm, đưa con đi tiêm phòng..., giúp hội viên xa nhà yên tâm làm việc và làm tăng tính liên kết cộng đồng giữa các hội viên.
Với cách thức thành lập và phương châm vận hành là lấy người phụ nữ đi lao động xa nhà làm trung tâm, bước đầu, mô hình “Chi hội số” đã giải quyết được căn bản các vấn đề thực tiễn đặt ra, vừa là sợi dây liên kết để chị em chia sẻ thông tin, kịp thời hỗ trợ nhau khi sống xa nhà, cùng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng quản lý công dân đi lao động ngoài địa bàn, vừa góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Việc thành lập mô hình “Chi hội số” tuy làm tăng số chi hội ở cơ sở, song vẫn đúng theo Điều lệ Hội, quan trọng hơn là góp phần giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn đời sống.
Phương Liên
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/mo-hinh-hieu-qua-cho-phu-nu-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post481868.html