Ngày 15/4/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 46 và Chỉ thị 05.
Tổng quy mô dự kiến trên 100.000 tỷ đồng, đối tượng vay vốn bao gồm khách hàng có dự án/phương án sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, với
Chương trình mở rộng phạm vi đối tượng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo Công văn số 5631 của NHNN thành chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Theo đó, đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Chương trình được triển khai đến khi doanh số cho vay đạt 100.000 tỷ đồng theo mức đăng ký của các ngân hàng thương mại.
Các nội dung liên quan khác tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo tại Công văn số 5631 của Ngân hàng Nhà nước.
Sự vào cuộc của toàn ngành ngân hàng
NHNN giao các ngân hàng như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, LPBank, Sacombank, MB, ACB, Nam A Bank, OCB, Eximbank, SHB thực hiện theo dõi, thống kê kết quả triển khai chương trình và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo NHNN, cung cấp cho các cơ quan liên quan.
Các ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm việc triển khai thực hiện theo đúng cam kết của chương trình này về đối tượng, lãi suất.
Đồng thời, NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng thương mại khác có nhu cầu tham gia chương trình thực hiện theo hướng dẫn tại công văn này và Công văn 5631 của NHNN đã ban hành.
Lãnh đạo Vietcombank cho biết đã nâng quy mô chương trình lên 15.000 tỷ đồng (gấp 1,5 lần trước đây), đồng thời mở rộng đối tượng vay sang khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông sản song song với các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Ngân hàng cam kết triển khai chương trình công khai, minh bạch, đúng đối tượng và mục tiêu, góp phần hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mới đây nhất, ngân hàng này đã thông báo triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tại hệ thống Vietcombank với quy mô giải ngân của chương trình là 3.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, từ năm 2023, NHNN triển khai gói vay ưu đãi 15.000 tỷ đồng với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và triển khai rất hiệu quả. Sang năm 2024, quy mô chương trình được tăng gấp đôi lên 30.000 tỷ đồng.
Về phía NHNN, cơ quan này rất tích cực triển khai các gói tín dụng quy mô lớn trong thời gian gần đây nhằm góp phần hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm nay.
Bên cạnh gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho ngành nông, lâm, thủy sản, ngày 10/4 vừa qua, NHNN đã tổ chức cuộc họp triển khai chỉ đạo của Chính phủ về gói tín dụng ưu đãi 500.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số, khuyến khích đầu tư để tăng trưởng và giải phóng nguồn lực xã hội.
Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng được kỳ vọng tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển hạ tầng, công nghệ số, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động.
Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh việc triển khai gói tín dụng là cấp bách, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Chương trình sẽ được triển khai theo tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Dũng Phạm