Công chức Cục Thuế Bắc Ninh hỗ trợ người nộp thuế tìm hiểu pháp luật thuế qua ứng dụng điện tử. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Dự kiến, ngày 29/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật trong lĩnh vực tài chính trong đó có Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là việc đề xuất sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định hoàn thuế. Về lý do sửa đổi quy định này, Bộ Tài chính cho biết, Luật Quản lý thuế hiện hành chỉ quy định cục trưởng cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền quyết định hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn không có thẩm quyền quyết định hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế theo pháp luật thuế.
Vì vậy, trong thời gian qua, một số tập đoàn, tổng công ty do Cục Thuế doanh nghiệp lớn quản lý phải chuyển về cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý để giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế. Điều này chưa đảm bảo nguyên tắc người nộp thuế lớn phải do Cục Thuế doanh nghiệp lớn quản lý. Bên cạnh đó, đối với người nộp thuế do chi cục thuế trực tiếp quản lý thì hồ sơ hoàn thuế do chi cục thuế tiếp nhận nhưng chi cục trưởng chi cục thuế lại không có thẩm quyền quyết định hoàn thuế làm kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế và chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 76 theo hướng bổ sung thẩm quyền quyết định hoàn thuế của Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, chi cục trưởng chi cục thuế và chi cục trưởng chi cục thuế khu vực nhằm đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong giải quyết hoàn thuế cho cơ quan thuế các cấp theo hướng cơ quan thuế nào tiếp nhận hồ sơ phải trực tiếp giải quyết và quyết định hoàn thuế, từ đó tạo thuận lợi cho người nộp thuế được giải quyết hồ sơ hoàn thuế nhanh.
Rút ngắn thời gian hoàn thuế
Đối với đề xuất nói trên, PGS,TS. Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) - phân tích, theo Luật Quản lý thuế hiện hành, thẩm quyền giải quyết hoàn thuế là cục trưởng cục thuế cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo phân cấp quản lý doanh nghiệp thì các chi cục thuế khu vực và cấp huyện cũng trực tiếp quản lý và tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế. Điều này dẫn đến việc phát sinh thêm thời gian, thủ tục chuyển và xét duyệt hồ sơ từ cấp chi cục lên cấp cục. Số lượng người nộp thuế ngày càng lớn nên hồ sơ hoàn thuế ngày càng nhiều. Việc dồn toàn bộ các hồ sơ giải quyết hoàn thuế lên cục thuế dẫn đến áp lực về thời gian giải quyết rất lớn. Trong khi đó, bên cạnh yêu cầu phải giải quyết đúng thời hạn và nhanh chóng hồ sơ hoàn thuế, cơ quan thuế còn phải kiểm soát rủi ro, ngăn ngừa gian lận hoàn thuế, chống thất thoát ngân sách nhà nước nên một tỷ lệ nhất định hồ sơ hoàn thuế được giải quyết không kịp thời.
Tại thời điểm ban hành Luật Quản lý thuế số 38 (Luật Quản lý thuế hiện hành), cơ quan thuế mới thành lập Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn và đơn vị này không trực tiếp quản lý doanh nghiệp. Đến năm 2021, Cục Thuế doanh nghiệp lớn được thành lập trên cơ sở Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn. Từ năm 2022, Cục Thuế doanh nghiệp lớn trực tiếp quản lý doanh nghiệp. Mặc dù trực tiếp quản lý doanh nghiệp và tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế nhưng Cục Thuế doanh nghiệp lớn không có thẩm quyền giải quyết hoàn thuế - điều này cũng ảnh ưởng đến tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế. Do đó, với việc mở rộng phân quyền giải quyết hoàn thuế cho Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, chi cục trưởng chi cục thuế khu vực và chi cục thuế cấp huyện sẽ giúp đẩy nhanh thời gian giải quyết hoàn thuế.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) còn bổ sung quy định, công chức quản lý thuế có trách nhiệm giải quyết hồ sơ thuế theo đúng chức trách, nhiệm vụ, tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật có liên quan đến giải quyết hồ sơ thuế của người nộp thuế. Quy định này đã làm rõ hơn trách nhiệm, phạm vi thực thi công vụ của công chức thuế phù hợp với thực tiễn giúp công chức thuế thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định cơ quan thuế chỉ áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiền thuế nợ là kê biên tài sản và biện pháp thu bên thứ ba khi đã có đầy đủ thông tin, điều kiện để thực hiện cưỡng chế mà không bắt buộc phải thực hiện với tất cả các đối tượng. Việc này giúp cơ quan thuế tập trung nguồn lực vào các đối tượng trọng tâm, trọng điểm có khả năng thu hồi nợ nhằm tăng cường hiệu quả công tác cưỡng chế nợ thuế. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định mốc thời gian tính tiền chậm nộp thuế kể từ ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế; thời hạn gia hạn nộp thuế; thời hạn ghi trong thông báo hoặc quyết định ấn định thuế hay quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế đảm bảo thống nhất về thời gian tính tiền chậm nộp tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành...
PGS,TS. Lê Xuân Trường cho rằng, việc phân cấp, phân quyền cho 3 “đối tượng” được quyết định hoàn thuế cũng có nghĩa là họ sẽ phải thực hiện trách nhiệm kép: Trách nhiệm đảm bảo quản lý, giám sát thực thi đúng các luật thuế và Luật Quản lý thuế để phòng ngừa gian lận hoàn thuế và trách nhiệm trước xã hội về việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế nhanh chóng, thuận tiện cho người nộp thuế. Để việc tránh những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện quy định mới (khi các đề xuất trên được thông qua), cần sửa đổi, hoàn thiện quy trình giải quyết hoàn thuế để mọi khâu rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ; đồng thời, tăng cường kiểm tra nội bộ ngành thuế nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những lệch lạc trong quá trình thực thi./.
MINH ANH