Hình minh họa mỡ cholesterol xấu (LDL-C) lắng đọng thành từng mảng bám trên thành mạch máu, gây hẹp lòng mạch, cản trở lưu thông máu. (Ảnh: iStock)
Theo thống kê của Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, mỗi năm trên cả nước có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, và mỡ máu cao (cholesterol cao) chính là một trong những nguyên nhân âm thầm nhưng cực kỳ nguy hiểm dẫn đến biến chứng này.
Thực tế, nhiều người vẫn đang rất chủ quan vì căn bệnh này diễn tiến thầm lặng, đến khi biến chứng xảy ra thì mọi chuyện đã quá muộn.
Mỡ máu cao là gì?
Mỡ máu cao (hay còn gọi là rối loạn lipid máu) là tình trạng nồng độ các chất béo trong máu, đặc biệt là cholesterol và triglyceride, tăng cao hơn mức bình thường. Trong đó, cholesterol xấu (LDL-C) là loại gây hại nhiều nhất, vì nó có thể lắng đọng thành từng mảng bám trên thành mạch máu, gây hẹp lòng mạch, cản trở lưu thông máu và làm tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch nghiêm trọng.
Điểm nguy hiểm là mỡ máu cao không có triệu chứng rõ ràng. Theo số liệu từ các cuộc điều tra gần đây, hiện có tới hơn 40% dân số Việt Nam mắc mỡ máu cao và 71% trong số đó hoàn toàn không biết mình mắc bệnh cho tới khi đi khám sức khỏe tổng quát. Điều này vô tình khiến nhiều người mất đi cơ hội điều trị sớm và phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.
Vì sao mỡ máu cao lại gây đột quỵ?
Mỡ máu cao là yếu tố hàng đầu dẫn đến xơ vữa động mạch - tình trạng mảng bám chất béo tích tụ trên thành động mạch, lâu dần gây hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu.
Khi một mảng xơ vữa bong ra, nó có thể tạo thành cục máu đông di chuyển theo dòng máu. Nếu cục máu đông này di chuyển đến não và làm tắc nghẽn mạch máu não, đột quỵ sẽ xảy ra ngay lập tức.
Một thống kê đáng lưu ý cho thấy 93% bệnh nhân đột quỵ não có rối loạn mỡ máu. Điều này càng khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa cholesterol cao và nguy cơ đột quỵ.
Đột quỵ và dấu hiệu nhận biết sớm
Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng một phần não bị tổn thương do dòng máu nuôi não bị gián đoạn đột ngột khiến các tế bào não thiếu oxy và chết nhanh chóng. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể để lại các di chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Đau đầu dữ dội đột ngột. (Ảnh minh họa: iStock)
Những dấu hiệu cảnh báo sớm cần đặc biệt lưu ý gồm:
Đau đầu dữ dội đột ngột
Tê yếu hoặc liệt nửa người, đặc biệt là mặt, tay hoặc chân
Nói ngọng, rối loạn ngôn ngữ
Mất thăng bằng, chóng mặt
Rối loạn tri giác, hôn mê
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 17 triệu người bị đột quỵ, trong đó có đến 5 triệu trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, có khoảng 200.000 người đột quỵ mỗi năm. Hơn 50% trong số đó tử vong, chỉ 10% người bệnh hồi phục tốt, còn lại đều để lại di chứng nặng nề về thần kinh và vận động.
Nguyên nhân gây mỡ máu cao
Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cholesterol cao, nhất là khi bạn ăn quá nhiều chất béo bão hòa (mỡ động vật, nội tạng, thực phẩm chiên rán); thiếu chất béo không bão hòa (cá béo, quả bơ, dầu olive…)
Những loại thực phẩm dễ gây mỡ máu cao. (Ảnh: iStock)
Các nguyên nhân khác bao gồm:
Thừa cân, béo phì
Ít vận động
Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia
Yếu tố tuổi tác, giới tính và tiền sử gia đình cũng ảnh hưởng đến mức cholesterol.
Mức cholesterol bình thường là bao nhiêu?
Cholesterol được đo bằng mmol/L, là lượng cholesterol trên một lít máu. Theo khuyến nghị của các chuyên gia, cholesterol toàn phần nên dưới 5 mmol/L; cholesterol xấu (non-HDL-C) dưới 4 mmol/L
Tuy nhiên, nếu bạn đã từng bị đột quỵ hoặc có nguy cơ bị đau tim thì không có mức cholesterol nào được coi là bình thường. Thay vào đó, bác sỹ sẽ tư vấn mức cholesterol mục tiêu thấp hơn để giảm thiểu nguy cơ cho bạn.
Nên thường xuyên kiểm tra huyết áp. (Ảnh: iStock)
Bao lâu nên kiểm tra cholesterol một lần?
Do mỡ máu cao không gây triệu chứng nên cách duy nhất để phát hiện là xét nghiệm máu. Bạn nên xét nghiệm cholesterol nếu thuộc một trong các nhóm sau:
Trên 40 tuổi
Thừa cân, béo phì
Có tiền sử gia đình bị đột quỵ, cao huyết áp, bệnh tim mạch hoặc tiểu đường
Nếu chỉ số cholesterol cao hoặc đang dùng thuốc hạ mỡ máu, bạn cần kiểm tra ít nhất 1 lần/năm. Với người khỏe mạnh bình thường, nên xét nghiệm định kỳ 6–12 tháng/lần để theo dõi và kịp thời điều chỉnh lối sống.
Mỡ máu cao nếu được phát hiện, điều trị sớm sẽ giúp dự phòng biến chứng đột quỵ. Vì vậy, những người thuộc nhóm nguy cơ cao như người thừa cân, tăng huyết áp, người cao tuổi, người có chế độ ăn nhiều chất béo, thường xuyên hút thuốc lá… cần chủ động xét nghiệm mỡ máu định kỳ 6 tháng một lần để theo dõi lượng cholesterol, điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt nếu chỉ số tăng cao.
Một thực tế đáng lo ngại là tình trạng mỡ máu cao đang ngày càng trẻ hóa. Tại các bệnh viện lớn, số ca mỡ máu cao ở người dưới 40 tuổi đang gia tăng đáng báo động. Nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt và hiệu quả, gánh nặng bệnh tật do rối loạn mỡ máu và các biến chứng tim mạch sẽ ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và hệ thống y tế./.
(Vietnam+)