Tập trung vào thị trường thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt
Bên cạnh những thị trường lao động truyền thống, Việt Nam đang từng bước mở rộng thị trường mới, thu nhập cao cho người lao động.
Việt Nam đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng thị trường lao động các nước. Ảnh: Lan Nhi
Số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, những năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và hiện nay có khoảng 700 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau, như: Sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử...), xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình).
Điều kiện làm việc và sinh hoạt của người lao động tại nước ngoài tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm. Thu nhập của người lao động khá cao và ổn định, dao động từ 1.200 - 1.600 USD/tháng tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc; từ 800 - 1.200 USD/tháng tại Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu; từ 700 - 1.000 USD/tháng đối với lao động có tay nghề, và từ 500 - 600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở thị trường Trung Đông, châu Phi...
Với công việc ổn định, thu nhập tốt, những năm qua, trung bình mỗi năm lượng kiều hối trung bình chuyển về nước đạt 3,5 - 4 tỷ USD. Đánh giá của giới chuyên gia, sự có mặt của lao động nước ngoài đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đặc biệt tại những địa phương khó khăn, việc có nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần thay đổi diện mạo quê hương, nhiều gia đình thoát nghèo, giúp cho an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm.
Những điều này một lần nữa khẳng định chủ trương đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước là đúng đắn, đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Người lao động đã góp phần quảng bá hình ảnh, giá trị tốt đẹp của đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế; nhiều người khi về nước tiếp tục tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động trong nước với tinh thần, ý thức trách nhiệm và năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề cao, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa...
Tại Nghị quyết số 225/NQ-CP, Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, một lần nữa tiếp tục nhấn mạnh đến việc ưu tiên các thị trường có điều kiện làm việc tốt, an toàn và có mức thu nhập cao.
Vì vậy, theo ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), thời gian tới sẽ tìm kiếm thêm thị trường mới, mở rộng sang châu Âu vì điều kiện làm việc, thu nhập tốt. Hiện nay, nhiều nước tại khu vực này đang có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam, nhất là ngành nông nghiệp. Đồng thời, mở rộng theo hướng đi vào đào tạo những ngành nghề chuyên môn chất lượng cao, có năng suất, có thu nhập cao hơn và thực sự là nơi bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng và tác phong công nghiệp.
Nhiều thị trường rộng cửa đón lao động Việt Nam
Đức là một trong những thị trường được điểm tên đang thiếu nhân lực trầm trọng. Theo thống kê, đến năm 2030, Đức dự kiến thiếu hơn 5 triệu lao động; tới năm 2035 con số này lên khoảng 7 triệu người; Trong khi Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, nhiều người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Đức và đã được đào tạo kỹ năng nghề.
Những năm qua, hợp tác về lao động giữa Việt Nam và Đức đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó có hợp tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi học tập, làm việc trong ngành điều dưỡng chăm sóc người già, người bệnh và điều dưỡng đa khoa. Đây cũng là những lĩnh vực mà Đức đang rất thiếu nguồn nhân lực.
Từ năm 2012 đến nay, có khoảng 1.700 lao động Việt Nam xuất cảnh đi học tập, làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức. Người lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập cao và được hưởng các chế độ phúc lợi như công dân Đức.
Mới đây, lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có cuộc gặp gỡ với Nghị sỹ Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức nhằm trao đổi về tình hình hợp tác đưa lao động Việt Nam sang Cộng hòa Liên bang Đức và Chương trình đào tạo nghề. Hai bên đã thống nhất tiếp tục thúc đẩy trong hợp tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi học tập, làm việc trong ngành điều dưỡng chăm sóc người già.
Không chỉ Đức, Quatar cũng đang cần rất nhiều lao động trong các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ, dầu khí, công nghiệp, giao thông vận tải… Năm 2008, Việt Nam - Qatar đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực lao động. Tuy nhiên, đến nay số lượng lao động Việt Nam tại Qatar mới có gần 1.000 người. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Lao động Qatar ông Ali bin Saeed bin Samikh Al Marri cho biết, sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác, tiếp nhận lao động với Việt Nam - đất nước có 100 triệu dân, nguồn lao động dồi dào, trẻ, tay nghề cao.
Một trong những thị trường lao động mà Việt Nam cũng hướng đẩy mạnh tới, đó là các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhìn nhận, UAE là một thị trường lao động tiềm năng về cơ hội làm việc, học tập, tiếp thu những kỹ năng, kiến thức chuyên môn cao để hoàn thiện và phát triển bản thân, có được mức thu nhập cao trong tương lai.
Hiện nay có khoảng 4.500 lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại UAE, ngành nghề chủ yếu là xây dựng, cơ khí, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, chăm sóc sắc đẹp... Giới chuyên gia đánh giá, đây là con số rất khiêm tốn, trong khi phía UAE có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài với số lượng lớn và Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo cơ bản về chuyên môn kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về nhân lực của UAE trong các lĩnh vực mà phía bạn có nhu cầu.
Được biết, tháng 12/2023, Việt Nam và UAE đã ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nhân lực. Hai bên thống nhất sẽ thành lập Nhóm Công tác chung với cơ chế gặp gỡ, trao đổi thường xuyên để đánh giá kết quả hợp tác, trao đổi và thống nhất các biện pháp phối hợp cụ thể trong thời gian tới; đặc biệt là giảm thiểu tối đa thủ tục liên quan trong việc phái cử và tiếp nhận lao động, phù hợp với tình hình, điều kiện trên thực tế của mỗi bên...
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu lao động lớn. Khi nhu cầu tìm kiếm việc làm ở nước ngoài ngày càng tăng cao thì với việc đẩy mạnh hợp tác lao động theo hướng bền vững, ưu tiên các thị trường có điều kiện việc làm tốt, an toàn và mức thu nhập cao... sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ và bảo đảm an sinh xã hội cho đất nước.
Để đáp ứng thị trường lao động, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá chiến lược (cùng với hoàn thiện đồng bộ thể chế và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng) để xây dựng và phát triển đất nước.
Tâm An