Trong các nhóm hàng xuất khẩu, tốc độ tăng kim ngạch cao nhất thuộc về nhóm hàng nông sản, lâm sản với mức tăng 24,7%. Ảnh: Nhung Bùi
PV: Theo ông, sự tăng trưởng của thương mại nói chung và xuất khẩu nói riêng mang lại cơ hội và tạo ra những thách thức như thế nào đối với doanh nghiệp (DN), thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Huy: Có thể thấy, hội nhập kinh tế quốc tế đã đem lại những kết quả tích cực và có những tác động sâu đến kinh tế - xã hội Việt Nam.
Việc Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với phạm vi rộng hơn đã tạo ra cú hích lớn cho DN có thể tiếp cận các công nghệ tiên tiến từ các đối tác FTA. Điều này giúp cho DN tiếp cận các thị trường mới, đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu và có thể tiếp cận với khoa học và công nghệ từ thế giới.
Việc các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều thâm nhập được vào các thị trường lớn và có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt đã từng bước khẳng định chất lượng và uy tín thương hiệu, nhất là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày, hàng điện tử…
Bên cạnh cơ hội, trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục khó khăn, cùng với việc nhiều thị trường đang đẩy mạnh áp dụng các quy định, tiêu chuẩn mới cho hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi các DN Việt Nam cần phải nhận diện thách thức.
Lớn nhất chính là các yêu cầu cao về công nghệ; các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định xuất khẩu và chất lượng sản phẩm. DN xuất khẩu Việt Nam chưa thực sự phát triển về lĩnh vực công nghiệp, năng suất còn thấp, công nghệ chưa cao. Để đảm bảo các quy định về hàng hóa xuất khẩu, DN đầu tư mạnh vào công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại.
Ngoài ra, DN Việt nên hạn chế việc tổng giá trị xuất khẩu bị chiếm phần lớn quá nhiều tại một quốc gia nhất định, bởi nó sẽ đem đến những rủi ro rất lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế, chính trị trên thế giới đang rơi vào tình trạng bất ổn.
Vấn đề về quản lý chuỗi cung ứng cũng hết sức quan trọng, đặc biệt là với mặt hàng tươi sống. Xung đột ở một số nơi trên thế giới vẫn tiếp diễn, có thể gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy chi phí năng lượng tăng trở lại. Những khó khăn này sẽ cản trở việc giảm lãi suất tại các thị trường nhập khẩu chính của hàng hóa Việt Nam, từ đó tác động đến khách hàng, nhãn hàng đối tác của các DN Việt.
Đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế, các DN xuất khẩu cần tạo dựng và phát triển thương hiệu mạnh mẽ cho xuất khẩu hàng hóa, cần tạo sự khác biệt trong sản phẩm và giá trị thương hiệu là rất quan trọng để thu hút khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
PV: Để đạt được những kết quả tích cực, ngoài sự nỗ lực của cộng đồng DN hoạt động xuất nhập khẩu, sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý là hết sức quan trọng, nhất là cơ quan hải quan. Thời gian qua, cơ quan hải quan đã có những biện pháp hỗ trợ DN xuất khẩu như thế nào, xin ông chia sẻ?
Ông Nguyễn Quốc Huy: Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thiết thực nhằm tạo thuận lợi thương mại, tháo gỡ khó khăn cho DN nói chung và DN xuất khẩu nói riêng, đồng thời đảm bảo công tác quản lý hải quan.
Công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách trong quản lý hải quan luôn được các cấp quan tâm. Khi thực tiễn phát sinh những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung như các nghị định liên quan đến thủ tục hải quan, quản lý kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan để kịp thời tháo gỡ vướng mắng cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Hay với giải pháp đơn giản hóa thủ tục hải quan, chúng tôi đã dần chuyển từ hải quan thủ công, đến hải quan điện tử và bây giờ là thông quan điện tử. Thời gian thông quan trước phải tính bằng ngày, nay chỉ tính bằng phút bằng giây. Đó là một trong những điểm quan trọng để hỗ trợ DN hội nhập với quốc tế.
Ngành Hải quan cũng đã trang bị những thiết bị hiện đại như máy soi container, các thiết bị định vị giám sát hàng hóa, hệ thống camera giám sát ở các cảng biển sân bay,… để giảm bớt việc kiểm tra thực tế hàng hóa.
Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã hoạt động ổn định trong nhiều năm, là tiền đề xây dựng hải quan số, hải quan thông minh khi các thủ tục thông quan hàng hóa đều triển khai trên môi trường số.
Tất cả các giải pháp này, không giải pháp nào quan trọng hơn giải pháp nào. Chúng tôi triển khai đồng bộ cùng lúc, nhằm một mục đích là tạo thuận lợi giúp DN giảm chi phí, giảm thời gian làm thủ tục hải quan.
PV: Với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, hạn chế tồn tại thì vẫn còn và thách thức với DN cũng nhiều. Vậy theo ông, cần những giải pháp đột phá nào để bảo đảm xuất khẩu bền vững trong giai đoạn tới?
Ông Nguyễn Quốc Huy: Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới, cần có sự nỗ lực đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, hỗ trợ DN khắc phục khó khăn đẩy mạnh xuất khẩu một cách bền vững.
Các đơn vị cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTA mang lại như CPTPP, EVFTA, RCEP... để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các DN riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập.
DN cần nghiên cứu để đa dạng hơn nữa các thị trường xuất khẩu hàng hóa, bên cạnh việc tiếp tục các giải pháp để giữ vững thị trường chủ lực, cần tìm kiếm mở rộng thêm các thị trường tiềm năng cụ thể.
Đồng thời, chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch; đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường xuất khẩu mục tiêu; tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế cạnh tranh bằng giá; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại...
PV: Xin cảm ơn ông!
Đông Mai