Mở rộng cao tốc Bắc-Nam bằng vốn đầu tư công, PPP phương án nào hiệu quả?

Mở rộng cao tốc Bắc-Nam bằng vốn đầu tư công, PPP phương án nào hiệu quả?
12 phút trướcBài gốc
Mở rộng cao tốc Bắc – Nam ngay và luôn
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về tình hình nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 mới đi vào hoạt động nhưng do chỉ có 2 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp, chưa đạt tiêu chuẩn cao tốc nên liên tục ùn tắc.
Theo Bộ Xây dựng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng các tuyến cao tốc quy mô phân kỳ, Bộ Xây dựng đã đề xuất mở rộng 18 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Các dự án này nằm trong mục tiêu 3.000km đến năm 2025, hiện nay còn khoảng 402km đang thi công xây dựng.
Để tránh trùng lặp dự án và hỗ trợ tăng trưởng 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ đầu tư bằng hình thức đầu tư công để có thể triển khai mở rộng ngay.
Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương thức PPP.
Bộ Xây dựng cho biết, việc mở rộng theo phương thức PPP phải thực hiện theo dự án mới. Luật PPP cũng không cho phép trùng lặp dự án đang triển khai nên việc mở rộng theo hình thức PPP không thể triển khai ngay như phương án đầu tư công.
Vì lý do đó, trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp các đề xuất của các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng: Đối với 15 dự án đầu tư công, cho phép triển khai thu phí các đoạn tuyến theo Nghị quyết của Quốc hội, Luật Đường bộ.
Một dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông được hoàn thành và đưa vào khai thác.
Quá trình thu phí, căn cứ vào tình hình thực tế, triển khai đầu tư mở rộng các đoạn tuyến theo hình thức PPP. Với 3 dự án PPP đang khai thác, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc với nhà đầu tư để nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng.
Về làm rõ phương án ưu tiên đầu tư toàn tuyến theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ Xây dựng sẽ ưu tiên phương án đầu tư PPP toàn tuyến nếu có nhà đầu tư đủ điều kiện.
Liên quan đến phương án đầu tư ngay dự án đang triển khai thi công để tránh lãng phí và sử dụng các nhà thầu đang thi công tiếp tục thi công mở rộng, Bộ Xây dựng cho hay, cơ chế sử dụng các nhà thầu đang thi công và mở rộng ngay các đoạn tuyến đang thi công chỉ phù hợp với hình thức đầu tư công. Phương án này không phù hợp với đầu tư theo phương thức PPP. Đầu tư theo phương thức PPP sẽ thực hiện theo các dự án độc lập và nhà đầu tư quyết định việc lựa chọn nhà thầu thi công.
Từ các phân tích trên, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP trong năm 2025.
Sau khi hoàn thành toàn bộ các dự án thành phần trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ triển khai tổ chức thu phí các đoạn tuyến đầu tư công theo Nghị quyết của Quốc hội, quy định của Luật Đường bộ.
"Trong quá trình thu phí, Bộ Xây dựng sẽ lựa chọn các nhà đầu tư PPP theo quy định, trong đó ưu tiên đầu tư theo phương án O&M kết hợp BOT trên toàn tuyến để đồng bộ, phát huy hiệu quả toàn tuyến", Bộ Xây dựng cho biết.
Tuyến cao tốc Bùng - Vạn Ninh mới đưa vào khai thác.
Đề xuất nghiên cứu lại cách chia các dự án thành phần cho phù hợp
Tại văn bản Bộ Xây dựng gửi Chính phủ về kết quả nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam theo phương thức đối tác công - tư (PPP) cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế, triển khai đầu tư mở rộng các đoạn tuyến theo hình thức PPP, trong đó xem xét nghiên cứu phương án hình thành một số dự án có quy mô lớn (khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam) để vừa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong toàn bộ quá trình đầu tư, vừa giúp tối ưu hóa chi phí quản lý, vận hành, khai thác trong suốt vòng đời dự án, đồng thời, có khả năng thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, sẵn sàng đồng hành lâu dài cùng dự án.
PGS. TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân.
Theo tính toán, nếu phân chia thành 2 dự án tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam dự kiến có tổng mức đầu tư lần lượt khoảng 59.000 tỷ đồng và 67.000 tỷ đồng, các nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu chia như vậy sẽ quá lớn, quá sức với nhiều nhà đầu tư.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, dù nhiều doanh nghiệp đã xung phong tham gia dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam theo phương thức PPP, nhưng nếu phân chia thành các dự án thành phần có quy mô quá lớn có thể dẫn đến không có nhà đầu tư đủ sức nhập cuộc.
“Cần chia thành các dự án thành phần có tổng mức đầu tư từ 30.000 - 50.000 tỷ đồng để phù hợp với năng lực tài chính của các nhà đầu tư. Còn để dự án với tổng mức 152.000 tỷ nếu chuyển sang đầu tư công sẽ gây lãng phí ngân sách Nhà nước, bỏ lỡ cơ hội huy động nguồn lực xã hội tham gia phát triển hạ tầng giao thông.
Nên phân chia với quy mô nhỏ hơn, khoảng 6 - 7 dự án thành phần để phù hợp với năng lực của các nhà đầu tư trong nước hiện nay, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân liên danh triển khai dự án”, TS Nguyễn Thường Lạng nói.
TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng: “Cần ưu tiên nhiều hơn cho tư nhân, nhất là những bên có thể đứng ra huy động, tập hợp lực lượng doanh nghiệp khác cùng tham gia”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng các tuyến cao tốc quy mô phân kỳ, Bộ Xây dựng đã đề xuất mở rộng 18 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông theo phương thức PPP.
TS Nguyễn Thường Lạng lấy dẫn chứng, trước đó, khi trình Quốc hội chủ trương đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, chỉ có 3 dự án thành phần được triển khai theo hình thức PPP (gồm Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo), các dự án còn lại buộc phải chuyển sang đầu tư công với lý do không thu hút được nhà đầu tư tham gia. Khi đó, Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) giải trình nguyên nhân chủ yếu là khó khăn trong thu xếp vốn tín dụng dài hạn cho các doanh nghiệp tư nhân.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 68 NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân nhấn mạnh: “Huy động tối đa các nguồn lực, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia phát triển kinh tế - xã hội”, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, cần phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án lớn của đất nước, mà cụ thể ở đây như dự án mở rộng cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Nhìn rộng hơn, còn phải tiếp tục thúc đẩy, mở rộng cơ chế, chính sách PPP theo hướng khuyến khích, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, minh bạch và công bằng hơn để doanh nghiệp tư nhân tham gia tích cực hơn. Hướng tới xây dựng cộng đồng doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh với sự hỗ trợ của Nhà nước. “Bởi xét cho cùng, hỗ trợ kinh tế tư nhân cũng chính là hỗ trợ nhân dân”, TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.
Trong Nghị quyết số 70/2025/UBTVQH15 ngày 7/2/2025 về quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030, khoản 8 Điều 3 đã xác lập rõ thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn, trong đó các dự án PPP được xếp thứ tự ưu tiên cao hơn so với các dự án đầu tư công khởi công mới. Cách tiếp cận này thể hiện quan điểm thúc đẩy mạnh mẽ phương thức đầu tư PPP, khuyến khích huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển hạ tầng, đồng thời cho thấy sự chuyển dịch trong định hướng chính sách nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, giảm áp lực lên nguồn vốn công truyền thống.
Phi Long/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/mo-rong-cao-toc-bac-nam-bang-von-dau-tu-cong-ppp-phuong-an-nao-hieu-qua-post1214683.vov