Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, dạy thêm, học thêm có thu tiền trong nhà trường gần như không còn; dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có vẻ đã bớt tràn lan hơn nhưng thực tế vẫn có "chiêu trò" để giáo viên, trung tâm dạy thêm lách quy định.
Tại các trung tâm dạy thêm, học thêm đã xuất hiện những chiêu trò lách luật, như núp bóng dạy kĩ năng sống, dạy mĩ thuật, … đã có tình trạng hoán đổi giáo viên để dạy học sinh chính khóa, danh sách giáo viên này dạy nhưng thực tế là giáo viên khác dạy; cùng với đó, là sự núp bóng dạy thêm miễn phí nhưng đóng tiền bằng nhiều hình thức.
Giáo viên vẫn lách luật được, dám lách luật, có thể do buổi giao thời sát nhập các xã phường, chuẩn bị không còn phòng giáo dục. Nhưng có lẽ, quan trọng nhất là do sự giám sát của cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, xử lý chưa nghiêm, chưa đủ các bên liên quan thấy cần phải làm đúng Thông tư 29.
Hiện nay, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở do Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện quản lý. Tại mục 3 Tổ chức thực hiện của Công văn số 1581/BGD&ĐT-GDPT về quản lý nhà nước về giáo dục khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp nêu rõ:
“Thực hiện giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục và chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non theo Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.[1]
Như vậy, khi không còn cấp huyện, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sẽ giao về cấp xã quản lý nhà nước. Như vậy, cấp xã sẽ thay cấp huyện hiện tại thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Điều 10 Thông tư 29.
Theo người viết, khi cấp xã quản lý hành chính các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở việc quản lý dạy thêm, học thêm sẽ có những điểm thuận lợi sau:
Thứ nhất, cấp xã là đơn vị hành chính gần dân nhất, lãnh đạo xã sẽ nắm bắt sát sao tình hình hoạt động thực tế của các cơ sở kinh doanh dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Nếu có người dân hay cán bộ phản ánh, lãnh đạo xã có thể chỉ đạo ngay và luôn lực lượng thường trực kiểm tra, xác minh 24/7.
Thứ hai, khoảng cách địa lý giữa trụ sở hành chính của xã và các trường tiểu học, trung học cơ sở gần hơn, nên sự chỉ đạo của xã đến lãnh đạo các cơ sở sẽ kịp thời, cụ thể, buộc lãnh đạo nhà trường phải thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của mình, phối hợp theo dõi, kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên đang dạy học tại nhà trường.
Thứ ba, lãnh đạo xã có lực lượng giúp việc quản lý địa bàn như tổ trưởng dân cư, ấp trưởng, … rất gần dân, hiểu địa bàn, có thể nắm bắt, nhận diện, phản ánh nhanh nhất mọi hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa phương.
Thực tế, mọi hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa phương, tổ trưởng tổ dân cư, ấp trưởng ... đều nắm rất rõ, giáo viên nào dạy, dạy như thế nào, vì họ thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với người dân trong địa bàn quản lý, chỉ là thiếu cơ chế quản lý để giao nhiệm vụ cho họ thực hiện.
Vậy làm sao để cấp xã quản lý tốt vấn đề dạy thêm, học thêm? Từ thực tế người viết đề xuất các giải pháp sau:
Thứ nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương sớm phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm của địa phương.
Quy định về dạy thêm, học thêm của địa phương phải chi tiết về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ của các tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường để cơ sở dễ thực hiện, dễ đối chiếu.
Thứ hai, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp xã nên có đường dây nóng nhận phản ánh về dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Đường dây nóng của Ủy ban nhân dân các cấp nhận ý kiến phản ánh về tiêu cực trong dạy thêm, nhưng cũng nhận phản ánh việc làm tích cực của cá nhân, tổ chức trong giáo dục để kịp thời khen thưởng, động viên, khích lệ.
Thứ ba, quy định cụ thể hình thức kỉ luật đối với giáo viên, lãnh đạo xã, lãnh đạo nhà trường để xảy ra vi phạm dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Kiên quyết xử lý kỉ luật nghiêm nếu vi phạm dạy thêm, học thêm. Việc xử lý kiên quyết cá nhân vi phạm quy định dạy thêm, học thêm sẽ làm cho giáo viên, cơ sở kinh doanh dạy thêm, học thêm không dám, không muốn lách luật.
Thứ tư, tuyên truyền, giáo dục đến giáo viên về mục tiêu của Thông tư 29 để giáo viên hiểu và thực hiện, làm cho mỗi giáo viên hiểu được vi phạm quy định dạy thêm, học thêm là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo.
Thứ năm, thực hiện triệt để đổi mới công tác kiểm tra, đánh học sinh; đề kiểm tra, đề thi bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình, hướng đến kiểm tra, đánh giá năng lực, phẩm chất người học áp dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn, tránh kiểu đề hàn lâm như trước đây để giảm thiểu nhu cầu dạy thêm, học thêm.
Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh nên tìm hiểu mục tiêu của chương trình 2018, tránh tâm lý đám đông, bắt ép con đi học thêm, đặc biệt là học sinh tiểu học, dành thời gian cho con em mình được nghỉ ngơi, vui chơi, có ký ức đẹp về tuổi thơ, một yếu tố hạnh phúc của mỗi người.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/cong-van-1581-bgddt-gdpt-quan-ly-ve-giao-duc-khi-thuc-hien-mo-hinh-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-119250412061657238.htm
[2]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-29-2024-TT-BGDDT-quy-dinh-day-them-hoc-them-622469.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Nguyễn Mạnh Cường