Mở ra vị thế trung tâm năng lượng quốc gia

Mở ra vị thế trung tâm năng lượng quốc gia
7 giờ trướcBài gốc
Khánh Hòa sau sáp nhập mở ra dư địa phát triển đột phá. Trong đó, việc trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước sẽ tạo ra tiềm lực lớn cho phát triển kinh tế.
Tiềm năng vượt trội
Tỉnh Khánh Hòa mới đang sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào, từ các dự án hiện hữu đến tiềm năng chưa được khai thác, định hình rõ nét vai trò trung tâm năng lượng của khu vực và cả nước. Hiện phía bắc tỉnh Khánh Hòa (thuộc tỉnh Khánh Hòa cũ) có 9 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 580,6MW đi vào hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 với tổng công suất 1.320MW mỗi năm cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh thông qua hệ thống đường dây truyền tải 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, đóng góp khoảng 3% lượng điện quốc gia.
Trạm biến áp 500kV Vân Phong.
Trong khi đó, khu vực nam Khánh Hòa (gồm các xã, phường thuộc Ninh Thuận cũ) đang khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh vượt trội về phát triển năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Với khí hậu khô hạn đặc trưng, vùng này hội tụ tiềm năng lớn để đẩy mạnh phát triển điện gió (gần bờ, ngoài khơi), điện LNG (khí hóa lỏng) và các nguồn năng lượng mới khác như hydro, thủy triều, sinh khối... Trên địa bàn khu vực này có 57 nhà máy điện đang vận hành, với tổng quy mô công suất 3.749,942MW, gồm 35 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 2.466,792MW; 11 nhà máy điện gió với tổng công suất 667,25MW; 11 nhà máy thủy điện với tổng công suất 329,5MW. Ngoài ra, đây là địa phương duy nhất tính đến nay đã quy hoạch 5 khu vực điện gió ngoài khơi với công suất tiềm năng vượt 5.000MW.
Với những nhà máy điện đang vận hành, tỉnh Khánh Hòa mới đã trở thành trung tâm năng lượng và năng lượng sạch lớn của cả nước với tổng công suất nguồn theo Quy hoạch điện VIII dự kiến lên tới 22.242MW (Ninh Thuận 19.689MW; Khánh Hòa 2.553MW). Đến nay, đã có 5.773MW đi vào hoạt động (Ninh Thuận 3.750MW; Khánh Hòa khoảng 2.023MW), chiếm 7,2% tổng nguồn cung cả nước, khẳng định vị thế tiên phong trong bức tranh năng lượng quốc gia.
Ông Nguyễn Thanh Minh - Phó Giám đốc Ban điều hành Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái, Ban Quản lý Dự án điện 3 (EVNPMB3) nhận định: “Việc sáp nhập đã tạo vùng phát triển đồng bộ, tăng năng lực kết nối vùng, đặc biệt về truyền tải điện và cơ sở hạ tầng, sẽ giúp các nhà máy năng lượng hoạt động hiệu quả hơn. Với các nhà máy phát điện hiện có, Khánh Hòa sẽ trở thành trung tâm năng lượng sạch lớn nhất Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á”.
Cùng quan điểm này, ông Đinh Văn Cường - Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 nhận định, việc Trung ương quyết định sáp nhập hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận thành một đơn vị hành chính mới mang tên Khánh Hòa không chỉ là một bước ngoặt về địa giới hành chính mà còn mở ra dư địa phát triển đột phá. Trong đó, trọng tâm chính là hình thành một trung tâm năng lượng quốc gia - đây sẽ là 1 trong 3 mũi nhọn chủ lực, bên cạnh kinh tế biển và du lịch. Điều này góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với những lợi thế cộng hưởng từ hai địa phương, tỉnh Khánh Hòa mới có những lợi thế vô cùng lớn trong phát triển năng lượng điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo ở tầm quốc gia.
Bước đột phá từ điện hạt nhân và các dự án mới
Không chỉ dừng lại ở việc phát triển năng lượng tái tạo, việc phát triển điện hạt nhân là bước đi chiến lược lâu dài và không thể trì hoãn nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Chính vì vậy, tỉnh Khánh Hòa mới trở thành tỉnh duy nhất trong cả nước được Chính phủ chọn đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ USD và được xác định là công trình chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XV, chào mừng 100 năm Ngày thành lập Đảng. Dự án sẽ bao gồm 2 nhà máy với tổng công suất khoảng 4.600MW và dự kiến phát điện sau năm 2030. Khi đi vào vận hành, dự án thực sự tạo động lực rất lớn cho kinh tế của tỉnh phát triển, đóng góp nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.
Nhà máy Điện gió Trung Nam.
Dự án được triển khai sẽ tạo ra cơ hội để Khánh Hòa đầu tư chiều sâu vào đào tạo nhân lực kỹ thuật cao, phát triển các ngành phụ trợ, thu hút chuyên gia, kỹ sư về địa phương. Cùng với đó là xây dựng các mô hình đô thị khoa học, văn minh quanh vùng dự án - tạo đà cho vùng phía nam tỉnh phát triển vượt bậc, cân bằng với khu vực Nha Trang và Bắc Vân Phong. Ngoài ra, với vai trò là địa phương giáp ranh các vùng kinh tế trọng điểm, Khánh Hòa có nhiều điều kiện thuận lợi để phối hợp vận hành chuỗi cung ứng dịch vụ kỹ thuật, hậu cần, vận tải, logistics… Những lĩnh vực mới sẽ mở ra hàng loạt cơ hội việc làm chất lượng cao và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tri thức.
Bên cạnh điện hạt nhân, tỉnh Khánh Hòa mới cũng đang đề xuất triển khai các dự án năng lượng quan trọng khác như Nhà máy điện khí LNG Vân Phong 2 (Sumitomo) và Dự án Thủy điện tích năng Khánh Vĩnh (Bitexco). Một dự án mang tính chiến lược khác là Dự án Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái thuộc địa phận xã Bác Ái Tây, tỉnh Khánh Hòa (trước đây thuộc Ninh Thuận), với tổng vốn hơn 21.000 tỷ đồng, quy mô công suất 1.200MW (gồm 4 tổ máy, mỗi tổ công suất 300MW). Theo kế hoạch, tổ máy số 1 sẽ phát điện vào cuối năm 2029 và toàn bộ dự án hoàn thành trong năm 2030.
Ông Hồ Xuân Ninh - Giám đốc Sở Công Thương Khánh Hòa cho biết, để khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về phát triển năng lượng và sớm đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm năng lượng của cả nước, sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tập trung phát triển đồng bộ sản xuất điện, hạ tầng truyền tải điện, phụ tải điện và các ngành hỗ trợ..., đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nguồn điện quan trọng, dự án ưu tiên tại khu vực phía nam Khánh Hòa như dự án LNG Cà Ná, thủy điện tích năng Bác Ái, thủy điện tích năng Phước Hòa... Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong công tác chuẩn bị triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại các xã Phước Dinh, Vĩnh Hải (Khánh Hòa) theo đúng định hướng chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng bền vững. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực kỹ thuật phục vụ vận hành, bảo trì và an toàn điện hạt nhân.
Ông Trần Quốc Nam - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa khẳng định: Với các dự án năng lượng hiện có, phía nam Khánh Hòa (tỉnh Ninh Thuận cũ) sẽ kết nối với hệ thống hạ tầng lưới điện và công nghiệp phụ trợ của phía bắc Khánh Hòa, đặc biệt là Vân Phong để hình thành trung tâm năng lượng quốc gia, đa dạng từ điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, LNG đến điện hạt nhân. Đây sẽ là trụ cột phát triển bền vững và công nghệ cao của tỉnh Khánh Hòa mới, đóng góp vào an ninh năng lượng quốc gia và chiến lược phát triển xanh của đất nước.
ĐÌNH LÂM - HỒNG NGUYỆT
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202507/mo-ra-vi-the-trung-tam-nang-luong-quoc-gia-49e54f2/