Hiệu quả đầu tư có xu hướng giảm dần
Nghị định số 30/2016/NĐ-CP/2016/NĐ-CP ngày 28/4/2016 quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hướng dẫn Luật BHXH năm 2014.
Theo hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thay thế Nghị định số 30/2016/NĐ-CP, mà Bộ Tài chính gửi Bộ Tư pháp thẩm định mới đây, thực tế áp dụng Nghị định này đã mang nhiều kết quả tích cực
Theo đó, hoạt động đầu tư của BHXH Việt Nam đã chuyên nghiệp hơn. Hiện nay, toàn bộ trái phiếu Chính phủ (TPCP) được BHXH mua theo phương thức đấu thầu. Cơ quan này đã từng bước tiếp cận thông tin thị trường để quyết định thời điểm, khối lượng, lãi suất mua TPCP.
Theo Bộ Tài chính, khối lượng đầu tư TPCP của BHXH có sự tăng trưởng qua từng năm. Ảnh: VGP
Hiện nay, BHXH là nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường sơ cấp TPCP, góp phần tăng giá trị huy động vốn cho ngân sách Nhà nước thông qua phát hành TPCP.
Số dư đầu tư của các quỹ đến cuối năm 2024 đạt khoảng 1,36 triệu tỷ đồng, trong đó đầu tư vào TPCP đạt khoảng 1,06 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 78,5% số dư đầu tư), gửi tiền tại ngân hàng thương mại khoảng 294 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 21,5% số dư đầu tư). Việc đầu tư các quỹ an toàn, bền vững, hiệu quả, góp phần quan trọng để đảm bảo nguồn kinh phí chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hằng năm và trong tương lai.
Số tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư năm 2024 khoảng 53 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 1,6 lần năm 2016 (33,5 nghìn tỷ đồng). Việc đầu tư các quỹ ngoài bù đắp chi phí quản lý, đã tạo nguồn để chi trả chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, mặc dù lãi suất đầu tư bình quân của BHXH luôn cao hơn tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, lãi đầu tư thực dương, kết quả đầu tư đảm bảo an toàn, tăng trưởng, nhưng hiệu quả đầu tư chưa cao và có xu hướng giảm dần. Lãi suất đầu tư bình quân giảm từ 7,9% năm 2016 còn 3,86% năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu là do lãi suất trên thị trường tài chính, tiền tệ có xu hướng giảm, đặc biệt là lãi suất TPCP (kỳ hạn 10 năm giảm từ khoảng 6% – 7% năm 2016 xuống 2% – 2,5% năm 2024).
Ngoài ra, sản phẩm đầu tư của BHXH chưa đa dạng, phương thức đầu tư chưa linh hoạt. Hiện nay, BHXH mới chỉ đầu tư TPCP trên thị trường sơ cấp, chưa tham gia đầu tư trên thị trường thứ cấp TPCP để gia tăng hiệu quả đầu tư. Phương thức đầu tư tập trung vào tự đầu tư, chưa triển khai đầu tư theo phương thức ủy thác...
Tìm hướng khắc phục bất cập
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (thay thế Nghị định số 30/2016/NĐ-CP), Bộ Tài chính đề xuất nhiều quy định mới.
Theo đó, về nguyên tắc đầu tư, dự thảo quy định BHXH đầu tư phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Luật BHXH năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2024; Luật Việc làm năm 2013 đối với từng quỹ. Riêng tỷ trọng đầu tư TPCP giao Hội đồng quản lý quyết định trong từng năm, đảm bảo nguyên tắc ưu tiên đầu tư TPCP và được xác định bằng số dư TPCP so với số dư tổng danh mục đầu tư tại thời điểm ngày 31/12 hằng năm.
Về các quy chế nghiệp vụ, tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất quy định BHXH phải xây dựng và ban hành Quy chế về đầu tư, Quy chế quản lý rủi ro, Quy chế kiểm toán nội bộ, để tổ chức thực hiện đầu tư và kiểm soát, quản lý hoạt động đầu tư; và quy chế khác theo yêu cầu quản lý của BHXH.
Để hoạt động đầu tư của BHXH diễn ra liên tục, dự thảo Nghị định quy định trong thời gian Thủ tướng Chính phủ chưa phê duyệt chiến lược đầu tư dài hạn, Hội đồng quản lý tiếp tục căn cứ quy định của pháp luật và thực tế của quỹ, để thông qua phương án đầu tư hằng năm và có trách nhiệm thực hiện theo đúng chiến lược đầu tư dài hạn sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Liên quan đến phương thức đầu tư, dự thảo Nghị định quy định BHXH thực hiện tư đầu tư hoặc ủy thác đầu tư. Trường hợp đầu tư theo phương thức ủy thác, phải xây dựng phương án bao gồm các nội dung: Tiêu chí, quy trình lựa chọn tổ chức nhận ủy thác; các nội dung ủy thác; cơ chế giám sát hoạt động ủy thác; xử lý trong trường hợp tổ chức nhận ủy thác đầu tư không thực hiện được cam kết.
Về quy trình kiểm soát, quản lý và xử lý rủi ro và chế độ báo cáo, Bộ Tài chính đề xuất quy định nội dung kiểm soát, quản lý rủi ro của BHXH gồm: Ban hành các quy trình, quy chế nghiệp vụ; xây dựng và thực hiện đúng chiến lược đầu tư dài hạn, phương án đầu tư hằng năm; tổ chức kiểm toán nội bộ để thực hiện rà soát, đánh giá độc lập việc tuân thủ quy định của bộ phận đầu tư; trích lập quỹ dự phòng rủi ro.
Hữu Hòe