Tín dụng ngân hàng vẫn là nguồn lực tiếp sức cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Tín dụng ngân hàng vẫn là nguồn lực tiếp sức cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
7 giờ trướcBài gốc
Hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp tuần qua tăng 12,4% Infographics: 4 tháng đầu năm 2025, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 55.321 tỷ đồng Vì đâu lượng trái phiếu phát hành ra công chúng tăng gần 300% trong quý I/2025?
Xoay quanh việc dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) quý II/2025 và nhóm ngành tiềm năng nửa cuối năm, phóng viên Báo Tài chính – Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lý Thanh Lương - Trưởng nhóm Phân tích tại Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating).
PV: Trong quý II/2025, thị trường TPDN được dự báo đối mặt với áp lực đáo hạn gần 50.000 tỷ đồng, ông đánh giá thế nào về khả năng thanh toán của các doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Lý Thanh Lương: Trong số 50.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào quý II, phần lớn sẽ được thanh toán đúng hạn hoặc gia hạn một thời gian ngắn khi sức khỏe tài chính dần được cải thiện. Quý I/2025, tín dụng ngân hàng tăng mạnh đạt mức 3,93% so với đầu năm (quý I/2024 là 1,42%), do đó chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý II, giúp củng cố khả năng tái cấu trúc nợ của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Lý Thanh Lương.
Theo thống kê từ VIS Rating, tính đến nay, có 15 ngân hàng, 6 công ty chứng khoán và 6 doanh nghiệp phi tài chính đã lên kế hoạch phát hành TPDN trong nửa đầu năm 2025, với tổng giá trị dự kiến 125.000 tỷ đồng. Số lượng này đã chiếm khoảng 75% tổng giá trị phát hành của các doanh nghiệp trong năm 2024. Kỳ vọng tổng lượng phát hành trái phiếu năm nay sẽ đạt hoặc vượt mức của năm 2024.
Đồng thời, khoảng 40% trái phiếu đáo hạn trong quý II vẫn đủ điều kiện để có thể đàm phán gia hạn với trái chủ, giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian và linh hoạt hơn trong thanh toán gốc lãi.
Chúng tôi nhận định rằng, các doanh nghiệp phát hành từng chậm trả lãi (chiếm 27% tổng số trái phiếu đáo hạn) sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng nghĩa vụ trả gốc. Phần lớn các doanh nghiệp chậm trả là các công ty bất động sản đang gặp khó khăn về pháp lý trong các dự án nhà ở hoặc du lịch - nghỉ dưỡng.
PV: Với việc nhóm bất động sản chiếm khoảng 31% tổng giá trị đáo hạn dự kiến trong tháng 5, ông nhận định ra sao về khả năng tái cấu trúc nợ, phát hành mới của các doanh nghiệp trong ngành này để đáp ứng nghĩa vụ tài chính?
Ông Nguyễn Lý Thanh Lương: Chúng tôi cho rằng, khả năng tái cấu trúc nợ của các công ty bất động sản sẽ cải thiện nhờ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn từ kênh ngân hàng và phần lớn trái phiếu đáo hạn trong năm 2025 đủ điều kiện để đàm phán gia hạn với trái chủ.
Cụ thể, các chủ đầu tư sẽ thuận lợi vay ngân hàng hơn nhờ tiến độ phê duyệt pháp lý cho dự án được đẩy nhanh hơn, trong khi doanh thu từ bán hàng cải thiện nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản và gia tăng các khoản vay của người mua nhà. Đồng thời, 75% số trái phiếu bất động sản đáo hạn trong năm 2025 vẫn đủ điều kiện để được gia hạn.
Ảnh minh họa.
Chúng tôi kỳ vọng, việc phát hành trái phiếu bất động sản mới sẽ duy trì ổn định trong năm 2025, được thúc đẩy bởi nhu cầu tài trợ cho sự phát triển của các dự án khi tốc độ phê duyệt pháp lý được cải thiện. Tín dụng ngân hàng sẽ vẫn là nguồn tài trợ chính cho các chủ đầu tư so với kênh trái phiếu. Trong giai đoạn 2022-2024, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản đạt 22%, trong khi dư nợ trái phiếu bất động sản nhà ở giảm nhẹ.
Cùng với đó, các khoản vay của người mua nhà đã tăng 11% trong năm 2024, phục hồi đáng kể so với mức trung bình 1% của giai đoạn 2022 - 2023. Việc cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng đã nâng cao năng lực tái cấu trúc nợ, nhưng đồng thời cũng làm giảm sự phụ thuộc của các nhà phát triển vào kênh trái phiếu để đáp ứng nhu cầu vốn.
PV: Trong bối cảnh thị trường TPDN hiện nay, theo ông nhóm ngành nào sẽ có tiềm năng phát hành trái phiếu mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2025?
Ông Nguyễn Lý Thanh Lương: Chúng tôi cho rằng, thị trường TPDN năm 2025 sẽ được dẫn dắt bởi ba động lực chính, gồm phát hành từ nhóm ngân hàng để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng, trái phiếu cho các dự án hạ tầng và sự mở rộng của thị trường trái phiếu xanh.
Thứ nhất, các ngân hàng tiếp tục là lực đẩy chính cho hoạt động phát hành mới nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao, dự kiến ở mức 16% trong năm 2025. Trong năm 2024, nhóm ngân hàng đã chiếm khoảng 65% tổng lượng phát hành và con số này có thể tăng lên 70% trong năm nay. Tính đến cuối tháng 4, đã có 15 ngân hàng công bố kế hoạch phát hành trái phiếu cho nửa đầu năm 2025, nhiều ngân hàng đặt mục tiêu huy động vượt mức năm trước trong bối cảnh huy động tiền gửi còn hạn chế.
Thứ hai, thị trường TPDN đang từng bước trở thành kênh huy động vốn dài hạn cho các dự án hạ tầng quy mô lớn như đường sắt cao tốc Bắc – Nam hay sân bay Long Thành. Chính phủ cũng đang xây dựng khung pháp lý riêng cho trái phiếu cơ sở hạ tầng và mở rộng khả năng sử dụng TPDN trong các dự án PPP, tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho việc triển khai.
Thứ ba, đà phục hồi của TPDN trong năm 2024 đang mở ra dư địa tăng trưởng mạnh cho trái phiếu xanh. Quy mô thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam đã đạt khoảng 1,5 tỷ USD, chiếm 3% tổng trái phiếu lưu hành, với nhiều tổ chức phát hành lớn như BIDV, Biwase, IDI…. Sự phát triển này kỳ vọng sẽ tiếp tục trong năm 2025, khi trái phiếu xanh trở thành nguồn vốn phù hợp cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Nguồn vốn từ TPDN, đặc biệt là trái phiếu xanh, đóng vai trò thiết yếu trong việc triển khai các cam kết khí hậu và chiến lược quốc gia như COP26, PDP8 hay Chiến lược Tăng trưởng Xanh. Riêng PDP8 ước tính cần khoảng 135 tỷ USD đến năm 2030 cho các dự án năng lượng tái tạo và LNG – những lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn và dài hạn mà thị trường TPDN có thể đáp ứng hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo đánh giá của chuyên gia từ VIS Rating, từ năm 2025, thị trường TPDN bước vào giai đoạn phát triển bền vững nhờ khung pháp lý ngày càng minh bạch và chặt chẽ. Luật Chứng khoán sửa đổi 56/2024/QH15, Thông tư 76/2024/TT-BTC và dự thảo Nghị định 155/2024 về phát hành trái phiếu được ban hành, tạo nền tảng vững chắc cho thị trường. Bên cạnh đó, các quy định mới như xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, áp dụng xếp hạng tín nhiệm cho trái phiếu riêng lẻ và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài, giúp nâng cao chất lượng, thu hút nhà đầu tư vào thị trường TPDN Việt Nam.
Thu Hương
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tin-dung-ngan-hang-van-la-nguon-luc-tiep-suc-cho-thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-175708.html