Tuyên Quang: Chú trọng công tác đào tạo nghề, việc làm cho lao động nông thôn

Tuyên Quang: Chú trọng công tác đào tạo nghề, việc làm cho lao động nông thôn
4 giờ trướcBài gốc
Sơn Dương là huyện miền núi, có 30 xã và 01 thị trấn với 400 thôn, tổ dân phố; có 22 dân tộc với 213.536 khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 47% dân số toàn huyện.
Làng văn hóa thôn Tân Lập, Tân Trào là một trong những địa danh nổi tiếng thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách thăm quan hàng năm.
Là địa phương có nguồn lao động dồi dào, nhất là khu vực nông thôn. Tuy nhiên, do lao động còn hạn chế về tay nghề nên chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Xác định được vai trò của nguồn nhân lực có chất lượng để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động ngày càng cao, muốn vậy chỉ có giải pháp duy nhất là tập chung tăng cường đào tạo, đào tạo lại, nhất là với lực lượng lao động lớn ở vùng nông thôn.
Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của Huyện ủy, UBND, HĐND và các ngành chức năng đã bám sát triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025, với tinh thần: “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; xây dựng huyện Sơn Dương phát triển nhanh, bền vững”.
Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Sơn Dương nói riêng trong những năm qua đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Đây chính là động lực căn cơ để người lao động nói chung và người nghèo nói riêng trên địa bàn huyện từng bước tiến tới giảm nghèo nhanh, bền vững, góp phần lớn để năm 2025 toàn huyện có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
Người lao động huyện Sơn Dương được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội huyện Sơn Dương và các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức Hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm. Ảnh: BTQ.
Thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Sơn Dương đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, nhất là lao động các xã ở vùng nông thôn, lao động thuộc đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phù hợp, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn ngành nghề.
Phòng Dân tộc huyện Sơn Dương đã chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể trong huyện và chính quyền các xã, thị trấn rà soát số lượng lao động đã và chưa qua đào tạo; tìm hiểu về nhu cầu học nghề của người lao động. Từ đó xây dựng chương trình phối hợp cụ thể cho lực lượng lao động được học nghề, thực hành, cấp chứng chỉ,…tạo điều kiện để người lao động tự tin tìm việc làm ở các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang,… giúp cho người lao động nông thôn có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo; đưa cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Người lao động ở các xã vùng nông thôn huyện Sơn Dương được tham gia lớp học đào tạo nghề may từ Chương trình MTQG. Ảnh: BTQ.
Phòng Dân tộc đã chủ động phối hợp với các phòng chức năng, UBND xã, thị trấn đẩy mạnh công tác triển khai, phổ biến, tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như: tổ chức các hội nghị triển khai các chính sách, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, UBND huyện về thúc đẩy phát triển GDNN, tạo việc làm bền vững và nâng cao hiệu quả công tác giới thiệu NLĐ đi làm việc ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm cho NLĐ, nhất là lao động nông thôn, lao động thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động có thu nhập thấp, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự... theo đúng chủ trương của Đảng, nhà nước về các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo số liệu báo cáo của Phòng Dân tộc, huyện đã triển khai thực hiện Tiểu dự án 3 (Dự án 5) Chương trình MTQG: Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN từ năm 2022-2024 là 77 lớp, với 2.695 học viên. Cụ thể: Tổ chức các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, nhóm I: Thực hiện tuyển sinh, đào tạo 27 lớp, với 945 học viên (lớp 1 tháng); Nhóm II: Thực hiện tuyển sinh, đào tạo 06 lớp, với 210 học viên (lớp 2 tháng); Nhóm III: Thực hiện tuyển sinh, đào tạo 14 lớp với 1.540 học viên (lớp 3 tháng).
UBND huyện chỉ đạo các phòng chức năng hàng năm đều tổ chức Ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm để người lao động được tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền trên báo, đài. Cung cấp các tài liệu, nội dung, sổ tay, cẩm nang, tờ rơi về những quy định, chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm,…tạo điều kiện thuận lợi để NLĐ được làm việc ở mọi nơi theo nguyện vọng và khả năng tay nghề phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Ba – Phó Chủ tịch xã Đông Thọ cho biết: “Tổng số lao động toàn xã là 6.736; lao động qua đào tạo 4.760; người có chứng chỉ, bằng cấp 1.481. Thu nhập bình quân lao động đạt từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Đây là lực lượng có đóng góp quan trọng cho phát triển KT – XH của xã trong nhiều năm qua. Xã mong muốn tiếp tục được các Chương trình MTQG hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Khi được đào tạo nghề, người lao động tự tin hơn để đi tìm việc làm phù hợp, giúp phát triển kinh tế gia đình”.
Theo báo cáo Sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới của Sở Lao động Thương binh và xã hội Tuyên Quang có nêu: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện chưa được sử dụng nguồn vốn được phân bổ tại Tiểu dự án 1 (Dự án 4) và Tiểu dự án 3 (Dự án 5) thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động đào tạo nghề do không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Vì thế đã hạn chế trong việc đào tạo nghề cho người lao động có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật cao.
Để khắc phục những hạn chế trên và nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn, huyện Sơn Dương đang tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trong đó trọng tâm là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị đối với công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên lãnh, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Flamingo Tân Trào, Sơn Dương khi hoàn thiện sẽ trở thành Khu du lịch quốc gia đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang. Là điểm nhấn bừng sáng tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào.
Tiếp tục hoàn thiện, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; cập nhật nghề, chuẩn hóa nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động; pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp; các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn; đáp ứng xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp phục vụ cho công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả; nhanh chóng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chương trình, giáo trình đào tạo; tránh tình trạng “dạy chay, học chay”, gây khó cho người lao động khi đi làm thực tế.
Với những thành tựu đã đạt được cùng những mục tiêu cụ thể đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sơn Dương lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025. Chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là dạy nghề và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động ở nông thôn chắc chắn sẽ được chú trọng và đặc biệt quan tâm. Đây là nguồn lực sẽ có đóng góp to lớn cho mục tiêu 100% các xã về đích đạt chuẩn nông thôn mới.
Xuân Trường
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tuyen-quang-chu-trong-cong-tac-dao-tao-nghe-viec-lam-cho-lao-dong-nong-thon-10291984.html