May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty may Hưng Việt (Phố Nối, Hưng Yên). Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Đáp ứng nhu cầu lớn của người tiêu dùng lại giúp giảm thiểu nhiều chi phí, kinh doanh trực tuyến đang được cho là phương thức bán hàng phù hợp xu thế hiện nay, đây có thể nói là “mỏ vàng” của dệt may Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã thành công đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để bứt phá.
Thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới, kênh bán hàng online của Tổng công ty May 10 được khai thác tối đa. Từ năm 2021, May 10 lần lượt khai trương các gian hàng tại Shopee, Sendo, Lazada, Tiki… Kênh phân phối thương mại điện tử giúp doanh nghiệp đa dạng phương thức bán hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời đại công nghệ số.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 cho biết, trước kia, Công ty tập trung vào hai kênh phân phối chính là hệ thống cửa hàng của May 10 quản lý và đại lý tiêu chuẩn. Tuy nhiên, việc phân phối qua những kênh này cũng có hạn chế về địa lý, điểm bán.
Vì vậy, May 10 xác định chiến lược rất rõ là tập trung vào kênh thương mại điện tử và mạng xã hội. Hiện tại, các kênh bán hàng đó đang tăng trưởng rất tốt. Thương hiệu thời trang nữ cao cấp DeTheia mới của May 10 ra mắt năm 2022 đã được thị trường Trung Đông đón nhận với lượng đơn hàng đáng kể qua kênh phân phối thương mại điện tử. Hiện Tổng Công ty đang có kế hoạch mở rộng bán hàng qua kênh phân phối thương mại điện tử của Trung Quốc.
Cùng với đó, May 10 triển khai các giải pháp nâng cao dịch vụ trước, trong và sau khi bán hàng, tăng trải nghiệm của khách hàng qua công nghệ số. Thông qua ứng dụng 3D, khách hàng có thể chọn kiểu cách, màu sắc… trước khi ra quyết định cuối cùng.
May 10 xác định chiến lược rất rõ là tập trung vào kênh thương mại điện tử và mạng xã hội. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN
May 10 cũng có những kế hoạch đa dạng phân khúc sản phẩm, tận dụng tối đa sự phát triển của công nghệ số, tìm điểm chạm đến khách hàng từ kênh online, offline, tăng cường kênh thương mại điện tử để sản phẩm tới người tiêu dùng nhanh nhất. Để làm được việc đó, May 10 đồng bộ số hóa từ khâu thiết kế, kỹ thuật, sản xuất, bán hàng… Doanh thu của Tổng Công ty May 10 luôn có sự tăng trưởng trung bình trên 10% so với kế hoạch.
Ông Vũ Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Dệt may ABH tại Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, cuối năm 2023, Công ty đã thử sức bằng việc đưa sản phẩm lên một số sàn thương mại điện tử nhưng ban đầu cũng thất bại vì không có kinh nghiệm vận hành, marketing. Nhưng đến đầu năm 2024, sau hơn 5 tháng được nhà cung cấp dịch vụ Shopee hỗ trợ, Công ty đã hoàn thiện gần 500.000 đơn vị sản phẩm do sàn đặt hàng với tổng giá trị hơn 13 tỷ đồng. Tất cả đều được sản xuất theo mẫu mã do Shopee đặt may hoặc Công ty đề xuất thiết kế, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Thời gian tới, Công ty tiếp tục đẩy mạnh bán hàng online trên trên kênh thương mại điện tử khác.
Không chỉ mảng xuất khẩu, Tổng công ty Đức Giang (Dugarco) còn chú trọng thị trường nội địa và phân phối hàng trên kinh doanh trực tuyến. "Phát huy thế mạnh của mình, Dugarco ưu tiên sử dụng nguyên liệu tái tạo, thân thiện môi trường, thực hiện “xanh hóa” sản xuất để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn", ông Phạm Tiến Lâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Đức Giang cho biết,
Nửa cuối năm 2024, doanh nghiệp mở rộng thêm các kênh và phương thức bán hàng góp phần bù đắp vào phần doanh số thiếu hụt và cải thiện lợi nhuận. Để có thể tăng trưởng doanh số trong dài hạn, chiến lược mở mới các điểm bán lẻ sản phẩm thiết kế riêng cho người Việt, kết hợp với các kênh bán lẻ online được Dugarco bền bỉ thực hiện.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nếu như năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp dệt may bán hàng qua thương mại điện tử chỉ khoảng 7-8%, thì năm nay đã tăng lên trên 20%. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng tốt là nhờ vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi, chủ động trong việc phát triển mẫu, quản trị số và thúc đẩy giải pháp tự chủ về chuỗi cung ứng thị trường trong nước và qua kênh thương mại điện tử.
May 10 May 10 khẳng định chất lượng vượt trội trong lòng người tiêu dùng. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN
Theo ông Vũ Đức Giang, thương mại điện tử đang là kênh kinh doanh “hot” hiện nay, nhất là trong xu thế người tiêu dùng hạn chế phương thức mua hàng trực tiếp - truyền thống. Tuy nhiên, trong ngành dệt may, số doanh nghiệp nghiêm túc đầu tư cho nghiên cứu sản phẩm, xây dựng thương hiệu để bán hàng qua sàn thương mại điện như May 10, Việt Tiến, Thành Công chưa nhiều.
Người tiêu dùng thường sử dụng mạng xã hội để cập nhật xu hướng thời trang. Do vậy, theo ông Giang, các doanh nghiệp dệt may ngoài xây dựng thương hiệu cần tính toán đến việc xây dựng thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội để giới thiệu rộng rãi tới người tiêu dùng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý tới yếu tố mùa vụ để bán sản phẩm phù hợp. Ví dụ, mùa Xuân - Hè tập trung vào mặt hàng áo ba lỗ, đồ bơi; mùa Thu – Đông là áo ấm, tất… hay một số sản phẩm không quá gắt gao về kích thước như sản phẩm thể thao, đầm freesize, áo phông…
Hiện Vitas đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương đẩy mạnh quá trình bán hàng trực tuyến, kết hợp với Amazon Global Selling Việt Nam... xây dựng kế hoạch cụ thể, đồng hành 1-1 để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được phương thức kinh doanh trực tuyến, mang lại hiệu quả cho sản xuất kinh doanh.
Hằng Trần/BNEWS/TTXVN