Mở rộng tầm nhìn, kiến tạo cương lĩnh hành động phát triển quốc gia
TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Nếu kỷ nguyên mới là thời kỳ mới của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ thách thức mọi giới hạn phát triển vươn tới thịnh vượng, thì không thể không kiến tạo tầm viễn kiến chiến lược mới, với nghệ thuật mới xử lý thời cơ và nguy cơ.
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, ngày 15.3.2025. Ảnh: Thống Nhất
Cùng với đó là cải cách hệ thống bộ máy và vận hành bằng cơ chế mới phù hợp, trung tâm là kiểm soát và cân bằng quyền lực thông qua hệ thể chế đồng bộ, phù hợp và hiệu quả ở tất cả các phương diện (chính trị, kinh tế, xã hội…), đối với mọi tổ chức của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, ở mọi quy mô, cấp độ và mỗi người trong bộ máy; bằng phương thức mới tập hợp lực lượng; bằng hệ động lực phát triển mới với hệ chính sách thực thi tổng thể, phù hợp, thống nhất, đồng bộ và đủ mạnh… Tất cả nhằm tạo ra tốc độ phát triển vượt bậc và toàn diện với quy mô và chất lượng mới, tạo ra tốc độ phát triển vượt bậc để đất nước thịnh vượng đồng hành cùng thời đại, trong tầm nhìn tới năm 2045.
Định vị chiến lược, đổi mới tư duy, tầm viễn kiến phát triển quốc gia
Do đó, một cách tự nhiên, cần nắm lấyhai phương châm lớn. Thứ nhất, không thể khư khư bám lấy hiện tại và phóng đại nó để tự huyễn hoặc mình hoặc là rơi vào bi quan, yếm thế, mất phương hướng. Thứ hai, “phát triển và phát triển” chính là con đường duy nhất để quốc gia trở nên hùng mạnh, là bảo bối để giữ vững nền độc lập, tự do và để mưu cầu hạnh phúc của Nhân dân và sánh vai với các nước phát triển trên thế giới.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang phát triển như vũ bão nhưng cũng tiềm tàng sự bất trắc khó lường của thời đại ngày nay. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm Đổi mới khẳng định đường lối đổi mới độc lập của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Tuy nhiên, “đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện… nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững”(1).
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng
Trong tầm nhìn tới năm 2045, thực tiễn đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại với quy mô mới, vận tốc mới và gia tốc mới nhưng bền vững, nhân văn.
Địa chính trị, địa kinh tế, địa quốc phòng, địa văn hóa… làm nên địa chiến lược phát triển toàn diện đất nước Việt Nam: vị thế, sức mạnh, uy tín và sự ảnh hưởng Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Ngay những tiền đề đó đòi hỏi phải lựa chọn cho mình con đường riêng ngắn nhất, chủ động tiếp biến và nắm lấy văn minh nhân loại trên các phương diện, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế và hội nhập, thật sự có ý nghĩa quyết định thành bại.
Có thể hình dung, nếu giai đoạn 30 năm Đổi mới đầu tiên từ 1986 - 2015 là sự thức dậy về tư duy, đổi mới về cơ chế, chủ động trong hội nhập toàn cầu, thì giai đoạn 30 năm đổi mới tiếp theo tới năm 2045 sẽ được định hình bởi những cố gắng phi thường của cả dân tộc đột phá về đổi mới tầm nhìn chiến lược, trỗi dậy toàn diện, đồng bộ sức mạnh dân tộc, kết hợp sức mạnh thời đại xây dựng nền tảng cho một xã hội phồn vinh và hạnh phúc, với khát vọng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường, giữ vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế. Dự báo đây là 20 năm đầu của kỷ nguyên mới từ 2026 - 2045, khi Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 100 năm và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tròn 100 năm.
Chúng ta đang sống và hành động trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, với tất cả sự phức tạp của thời cơ và nguy cơ đan xen, chuyển hóa khôn lường, đặt ra thách thức lớn. Ở khía cạnh khác, tưởng đang sống trong một “thế giới phẳng”, nhưng chúng ta không ít lúc lại rơi vào “vùng không phẳng”. Chính vì thế, hơn 30 năm trước, tháng 1.1994, Đảng ta tiên lượng và cả dân tộc ta đang nỗ lực không ngừng để vượt lên “vùng không phẳng” ấy. Tự mình phải vượt qua thách thức, quyết tâm trở nên phú cường và mạnh mẽ; đồng thời, không thể không vượt lên chính mình, để định vị chỗ đứng mới của đất nước. Đi theo cách cũ, kinh nghiệm cũ thì chỉ đi sau các quốc gia - dân tộc khác mà thôi. Do đó, nếu không định vị chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất định sẽ khó tìm được chỗ đứng xứng đáng trên trường quốc tế và càng khó có cơ hội góp phần cùng nhân loại xây dựng thế giới phát triển và tiến bộ. Đó là vận mệnh quốc gia, là danh dự của dân tộc.
Xin nhắc lại, đứng trong thế giới, chúng ta phải trở thành một bộ phận hữu cơ xứng đáng của thế giới chỉnh thể, đó là phương pháp tốt nhất để định vị đất nước.
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc - Thống nhất - Hùng cường
Định vị chiến lược đất nước, tới lượt nó, không có con đường nào khác tốt hơn là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam chân chính, dưới ngọn cờ của Đảng, phải trở thành động lực căn bản, quan trọng đối với tiến trình phát triển của đất nước trong tương lai. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho chúng ta một bài học lớn, khi Người khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”(2).
Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Không có sự độc lập và hùng cường, càng không thể nói tới hạnh phúc vô giá của Nhân dân. Đó là hoài bão trọng đại, một sự nghiệp vẻ vang, động lực to lớn nhưng vô cùng khó khăn, gian khổ và cả sự hy sinh, nhưng sẽ làm nên vị thế, sức mạnh, uy tín của nước Việt Nam, nguồn sinh lực vô biên, tiềm tàng bên trong bảo đảm sự trường tồn của dân tộc ta trong thế giới ngày nay. Đó là thách thức tồn vong phải được hóa giải bằng danh dự, phẩm giá, sức mạnh, uy tín và khí phách của dân tộc Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng: Độc lập dân tộc và CNXH.
Quyền làm chủ đối với vận mệnh của dân tộc mình, đó là độc lập của đất nước, tự do của dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân - linh hồn của lời tiêu ngữ của nước Việt Nam. Tư tưởng độc lập, tự do và hạnh phúc ấy hội tụ hai giá trị hết sức lớn lao: Giá trị của thế giới và giá trị của Việt Nam. Đất nước phải độc lập. Nhưng nước độc lập, nhất định Nhân dân phải được hưởng quyền tự do một cách tự nhiên và tất yếu. Vì, nếu nước độc lập mà Nhân dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì, như Chủ tịch Hồ Chí Minh cam kết ngay từ ngày 17.10.1945.
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc - Thống nhất - Hùng cường là tầm nhìn chiến lược phát triển quốc gia, trong công cuộc Dân tộc chủ động hội nhập toàn cầu hóa, là giá trị căn bản phát triển Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Nhìn tổng thể, trong 20 năm tới, vào năm 2045, trước mắt là năm 2030, với công cuộc không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, độc lập, tự chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; để trở thành một nước phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Nói khái quát, đó là danh hiệu đất nước, bắt đầu từ định vị đúng đắn Việt Nam trong thế giới.
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 60, 65
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 511