Người bệnh vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình mổ
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa phẫu thuật thành công cho nam bệnh nhân N.X.C. (40 tuổi, Hà Nội), bị máu tụ dưới màng cứng mạn tính, có nguy cơ liệt nửa người bên phải, sau tai nạn xe máy bằng kỹ thuật mổ não thức tỉnh. Hai tháng trước đó, người bệnh bị ngã xe máy, vùng đầu (có đội mũ bảo hiểm) va đập vào đuôi xe tải. Sau tai nạn, anh được sơ cứu, chụp chiếu sọ não không phát hiện tổn thương, chỉ xây xát nhẹ tay chân. Tuy nhiên, gần một tháng nay, anh bắt đầu xuất hiện các cơn đau đầu. Đặc biệt, hai tuần gần đây, cơn đau tăng dần, mắt mờ và yếu nửa người bên phải.
Bệnh nhân hồi phục rất nhanh sau ca phẫu thuật bằng kỹ thuật mổ não thức tỉnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC
Khi đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám, chụp CT sọ não phát hiện khối máu tụ dưới màng cứng mạn tính ở bán cầu não trái, dày 3,2cm, chèn ép nhu mô não.
ThS.BSCKII Nguyễn Quang Thành - chuyên gia Ngoại Thần kinh sọ não (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết: “Máu tụ dưới màng cứng mạn tính thường không xuất hiện ngay sau chấn thương mà diễn tiến âm thầm trong vài tuần đến vài tháng. Triệu chứng thường gặp gồm đau đầu, yếu liệt nửa người, nói khó, chóng mặt, buồn nôn… Trường hợp của bệnh nhân C, sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật bằng kỹ thuật mổ não thức tỉnh. Đây là phương pháp hiện đại, không gây mê toàn thân nên người bệnh vẫn tỉnh táo, có thể giao tiếp với bác sĩ trong suốt ca mổ. Điều này giúp phẫu thuật viên theo dõi sát chức năng thần kinh, kiểm soát tốt thao tác mổ, tránh phạm vào các bó sợi thần kinh và mô não lành xung quanh khối máu tụ, giúp bảo tồn tối đa chức năng vận động và nhận thức cho người bệnh”.
Sau mổ một ngày, anh C. ăn uống, nói chuyện, vận động bình thường. Bệnh nhân chia sẻ: “Ban đầu tôi rất lo lắng và sợ hãi, nhưng được bác sĩ tư vấn kỹ nên yên tâm bước vào ca mổ. Trong suốt mổ, tôi vẫn nói chuyện bình thường với bác sĩ. Hiện tôi thấy vận động bên phải nhẹ nhàng hơn nhiều, chỉ còn đau nhẹ tại vết mổ”.
Trợ giúp từ robot
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM đã áp dụng thành công phương pháp phẫu thuật này với sự trợ giúp từ robot. Một trường hợp điển hình, bệnh nhân N.V.H. nhập viện trong tình trạng trí giác lơ mơ, chân tay yếu liệt. Kết quả chụp MRI 3 Tesla khẩn cấp xác định người bệnh có khối xuất huyết não lớn đến 4cm. Khối máu tụ chèn ép các cơ quan thần kinh xung quanh, là vùng não chịu trách nhiệm chức năng vận động, ngôn ngữ. Tình huống càng khẩn cấp hơn khi người bệnh đã bỏ lỡ thời gian “vàng” cấp cứu đột quỵ, nếu không mổ khẩn cấp, người bệnh đối mặt với việc liệt nửa người, nói khó, nhìn mờ, thậm chí tử vong. Trước tình hình nói trên, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã hội chẩn và quyết định chọn kỹ thuật mô não tỉnh thức với sự trợ giúp đắc lực của Robot AI Modus V Synaptive và hệ thống định vị Neuro - Navigation AI thế hệ mới nhất.
Trước ca mổ, ứng dụng AI của Robot Modus V Synaptive đã hòa hình tất cả hình ảnh, dữ liệu chụp MRI, DTI, CT, DSA… của người bệnh. Các bó sợi thần kinh và khối máu tụ hiện rõ trên cùng một hình ảnh 3D sinh động, chi tiết rõ nét.
Bác sĩ đã tiến hành mổ mô phỏng trên phần mềm chuyên dụng của Robot, chọn vị trí mở họp sọ, đường phẫu thuật tiếp cận khối máu tụ chính xác, hiệu quả, an toàn nhất. Vì đã nhìn thấy toàn bộ não bộ và các vùng máu tụ và mổ mô phỏng trước, do vậy đến khi bước vào ca mổ, bác sĩ chỉ cần rạch da đầu khoảng 5cm, bộc lộ sọ và khoan mở nắp sọ chỉ 3cm. Tiếp đó, dưới sự giám sát chặt chẽ của robot cùng cảnh báo đường mổ chính xác, khối máu cục đã được lấy ra một cách nhanh chóng. Đồng thời, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn trong suốt ca mổ.
Sau mổ 30 phút, người bệnh gặp người thân, gọi điện thoại về cho gia đình. Nửa ngày sau, kết quả chụp CT cho thấy không còn máu tụ trong não, vận động, thị giác và nhận thức của người bệnh hoàn toàn bình thường.
BSCKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh (Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM) cho biết, phương thức mổ não tỉnh thức bằng robot AI Modus V Synaptive rất hiệu quả khi áp dụng cho các trường hợp phẫu thuật xuất huyết não do đột quỵ.
Mổ não thức tỉnh giúp giải bài toán này bằng cách giữ cho bệnh nhân tỉnh táo trong phẫu thuật, từ đó bác sĩ có thể đánh giá tức thì khả năng nói, vận động, phản xạ... Nếu thấy dấu hiệu bất thường, kíp mổ sẽ dừng ngay để điều chỉnh. Đây được xem là kỹ thuật “vàng” cho các ca u não, xuất huyết não ở vùng chức năng quan trọng – nơi không được phép có sai số. Trước đây, phẫu thuật não thường chờ sau 24 giờ – thời gian cần thiết để máu tụ tự cầm. Nhưng chờ lâu lại gây tổn thương thứ phát do chèn ép. Mổ thức tỉnh cho phép can thiệp sớm hơn trong “khoảng vàng” 6 - 8 giờ, giúp mô não hồi phục tốt hơn, ít di chứng hơn.
Tại các nước như Mỹ, Đức, Nhật Bản, mổ não thức tỉnh đã trở thành lựa chọn thường quy cho một số loại u não. Tuy nhiên, đây vẫn là kỹ thuật được đánh giá là đỉnh cao của phẫu thuật thần kinh. Việc nhiều bệnh viện lớn trong nước triển khai thành công kỹ thuật này cho thấy y học Việt Nam không đứng ngoài cuộc chơi công nghệ cao, thậm chí còn là điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á.
Đức Trân