Mở rộng quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế

Mở rộng quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế
11 giờ trướcBài gốc
Trao đổi với phóng viên Báo và phát thanh, truyền hình Gia Lai, ông Trần Ngọc Tuấn-Phó Giám đốc BHXH khu vực XXIII, khẳng định Luật BHYT sửa đổi, bổ sung là bước tiến quan trọng trong hoàn thiện chính sách an sinh y tế, nâng cao quyền lợi người tham gia BHYT và thúc đẩy công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Ông Trần Ngọc Tuấn-Phó Giám đốc BHXH khu vực XXIII. Ảnh: Mai Hoàng
* Cụ thể, quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh (KCB) được mở rộng như thế nào, thưa ông?
- Trước hết, trong một số trường hợp, người dân đi KCB trái tuyến vẫn được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí trong phạm vi quyền lợi, không bị giảm tỷ lệ thanh toán như trước đây. Thủ tục chuyển tuyến được đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho người dân sinh sống, làm việc xa nơi đăng ký KCB ban đầu hoặc có thay đổi nơi cư trú.
Quan trọng nữa là bổ sung nhiều trường hợp được thanh toán trực tiếp chi phí KCB, giúp người dân thuận tiện hơn khi không thể đi KCB đúng tuyến. Việc thanh toán chi phí giữa cơ sở KCB và quỹ BHYT được minh bạch, rõ ràng, tránh tình trạng người bệnh phải tạm ứng hoặc chi trả trước.
Người tham gia BHYT cũng được đảm bảo quyền lợi tốt hơn khi KCB tại nơi tạm trú, góp phần nâng cao tính công bằng và bao phủ của chính sách an sinh này.
Những điểm mới trên thể hiện sự nhân văn, hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân và củng cố niềm tin của nhân dân với chính sách BHYT của Đảng, Nhà nước; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
* Một vấn đề rất được người dân quan tâm là việc xóa địa giới hành chính trong KCB BHYT tại Luật BHYT sửa đổi, bổ sung. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Trước đây, hệ thống KCB BHYT được tổ chức theo 4 tuyến hành chính: Xã, huyện, tỉnh, Trung ương. Tuy nhiên, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung lần này đã chuyển sang mô hình phân cấp kỹ thuật chuyên môn, gồm 3 cấp KCB: Ban đầu, cơ bản, chuyên sâu. Đây là bước đột phá quan trọng, chính thức xóa bỏ ranh giới địa giới hành chính trong KCB BHYT trên toàn quốc.
Thay đổi theo hướng này giúp mở rộng quyền lợi KCB cho Nhân dân. Giờ đây, người dân có BHYT sẽ được hưởng 100% của mức hưởng khi đi KCB BHYT cấp ban đầu trong toàn quốc. Thứ hai, người bệnh được hưởng chi trả mức 100% khi điều trị nội trú ở cơ sở KCB BHYT cấp cơ bản. Bệnh nhân cũng được hưởng 100% mức hưởng BHYT khi KCB tại bất kỳ cơ sở KCB BHYT thuộc cấp cơ bản, cấp chuyên sâu… từng được xác định là thuộc tuyến huyện trước ngày 1-1-2025.
Người dân đến khám bệnh tại TTYT Quy Nhơn. Ảnh: M.H
Đặc biệt, nếu người dân mắc một số bệnh hiếm hoặc bệnh hiểm nghèo có thể lên thẳng cơ sở KCB cấp chuyên sâu. Người bệnh cấp cứu ở tất cả cơ sở y tế, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện hộ nghèo ở vùng KT-XH khó khăn, xã đảo… được hưởng mức chi trả BHYT 100% khi KCB ở cơ sở cấp chuyên sâu.
* Bên cạnh đó, Luật mới cũng điều chỉnh bổ sung nhiều nhóm đối tượng tham gia BHYT, mở rộng diện bao phủ BHYT?
- Đúng thế, Luật mới đã bổ sung nhiều nhóm đối tượng tham gia BHYT, vừa mở rộng diện bao phủ, vừa thể hiện tính nhân văn sâu sắc.
Mức đóng BHYT của các nhóm đối tượng tham gia có thể tối đa bằng 6% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc hoặc mức tham chiếu. Hiện Chính phủ chưa có quy định mức tham chiếu, do vậy mức đóng BHYT vẫn thực hiện bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc hoặc bằng mức lương cơ sở.
Bên cạnh đó, Luật cũng nâng mức hưởng BHYT 100% chi phí KCB đối với một số nhóm như: Người từ đủ 75 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú tại xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng theo quy định của pháp luật có liên quan; người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.
* Các quy định mới của Luật có hiệu lực trong bối cảnh thực hiện điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã. Vậy giải pháp nào để triển khai đồng loạt hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, thưa ông?
- BHXH khu vực XXIII chủ động phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch hành động, triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm. Chúng tôi thành lập các tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ người dân và DN trong thực hiện chính sách pháp luật về BHYT; phối hợp với cơ sở KCB BHYT kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người tham gia BHYT theo quy định của Luật.
Đồng thời, thực hiện việc trích chuyển dữ liệu điện tử chi phí KCB BHYT; khẩn trương rà soát, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm quản lý thông tin bệnh viện để đáp ứng thực hiện các quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ công tác quản lý, giám định, thanh toán chi phí KCB…
* Xin cảm ơn ông!
MAI HOÀNG
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/mo-rong-quyen-loi-nguoi-tham-gia-bao-hiem-y-te-post559758.html