Chiêu trò yêu cầu đóng "phí xuất kho" nhỏ khi nhận hàng là một kịch bản lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Hãy cảnh giác và nắm rõ quy trình của đơn vị vận chuyển để tự bảo vệ!
Anh N.V.T (ngụ TP HCM) vừa phản ánh việc bị một đối tượng giả danh nhân viên của Tổng Công ty Chuyển phát nhanh Bưu điện - Công ty Cổ phần (viết tắt là EMS) yêu cầu chuyển tiền để xuất hàng.
Kịch bản lừa đảo từ 15.000 đồng "phí xuất kho"
Anh T. cho biết sau khi một cửa hàng mắt kính ở TP Đà Nẵng thông báo đã gửi kính, anh bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ 0912909503. Đối tượng tự xưng là nhân viên của EMS, xác nhận chính xác tên, thông tin đơn hàng và yêu cầu anh T. phải chuyển 15.000 đồng gọi là "phí xuất kho" thì mới nhận được hàng.
Ngay sau đó, một số điện thoại khác (0359544273) nhắn tin cho anh T. với nội dung yêu cầu thanh toán khoản phí trên vào tài khoản ngân hàng số 0908519315, mang tên HUYNH DUC LAM, kèm theo yêu cầu ghi rõ số điện thoại người nhận trong nội dung chuyển khoản. Đối tượng này liên tục gọi điện hối thúc, tạo áp lực buộc anh T. phải chuyển tiền ngay lập tức.
Thực chất, chiêu trò lừa đảo yêu cầu một khoản phí nhỏ như trên chỉ là bước đầu trong một kịch bản tinh vi hơn. Bằng cách yêu cầu một số tiền không đáng kể, các đối tượng dễ dàng khiến nạn nhân mất cảnh giác và làm theo. Một khi đã có được thông tin cá nhân và lòng tin của người dân, đối tượng có thể tiếp tục thực hiện các hành vi lừa đảo tinh vi hơn, như: thông báo nhận bưu phẩm chứa hàng cấm. Các đối tượng giả danh nhân viên bưu điện hoặc công an thông báo nạn nhân có một bưu phẩm chứa hàng cấm (ma túy, vũ khí...) và yêu cầu chuyển một số tiền lớn để "lo lót" hoặc phục vụ điều tra.
Với các đơn hàng quốc tế, đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên hải quan, yêu cầu nạn nhân đóng thêm các khoản thuế, phí không có thật để được nhận hàng.
Đối tượng có thể giả danh nhân viên sàn thương mại điện tử, thông báo nạn nhân đã trúng thưởng một phần quà giá trị lớn và yêu cầu đóng một khoản phí vận chuyển hoặc "thuế nhận thưởng" để nhận quà.
Đây không phải là những hành vi lừa đảo đơn lẻ. Trước đó, Công an tỉnh Phú Thọ đã triệt phá thành công một đường dây lừa đảo có tổ chức quy mô lớn, hoạt động trên không gian mạng. Các đối tượng trong đường dây này sử dụng kịch bản giả danh nhân viên bưu điện, gọi điện thông báo nợ cước viễn thông hoặc có liên quan các vụ án nghiêm trọng để gây sức ép, buộc người dân chuyển tiền. Đường dây này đã chiếm đoạt tổng số tiền lên đến 30 tỉ đồng của nhiều nạn nhân trên cả nước.
Đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn cho anh T.
Lỗ hổng dữ liệu và chiêu trò chiếm đoạt tài khoản
Trước phản ánh của anh T., đại diện EMS xác nhận đây là một hình thức lừa đảo phổ biến và khi tiếp nhận vụ việc, EMS sẽ trình báo lên cơ quan chức năng.
Theo đại diện EMS, thủ đoạn lừa đảo được thực hiện như sau: Đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân chuyển một khoản phí rất nhỏ, thường được gọi là "phí xuất kho". Sau khi nạn nhân chuyển tiền, đối tượng sẽ báo rằng giao dịch bị lỗi. Tiếp theo, chúng gửi một đường link dẫn đến website giả mạo, yêu cầu nạn nhân nhập thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng để "làm lại giao dịch" hoặc "hoàn tiền". Từ những thông tin này, các đối tượng sẽ chiếm đoạt quyền truy cập và đánh cắp toàn bộ tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Trước lo ngại của khách hàng về việc thông tin cá nhân (tên, số điện thoại) có thể bị lộ qua nhãn dán trên bưu phẩm, EMS đã ghi nhận ý kiến và sẽ xem xét các biện pháp tăng cường bảo mật để bảo vệ khách hàng.
Để giúp khách hàng tự bảo vệ, EMS khẳng định lại quy trình chuẩn của công ty là mọi khoản phí phát sinh (nếu có) đều do bưu tá thu trực tiếp khi giao hàng tận tay người nhận. EMS nhấn mạnh công ty không bao giờ yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước cho bất kỳ loại "phí xuất kho" hay chi phí tương tự nào. Khách hàng cần hết sức cảnh giác với những yêu cầu như vậy để tránh bị lừa đảo.
Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân sau các giao dịch mua sắm, đặt vé… không phải là ngẫu nhiên. Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Đào tạo an ninh mạng Athena, nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp không mã hóa dữ liệu người dùng ngay tại nguồn. Thông tin được lưu trữ ở dạng thô, cho phép nhân viên nội bộ dễ dàng trích xuất và bán ra ngoài cho các tổ chức tội phạm. Các tổ chức này sẽ phân tích dữ liệu để tìm kiếm "nạn nhân tiềm năng" có tài chính, sau đó một đội ngũ chuyên nghiệp sẽ thực hiện hành vi lừa đảo. Chúng thường giả danh các cơ quan chức năng như công an, viện kiểm sát, cơ quan thuế, từng bước dẫn dụ nạn nhân vào bẫy rồi gửi link độc hại hoặc ứng dụng giả mạo để chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Huỳnh Thị Hoa, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng để người dân không rơi "vào bẫy", cần thực hiện các giải pháp sau: Về phía Chính phủ, cần sớm có nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Về doanh nghiệp, bắt buộc phải mã hóa thông tin khách hàng ngay tại nguồn và có chế tài xử phạt nghiêm khắc. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu để chống rò rỉ từ cả bên trong lẫn bên ngoài.
Về phía người dân, cần giữ bình tĩnh và luôn kiểm tra trước khi cung cấp thông tin. Các cơ quan chức năng không bao giờ yêu cầu người dân chuyển tiền qua điện thoại để giải quyết vụ việc. Khi nhận cuộc gọi lạ, hãy chủ động hỏi ngược lại thông tin của người gọi (tên, đơn vị, số điện thoại cơ quan) hoặc yêu cầu gọi video để xác thực.
Bên cạnh đó, người dân cần tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc: Không cung cấp thông tin nhạy cảm (số căn cước, tài khoản ngân hàng, mã OTP) cho người lạ; không nhận và thanh toán đối với các bưu phẩm không rõ nguồn gốc. Khi nghi ngờ lừa đảo, hãy cúp máy và báo ngay cho cơ quan công an gần nhất hoặc gọi đến đường dây nóng chính thức của các đơn vị bưu chính để kiểm tra.
Sự cảnh giác và hiểu biết của mỗi cá nhân chính là "lá chắn" vững chắc nhất để bảo vệ bản thân" - luật sư Huỳnh Thị Hoa khẳng định.
Bài và ảnh: BẢO NGHI