Mỗi tháng tốn 200 triệu vận hành tòa nhà giữa Hà Nội 'có tầng chỉ 1 hộ dân ở'

Mỗi tháng tốn 200 triệu vận hành tòa nhà giữa Hà Nội 'có tầng chỉ 1 hộ dân ở'
5 giờ trướcBài gốc
19h tối, giống như nhiều khu chung cư khác, các căn hộ tại dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư khu X2 bắt đầu lên đèn. Tuy nhiên, ánh sáng chỉ le lói ở một vài căn, rải rác trên 3 tòa nhà, còn lại chìm trong bóng tối.
Dự án nhà ở thương mại khu X2 được xây dựng theo cơ chế đặt hàng, phục vụ tái định cư. Theo đó, toàn bộ 750 căn hộ tại dự án sẽ được Hà Nội mua lại.
Một cán bộ thuộc dự án cho biết, kể từ thời điểm nghiệm thu (năm 2020), gần 5 năm trôi qua, mới có 81 căn có quyết định bán nhà. Trong đó, tòa CT1 bàn giao nhiều nhất được 58 căn hộ, tòa CT2 bàn giao được 13 căn, tòa CT3 có 10 căn.
Hàng trăm căn hộ còn lại vẫn trong tình trạng bỏ trống, tối đèn.
Dự án lọt thỏm giữa những chung cư sáng đèn hàng loạt. Ảnh: Hồng Khanh
Gia đình ông Đ., cư dân tòa CT1, là một trong những hộ dân đầu tiên về đây sinh sống từ khoảng 3 năm trước.
“Thời gian đầu khi mới chuyển về, gia đình tôi cũng băn khoăn khi có quá ít cư dân. Cả tầng 10 căn hộ chỉ 1-2 hộ có người ở nên không tránh khỏi những lo lắng về sinh hoạt, an ninh. Tuy nhiên, người dân vẫn được cung cấp đầy đủ dịch vụ, đảm bảo điện nước, thang máy”, ông Đ. cho hay.
Đến nay, tầng nhà ông có 7 hộ dân về ở, được xem là một trong những tầng có tỷ lệ cư trú cao nhất dự án.
Tầng 22 đến nay đã có 7/10 hộ chuyển về ở. Ảnh: Hồng Khanh
Chiều muộn, tiếng đàn piano vang lên trong căn hộ duy nhất có người ở tầng 9. Bên trong căn hộ sáng đèn, còn hai bên hành lang thì đối lập hoàn toàn. Một bên sáng, bên kia tối om, lặng như tờ.
Không chỉ tầng 9, nhiều tầng khác trong cả ba tòa nhà cũng chỉ có 1-2 căn hộ có người ở.
Chị H., một cư dân khác, chia sẻ: “Ban đầu tôi rất lo vì khu này quá vắng, nhưng dần dần thấy an ninh vẫn đảm bảo nên cũng yên tâm hơn”.
Hiện tại, xe của cư dân được dồn về tầng hầm của tòa CT1. Dù một số tầng khối đế đã có người thuê, đi vào hoạt động, nhưng do dân cư ít ỏi nên các dịch vụ tiện ích cũng rất hạn chế.
“Chỉ khi nào lấp đầy dân cư thì nơi đây mới thực sự trở thành khu dân cư đúng nghĩa, với đầy đủ tiện ích phục vụ cuộc sống”, chị H. nói.
Cảnh đối lập hai bên hành lang tầng chỉ có 1-2 căn hộ về ở. Ảnh: Hồng Khanh
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, dù dự án đã hoàn thành gần 5 năm và có người về ở, nhưng nhiều khu vực vẫn còn rào chắn.
Theo cán bộ dự án, tình trạng cư dân sống thưa thớt khiến việc vận hành tòa nhà gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí vận hành tối thiểu một tòa nhà khoảng 200 triệu đồng/tháng. Dù có tòa chỉ 10 căn có người ở nhưng điện, nước vẫn phải duy trì hoạt động, hệ thống thang máy vẫn phải duy tu bảo dưỡng. Sau gần 5 năm, tài sản khấu hao, công trình xuống cấp, gây lãng phí.
Vướng mắc ở đâu?
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố có 14 dự án xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng.
Tính đến tháng 8/2024, có 4/14 dự án đã hoàn thành, đủ điều kiện đưa vào sử dụng và đã ký hợp đồng đặt mua nhà với các chủ đầu tư.
Khu vực dự án nhà ở thương mại phục vụ tái định cư khu X2 vắng bóng người. Ảnh: Hồng Khanh
Ngoài dự án Khu X2, dự án khu nhà ở cao tầng tại lô đất 5.B3 ở xã Đông Hội (huyện Đông Anh) với 448 căn hộ, chưa có căn hộ nào có quyết định bán nhà.
Dự án tòa chung cư C1 tại 289 Khuất Duy Tiến, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), có 2/74 căn hộ có quyết định bán nhà.
Còn tại dự án ở ô đất CT3 khu đô thị mới Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), có 300/392 căn hộ có quyết định bán nhà. Trong đó đã bàn giao nhà 244 căn.
Theo tính toán của Sở này, số tiền dự kiến cần để mua lại quỹ nhà ở tại 4 dự án trên là 2.892 tỷ đồng.
Năm ngoái, tại báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) đã đề xuất bố trí vốn mua nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo hướng quay vòng vốn.
Dự kiến, phương án bố trí khoảng 3.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 (phân bổ nguồn vốn qua Quỹ phát triển đất ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển thành phố) để thực hiện mua nhà ở thương mại phục vụ tái định cư.
Nhiều khu vực dự án còn dựng rào chắn. Ảnh: Hồng Khanh
Tuy nhiên, theo cơ quan này, sau khi thực hiện sắp xếp lại các quỹ vào năm 2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5440, ủy thác cho Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố quản lý toàn bộ nguồn vốn và hoạt động của Quỹ Phát triển đất.
Quyết định này mới chỉ căn cứ theo quy định của pháp luật về đất đai, mà chưa dựa trên quy định của Luật Nhà ở. Theo đó, đối tượng sử dụng nguồn vốn của Quỹ Phát triển đất không có chức năng, nhiệm vụ mua nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư theo quy định của Luật Nhà ở.
Để bố trí vốn mua nhà ở thương mại phục vụ tái định cư thông qua hình thức phân bổ từ Quỹ Phát triển đất (ủy thác cho Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố), UBND TP Hà Nội cần ban hành quyết định giao nhiệm vụ bổ sung cho Quỹ Phát triển đất. Đồng thời, cần bổ sung đối tượng sử dụng vốn, quy định rõ trình tự, thủ tục giải ngân, thanh toán và quyết toán nguồn vốn đối ứng từ Quỹ này theo quy định hiện hành.
Trên cơ sở đó, Sở đề xuất UBND TP Hà Nội bố trí vốn theo phương án phân bổ thông qua Quỹ Phát triển đất (ủy thác cho Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố) để thực hiện việc mua nhà ở thương mại phục vụ tái định cư.
Sở này cho biết, Hà Nội đã chủ trương dừng thực hiện thí điểm cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư trên địa bàn, theo ý kiến chấp thuận của Thường trực Chính phủ và sự thống nhất của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Theo đó, thành phố chỉ xem xét việc mua lại nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng đối với các dự án đã ký hợp đồng trước ngày 9/6/2023.
Hồng Khanh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/moi-thang-ton-200-trieu-van-hanh-toa-nha-giua-ha-noi-co-tang-chi-1-ho-dan-o-2400459.html