Nợ xấu có xu hướng gia tăng những tháng đầu năm 2025. Ảnh minh họa. Nguồn: ST
Áp lực nợ xấu gia tăng
Thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2025 của các ngân hàng cho thấy, nợ xấu tại nhóm các ngân hàng niêm yết tiếp tục xu hướng gia tăng, với tổng giá trị trên 266 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ và hơn 16% so với cuối năm 2024, tương đương mức tăng khoảng 37 nghìn tỷ đồng.
Có tới 22/28 ngân hàng ghi nhận quy mô nợ xấu tăng so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó, 14 nhà băng giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3% tăng lên 8, trong khi đầu năm chỉ có 7 ngân hàng.
Các nhóm nợ đều có sự gia tăng. Nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng hơn 37%, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng gần 13%, trong khi nợ nghi ngờ (nhóm 4) chỉ tăng hơn 5%.
So với cùng kỳ năm 2024, quy mô nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng mạnh. Các ngân hàng lớn tiếp tục dẫn đầu về quy mô nợ xấu. Một số ngân hàng tư nhân có quy mô vừa và nhỏ cũng chứng kiến mức tăng cao.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng đang là áp lực đối với ngành ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021-2025 và Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực đưa đất nước ta tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.
Lý giải về việc nợ xấu gia tăng, NHNN cho biết, nguyên nhân chủ yếu do kinh tế toàn cầu còn nhiều rủi ro và thách thức; kinh tế trong nước vẫn gặp không ít khó khăn, chịu tác động khó lường của tình hình thế giới và diễn biến phức tạp của thiên tai.
Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh trong quý I/2025 là hệ quả từ: Di chứng Covid-19 kéo dài, thiệt hại do thiên tai, kết thúc chính sách giãn nợ (Thông tư 02), xuất khẩu suy giảm và hệ thống xử lý nợ bảo đảm chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, khó khăn trong xử lý tài sản bảo đảm và thị trường mua bán nợ xấu cũng là nguyên nhân khiến nợ xấu gia tăng.
Ông Nguyễn Quang Huy - chuyên gia tài chính, ngân hàng
Cùng với đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu, thị trường bất động sản phục hồi còn chậm; thị trường mua bán nợ chưa phát triển như kỳ vọng. Đặc biệt, một số nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của TCTD (Nghị quyết 42) chưa được luật hóa. Điều này đã ảnh hưởng đến việc xử lý, thu hồi nợ của một số TCTD và tổ chức mua bán, xử lý nợ. Cùng với đó, năng lực quản trị của một số TCTD còn bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng và mức độ rủi ro - NHNN khẳng định.
Chung quan điểm, Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần quốc tế (VIB) Đặng Khắc Vỹ cho biết, quá trình thu hồi nợ từ khách hàng cá nhân trở nên đặc biệt khó khăn và đang tác động mạnh đến các ngân hàng bán lẻ như VIB do Nghị quyết 42 chưa được luật hóa. Ngân hàng nhiều lần kiến nghị tháo gỡ điểm nghẽn này và kỳ vọng vào việc luật hóa Nghị quyết 42 tới đây. “Đây sẽ là cột mốc quan trọng với toàn ngành ngân hàng, khi các khoản nợ cá nhân có thể được xử lý nhanh chóng, qua đó đóng góp tích cực vào lợi nhuận” - ông Vỹ nhấn mạnh.
Luật hóa các quy định tại Nghị quyết 42
Việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết 42 được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho TCTD và tổ chức mua bán nợ xử lý nhanh chóng các khoản nợ tồn đọng. Ảnh: ST
Để “mở lối” cho các TCTD trong việc xử lý các khoản nợ tồn đọng, Chính phủ đã giao NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, trong đó có việc luật hóa Nghị quyết 42 theo đúng quy định pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn, nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD.
Dự kiến ngày mai, 20/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD trước Quốc hội. Ngày 29/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường và ngày 17/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự án Luật này.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời dựa trên các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, NHNN đã khẩn trương xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD. Việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết 42 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ thực hiện các quyền hợp pháp của mình trong việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn cũng như tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, việc xây dựng chính sách đảm bảo cân bằng giữa quyền lợi hợp pháp của TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ với các quyền hợp pháp của bên bảo đảm bằng tài sản, tránh tạo ra sự bất đối xứng giữa bên cho vay và bên đi vay.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD còn sửa đổi, bổ sung thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt của NHNN theo hướng chuyển thẩm quyền quyết định từ Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp khoản cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, khoản cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm) thành NHNN nhằm triệt để phân cấp, phân quyền cho NHNN trong việc quyết định cho vay đặc biệt; tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của thành viên Chính phủ. Quy định này giúp giảm bớt khâu trung gian trong quá trình triển khai thực hiện; từ đó, góp phần rút ngắn thời gian xử lý bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống các TCTD.
Với mục đích đó, Dự thảo Luật luật hóa các quy định tại Nghị quyết 42, trong đó bao gồm các nội dung: quyền thu giữ tài sản bảo đảm; kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự. Đồng thời, Dự thảo Luật bổ sung quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Ông Trần Văn Phước - Quyền giám đốc NHNN khu vực 15 và nhiều chuyên gia cho rằng, việc luật hóa các quy định xử lý nợ xấu tạo điều kiện cho TCTD và tổ chức mua bán nợ xử lý nhanh chóng các khoản nợ tồn đọng, khơi thông nguồn vốn để tái đầu tư vào các dự án kinh tế trọng điểm. Trong đó, quy định về quyền thu giữ và kê biên tài sản bảo đảm sẽ giúp tăng cường hiệu quả thu hồi nợ, giảm thiểu rủi ro tài chính và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng.
THÀNH ĐỨC